Ông Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó ban Tổ chức T.Ư trả lời báo chí đã nêu nghi ngờ: Tài sản không trực tiếp đứng tên cán bộ.
“Nghị quyết T.Ư 4 có rồi, nhưng chống tham nhũng rất khó. Quan chức phải kê khai tài sản, nhưng người nhà quan chức đứng tên tài sản hết, sang tên cho con, cho cháu rồi, kê khai làm sao?”. Đó là một nghi ngờ thực tế, có thật và khá phổ biến. Để đề phòng việc kê khai hoặc tránh tiếng, che mắt dân chúng địa phương và các “đồng chí”, thậm chí cả vợ con, có thể có không ít cán bộ có chức quyền đã “phù phép “tài sản lớn của mình sang tên con cháu, bạn bè cùng cạ và có thể cả bồ nhí từng thề thốt. “Không biết, không liên quan” là câu bùa chú khi có chuyện dị nghị về tài sản kếch sù của các vị “chưa bị lộ” đó.
Thực ra, khó mà cũng không khó, nếu không nói là quá dễ. Vấn đề chính là người ta có công tâm để làm hay không mà thôi.
Bởi vì, dân chúng rất tinh tường, có thể dân không có chứng cứ như cơ quan chức năng (nếu vào cuộc), nhưng dân có trái tim và tấm lòng trong sáng, dân biết đau cho mồ hôi nước mắt của mình... nên có cái sáng suốt của dân. Dư luận nếu không có chứng cứ thì cũng là lời cảnh báo, nhắc nhở cho những người, những cơ quan có trách nhiệm để mắt tới mà điều tra, suy xét.
Bởi vì, pháp luật đã có nhiều quy định, nhiều hành lang cho việc thực thi kiểm tra tài khoản, tài sản. Cho nên, nếu nghi ngờ cậu ấm cô chiêu nào “bỗng dưng giàu sụ” hay nổi máu ăn xài, xây nhà cao cửa rộng gây sốc cho dư luận ở tuổi “tam thập” thì có thể nhân danh pháp luật mà kiểm tra nguồn gốc đồng tiền có vẻ bất thường của họ. Trường hợp cả cha và con đều là cán bộ nhà nước, là đảng viên, thì thu nhập chính đáng của họ càng không khó tìm. Xem những tài sản đó từ đâu mà ra, từ “dán hộp” hay “nuôi heo”, từ buôn bán hay do tổ tiên ông bà để lại... thì cũng yêu cầu họ tường trình xem có thật hay giả trá.
Chúng ta không lặp lại những bệnh ấu trĩ đã từng mắc như bệnh ghét nhà giàu, ghét xài sang (vì xài sang cũng giúp kích cầu và góp thuế xài sang), bệnh ghen ăn tức ở hoặc đưa ra những quyết định vi phạm pháp luật như “kiểm tra hành chính” năm nào. Nhưng dựa vào quy định của pháp luật để làm rõ thì không ai phản đối và chắc chắn cũng không mấy ai thoát được. Nghiêm và minh thì việc gì cũng dễ.
Sông Thao
Vui lòng nhập nội dung bình luận.