CEO Wondertour Lê Công Năng: Khởi nghiệp lữ hành du lịch không dễ như tưởng tượng
CEO Wondertour Lê Công Năng: Khởi nghiệp lữ hành du lịch không dễ như tưởng tượng
Gia Bách
Thứ tư, ngày 08/11/2023 08:57 AM (GMT+7)
Một trong những bí kíp khởi nghiệp lữ hành du lịch thành công, CEO Wondertour Lê Công Năng cho rằng nhà khởi nghiệp cần chuẩn bị kỹ các nguồn lực và hãy bắt đầu từ tư duy làm doanh nghiệp chuyên nghiệp.
PV đã có cuộc trao đổi với ông Lê Công Năng xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về khởi nghiệp lữ hành du lịch hiện nay?
Số doanh nghiệp lữ hành quốc tế trước thời điểm dịch Covid bùng phát (năm 2019) là 2.667 giảm xuống còn 2.111 năm 2021, tăng nhẹ lên 2.415 và bùng nổ con số 3.423 vào năm 2023. Thống kê cho thấy những tín hiệu vui nhưng còn đó nhiều nỗi lo.
Đáng mừng là tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ đó chứng minh sự tin tưởng của nhà đầu tư, nhà khởi nghiệp với môi trường kinh doanh du lịch tại Việt Nam, đồng thời đây là lực lượng quan trọng giúp du lịch Việt Nam sớm phục hồi, hướng tới mục tiêu đón 13 triệu lượt khách quốc tế. Mặt khác, với sự nhạy bén về công nghệ, nắm bắt nhanh về xu hướng thị trường, doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ là lực lượng ưu việt, có nhiều cơ hội bứt phá để thành công.
Tuy nhiên, nếu giai đoạn cực thịnh là năm 2019 chúng ta đón 18 triệu lượt khách quốc tế với 2.667 doanh nghiệp lữ hành quốc tế thì với 3.423 doanh nghiệp cho mục tiêu 13 triệu lượt khách quốc tế cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành. Nếu trừ đi nhiều doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã rút lui khỏi thị trường sau ảnh hưởng dài của dịch Covid-19 thì có khoảng 1.000 doanh nghiệp lữ hành quốc tế mới. Họ trước mắt phải "sống sót" trước ảnh hưởng của suy thoái kinh tế trước khi nghĩ đến việc có thể cạnh tranh được các doanh nghiệp lữ hành quốc tế có tuổi nghề và nguồn khách ổn định.
Để khởi nghiệp thành công, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ có tính đặc thù về chuyên môn như du lịch là không dễ. Không giống như đầu tư trong lĩnh vực sản xuất hoặc thương mại, giá trị đầu tư nằm nhiều ở vật tư, hàng hóa, thiết bị, dây chuyền sản xuất,… hoạt động đầu tư lớn nhất trong doanh nghiệp lữ hành là nhân sự và truyền thông. Trong khi đó, để tuyển dụng, đào tạo và giữ chân được nhân sự giỏi là rất khó với doanh nghiệp khởi nghiệp. Doanh nghiệp khởi nghiệp cần đầu tư thời gian và chi phí cơ hội để nhân sự và hoạt động truyền thông phát huy được hiệu quả. Nếu giả định nhà khởi nghiệp lữ hành thất bại thì xác định là mất trắng.
Theo ông, vì sao lại bùng nổ nhà khởi nghiệp ngành du lịch lữ hành trong giai đoạn ngành du lịch còn nhiều khó khăn vì suy thoái kinh tế?
Trong môi trường kinh doanh bình thường thì lữ hành là một trong những lĩnh vực thu hút nhiều nhà khởi nghiệp nhất bởi chi phí đầu tư ban đầu thấp khi không có chi phí vật tư, không có chi phí kho bãi, không chi phí bảo trì – bảo hành dịch vụ. Tuy nhiên bùng nổ trong giai đoạn khó khăn vì suy thoái kinh tế thì có lẽ đến từ các nguyên nhân sau:
Đầu tiên do dịch Covid-19 không còn ảnh hưởng đến hoạt động du lịch tại Việt Nam (hiện đã chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B). Thứ 2 do chính sách mở cửa du lịch quốc tế từ 15/3/2022 cùng hàng loạt điều chỉnh của nhà nước về chính sách nới lỏng thị thực nhập cảnh tạo điều kiện để khách quốc tế dễ dàng du lịch tại Việt Nam hơn với thời gian lưu trú dài hơn.
Nguyên nhân thứ 3, kích thích nhu cầu khởi nghiệp do một lượng nhân sự có chuyên môn mất việc từ các doanh nghiệp lữ hành rút lui khỏi thị trường do hết khả năng phục hồi. Trong khi đó giới trẻ phần nhiều cũng thích tự chủ, có tư duy mạo hiểm hơn.
Lý do tác động lớn nhất, khuyến khích nhà khởi nghiệp thành lập doanh nghiệp lữ hành quốc tế chắc chắn đến từ chính sách giảm 80% tiền ký quỹ để cấp giấy phép lữ hành quốc tế đến hết tháng 12 năm 2023. Dù biết ngành du lịch còn nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng đa số nhà khởi nghiệp tận dụng chính sách để có giấy phép lữ hành quốc tế phục vụ hoạt động kinh doanh lâu dài.
Từ kinh nghiệm của người đã khởi nghiệp lữ hành thành công, ông có thể đúc kết bài học cho nhà khởi nghiệp trẻ?
Công thức chung để khởi nghiệp thành công ở bất cứ lĩnh vực gì là nhà khởi nghiệp cần chuẩn bị nguồn lực kỹ lưỡng từ ý tưởng khởi nghiệp, tài chính, nhà đồng hành, mô hình kinh doanh, kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên với lĩnh vực lữ hành, đặc biệt trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt ngày nay nhà khởi nghiệp trẻ cần chú tâm đến việc nghiên cứu thị trường để có chiến lược sản phẩm tour du lịch tốt nhất. Trong doanh nghiệp lữ hành nên có bộ sản phẩm lõi (chủ đạo), và bộ sản phẩm dẫn hỗ trợ truyền thông và tạo doanh số ngay.
Với nhà khởi nghiệp nên có khát vọng lớn với mục tiêu dài hạn, tìm ra thị trường ngách để tăng năng lực cạnh tranh, có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Khi bắt đầu khởi nghiệp, do tâm lý muốn chứng minh bản thân, muốn nhanh chóng có được những quan hệ khách hàng chất lượng, muốn nắm bắt cơ hội, muốn có người đồng hành với chi phí thấp nên… nhà khởi nghiệp rất dễ bị mắc bẫy và thường tốn nhiều nguồn lực cho những sai lầm. Vì vậy, lưu ý đặc biệt với nhà khởi nghiệp lữ hành là cần chi một cách thông minh và thu trên tiêu chí bền vững.
Không phải tự mình mở doanh nghiệp mới là khởi nghiệp, hiện nay các công ty du lịch phát triển mô hình nhượng quyền giúp nhà đầu tư có ngay thương hiệu lữ hành mạnh cùng quy trình thiết kế doanh nghiệp. Trong trường hợp không tìm được người đồng hành hoặc thiếu kinh nghiệm thì trở thành đại lý nhượng quyền du lịch cũng là một lựa chọn đáng để nhà khởi nghiệp cân nhắc.
Cụ thể ông có thể gợi ý một số ý tưởng về sản phẩm tour cho nhà khởi nghiệp lữ hành trẻ?
Có rất nhiều ý tưởng để xây sản phẩm tour du lịch để khởi nghiệp, tuy nhiên hãy bắt đầu thì nghiên cứu thị trường và xác định nguồn lực đầu tư. Có rất nhiều sản phẩm tour du lịch chuyên đề mà thị trường chưa định hình rõ nét mà cần nhà khởi nghiệp du lịch "định nghĩa lại".
Xét tất cả các yếu tố phù hợp với khát vọng và nội lực, nhà khởi nghiệp có thể tập trung sản phẩm lõi là tour du lịch dành cho khối trường học, khối doanh nghiệp, khối doanh nhân, khối thể thao hay tôn giáo… Ví dụ nếu bạn xác định tạo các sản phẩm du lịch phục vụ khối trường học thì các tour du lịch kết hợp kỹ năng sống, giáo dục nhân cách sống, trải nghiệm nghề nghiệp là những sản phẩm tour hay, có sự đột phá và nội hàm có tính cạnh tranh cao.
Trong trường hợp nhà khởi nghiệp lữ hành muốn kinh doanh sản phẩm tour du lịch phổ thông, trước khi có sản phẩm của riêng mình thì hãy bắt đầu từ việc tham gia các nhóm liên minh bán tour để giảm chi phí đầu tư và từng bước nắm bắt thị trường du lịch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.