Nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam - bà Nguyễn Thị Phương Thảo, đã chia sẻ như thế tại Đại hội Cổ đông thường niên năm 2017 của Hãng Hàng không Vietjet Air diễn ra hôm nay 20.4.
Theo bà Phương Thảo, Vietjet sẽ điều chỉnh giá cả theo luật cung cầu nhưng với giá thành như hiện tại, Vietjet tự tin có thể cạnh tranh với tất cả các hãng hàng không trên thế giới. Và quá trình 5 năm phát triển vừa qua, thương hiệu Vietjet Air đã dần lớn mạnh trong lòng người dân Việt Nam. “Có thể thấy được điều này từ một sự kiện có thời lượng 1,5 ngày vừa diễn ra gần đây, thương hiệu Vietjet Air đã chứng tỏ được sự lớn mạnh của mình như thế nào khi trong số 100 người được hỏi thì có đến 99 người biết về Vietjet. Thế nhưng, cái chúng tôi muốn và tham vọng hơn nữa không phải là 99 người, mà là 101 người biết về chúng tôi", nữ tỷ phú USD tự tin nói.
Liên quan đến thông tin cho rằng Vietjet đang cạnh tranh về giá với các hãng hàng không khác, nữ tỷ phú USD khẳng định, Vietjet tránh các cạnh tranh về giá mà tập trung vào dịch vụ.
“Chúng tôi không có chủ trương cạnh tranh lấy khách hàng của các hãng hàng không khác mà tập trung vào đối tượng khách hàng trẻ, người dân chưa từng đi máy bay,… và chúng tôi bay đến những vùng mà các hãng còn chưa khai thác hết. Nên nhớ, Việt Nam mới có 4 hãng hàng không hoạt động nên còn rất tiềm năng và Vietjet sẵn sàng cạnh tranh để người dân hưởng lợi hơn, thúc đấy du lịch, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế...”, CEO Vietjet chia sẻ.
Ngoài ra, trước kế hoạch mở thêm đường bay quốc tế thời gian tới, nữ “tư lệnh” của Vietjet Air tỏ ra khá tự tin: VJC đã bay đi tất cả các nước trong khu vực và cạnh tranh với các hãng quốc tế. Thời gian đầu những nước đó họ cũng không muốn cho VJC khai thác nhưng VJC vẫn chen chân vào được, điều này cho thấy tiềm năng của VJC lớn thế nào...
Liên quan đến kế hoạch phát triển kinh doanh trong thời gian tới, có cổ đông thắc mắc về chiến lược phát triển của VJC nếu “xảy ra” sự kiện áp sàn vé máy bay, tuy nhiên phía lãnh đạo Vietjet Air lại trả lời khá chung chung.
Theo ông Lưu Đức Khánh, Thành viên HĐQT, Giám đốc điều hành VJC cho biết, VJC đang xem xét lại tất cả các quy trình để đồng bộ hoá để đưa VJC thành hãng hàng không không chỉ bán vé tới hơn 35 triệu khách hàng mà còn khai thác các dịch vụ gia tăng thêm và bán các sản phẩm khác. Về vấn đề chi phí, hiện dịch suất ăn tàu bay, dịch vụ mặt đất, dịch vụ sửa chữa của VJC... đều đang thuê ngoài. Thời gian tới, VJC sẽ cố gắng tự làm những dịch vụ này để giảm chi phí và mang lại lợi nhuận tối ưu cho hãng và cho cổ đông.
“Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi vẫn là nâng cao chất lượng dịch vụ, vì vậy VJC đã ký hợp đồng với một công ty nghiên cứu hành vi khách hàng để đưa ra sản phẩm tốt, phù hợp với người dân Việt Nam”, ông Khánh thông tin.
Được biết, Vietjet Air cũng đang có kế hoạch đầu tư một học viện đào tạo nhân lực hàng không. Mục tiêu của Vietjet không chỉ là nhằm cung cấp cho nhu cầu nhân lực của hãng, của các hãng hàng không nội địa mà còn cho các hãng khác trên thế giới...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.