Cha đẻ 'Tàu phá thủy lôi' kỳ vọng tàu ngầm Trường Sa

Thứ sáu, ngày 18/04/2014 06:50 AM (GMT+7)
Đã có một mô hình con tàu lặn, nổi theo ý muốn của con người nhưng ước mơ làm tàu ngầm của Việt Nam vẫn chỉ dừng ở mô hình.
Bình luận 0
Trong một cơ duyên, tôi có dịp gặp kỹ sư Nguyễn Hữu Bảo, trước đây công tác tại Phân Viện Thiết kế tàu thủy, người từng chế tạo thành công con tàu không người lái phá thủy lôi mang tên T5. Ông cũng chính là vị kỹ sư từng được giao nhiệm vụ chế tạo động cơ cho mô hình chiếc tàu với ý tưởng manh nha là tàu có thể bơi ngầm dưới nước để phục vụ mục đích chiến đấu.

Làm tàu ngầm để đối phó với hàng không mẫu hạm


Sở dĩ tôi gặp được kỹ sư Bảo cũng là nhờ KS Hoàng Hùng, Thư ký Hội Công nghiệp tàu thủy Việt Nam giới thiệu khi cùng quan tâm tới công trình tàu ngầm của doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa (Thái Bình).

KS Nguyễn Hữu Bảo (áo kẻ) giới thiệu với KS Hoàng Hùng về nguyên lý làm việc của mô hình tàu ngầm ông từng tham gia thiết kế
KS Nguyễn Hữu Bảo (áo kẻ) giới thiệu với KS Hoàng Hùng về nguyên lý làm việc của mô hình tàu ngầm ông từng tham gia thiết kế

Vốn là trước đó từ những năm 1967 các kỹ sư tại Phân Viện Thiết kế tàu thủy, nay là Viện Khoa học công nghệ tàu thủy có nhiệm vụ thiết kế, chế tạo các phương tiện để phục vụ cho chiến tranh. Chính vì thế ý tưởng làm một con tàu bơi chìm dưới nước theo sự điều khiển của con người mà không bị lộ mục tiêu được đặt ra.

“Khi đó hàng không mẫu hạm được bảo vệ rất kỹ. Do vậy chỉ có cách có một phương tiện bí mật, bất ngờ đến thật gần mới có thể làm được. Cái này chỉ có thể là tàu ngầm”, KS Bảo nói.

Tuy nhiên ở vào hoàn cảnh lúc đó, để có một con tàu nổi lên, chìm xuống theo ý đồ của mình không phải chuyện đơn giản.

“Cho nên chúng tôi chỉ dám làm một mô hình, nguyên lý thực nghiệm để xem với khả năng hiện có các nhà khoa học có làm được hay không. Nhiều phương án đã được đưa ra, nhưng cuối cùng nhóm nghiên cứu đã chọn hành trình dài nhưng tiêu thụ nhiên liệu phải ít nhất. Và ăc quy là lựa chọn để cung cấp nhiên liệu cho động cơ tàu”, KS Bảo cho biết.

Trông người lại ngẫm đến ta

Ước vọng là như vậy nên khi nghe tin ông Nguyễn Quốc Hòa làm thành công con tàu có thể lặn, nổi được ông Bảo mừng và cảm động vô cùng.

KS Nguyễn Hữu Bảo nhớ lại, ngày đó được cấp trên giao nhiệm vụ ông cùng KS Nguyễn Bình từng học đóng tàu tại Ba Lan cùng nhau thiết kế thử nghiệm một mô hình con tàu ngầm loại nhỏ. Mô hình này chiều dài chỉ khoảng chưa đến 2m, rộng hơn 40cm.

“Tôi phụ trách phần động cơ, anh Bình lo phần vỏ tàu. Mô hình con tàu được thiết kế và chế tạo tại chỗ bởi một cô thợ hàn lo hàn theo các chi tiết chúng tôi đặt ra. Khi đó KS Nguyễn Bình đã dùng tôn để hàn vỏ tàu. Hình hài con tàu cũng đã được dựng lên”, ông Bảo nhớ lại.

Còn phần động cơ, kỹ sư Bảo nghĩ tới làm sao để sử dụng ắc quy với hiệu suất cao nhất. Sau đó cũng nhờ đọc sách, ông quyết chọn động cơ từ thủy động. Tức là dùng năng lượng điện nhỏ nhất, lợi dụng nước biển là vật dẫn điện để tạo từ trường đủ mạnh tác động với thanh dẫn điện chính là nước biển (vì nước biển có muối). Khi đó sẽ tạo cho động cơ chuyển động hút nước phía trước, đẩy ra phía sau quay chân vịt và khiến cho con tàu chạy được.

“Lúc đó chúng tôi không nghĩ tới phải cần không khí, hay oxy phức tạp như công nghệ AIP. Nhưng hạn chế của động cơ từ thủy động lại phụ thuộc vào từ trường. Để sinh ra từ trường thì phải có năng lượng. Nhưng từ cái gì để sinh ra từ trường đủ lớn thì chúng tôi không giải quyết được. Và mọi việc cũng tắc lại từ đó”, ông Bảo nuối tiếc.

Đặc công tàu ngầm – tại sao không?

Dù cuối cùng mô hình tàu ngầm của các kỹ sư Phân viện thiết kế tàu thủy đã có thể lặn, nổi trong bể được nhưng chỉ có thể đáp ứng yêu cầu của một mô hình. Còn để thành một con tàu thực sự thì lúc này các nhà khoa học đã biết chắc rằng chưa thể.

“Chính vì như vậy nên nay khi biết ông Hòa làm được con tàu có thể lặn, nổi rồi dùng cả công nghệ AIP thì thực sự là khâm phục. Dù biết rằng điều kiện hiện nay ông Hòa có thể nghĩ đến các thiết bị gì cần cho con tàu là có thể trao đổi, nhập, mua bán được, song điều đó vẫn thể hiện một ý chí phi thường”, kỹ sư Bảo nhận xét.

Theo kỹ sư Bảo, có rất nhiều ứng dụng tốt cho cả quốc phòng và dân sinh nếu con tàu của ông Hòa thực sự được thử nghiệm bài bản, thành công.

“Cho nên lúc này cả nhà khoa học và cơ quan quản lý cần vào cuộc, giúp cho tàu ngầm Trường Sa thực hiện các bước thử nghiệm cần thiết. Có như thế thì mới có thể bước những bước tiếp theo với con tàu này được”, KS Bảo nói.

Theo ông Bảo, trong những năm chiến tranh, gian khó là thế nhưng các kỹ sư đã nghĩ đến chế tạo một con tàu phục vụ cho mục đích an ninh quốc phòng, vậy thì nay cớ gì mà không làm được?

“Tôi mong rằng từ các nhà quản lý, khoa học hãy nhìn rộng hơn, cởi mở để tạo động lực cho ông Hòa thử nghiệm, điều chỉnh công trình của mình một cách tốt nhất. Nếu thành công thì đây thực sự là thành quả của người Việt và mở ra hàng loạt các ứng dụng hữu ích với con tàu này. Chỉ đơn cử như đặc công tàu ngầm cũng là có ích rất nhiều”, kỹ sư Nguyễn Hữu Bảo kỳ vọng.
Báo Đất Việt (Theo Báo Đất Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem