Theo Telegraph, Zuckerberg cho biết, Facebook đang hợp tác với các cơ quan của Liên Hợp Quốc có liên quan để mang Internet đến các trại tị nạn.
Phát biểu với các đại diện của Liên Hợp Quốc trong một buổi họp về kế hoạch cung cấp Internet miễn phí cho người tị nạn ngày 27.9, "cha đẻ" của Facebook nhấn mạnh, ông tin rằng, Internet có sức mạnh to lớn, không chỉ giúp người tị nạn tiếp cận với các tổ chức hỗ trợ họ một cách thuận tiện mà còn giúp họ giữ liên lạc với gia đình và người thân.
"Cha đẻ" của trang mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg hứa hẹn sẽ phổ cập Internet miễn phí tới các trại tị nạn.
Zuckerberg cũng nhấn mạnh, Internet là chìa khóa để giảm nghèo đói và việc phủ sóng Internet rộng rãi, trên phạm vi toàn cầu cần phải là "trung tâm của chiến lược phát triển toàn cầu", nhằm giải quyết những thách thức và nhu cầu của thế hệ mới.
Trên trang Facebook cá nhân, vị CEO 31 tuổi đã đăng hình ảnh ông đang phát biểu tại phiên họp của Liên Hợp Quốc cùng dòng chia sẻ: "Việc phổ cập Internet trên khắp hành tinh chúng ta là một thách thức và chính phủ các nước đã nhất trí cùng chung tay cho mục tiêu toàn cầu. Để giúp thực hiện điều này, tôi đã tạo ra dự án One được hỗ trợ bởi nhiều nhà lãnh đạo và các tổ chức quốc tế".
Theo ước tính, hiện có hơn 4 tỷ người không được sử dụng Internet, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.
Tuy nhiên, "cha đẻ" của Facebook chưa tiết lộ chi tiết về kế hoạch mang Internet và Facebook tới hàng nghìn người đang phải sống trong các trại tị nạn.
Nếu kế hoạch của Zuckerberg thành công, người tị nạn sẽ được dùng Internet miễn phí.
Trên thực tế, Internet và mạng xã hội Facebook đang được một bộ phận lớn di dân xem là công cụ hỗ trợ đắc lực giúp họ thực hiện giấc mơ tới trời Âu.
Yousif Aljanabi – một di dân Iraq cho biết, anh từng không hề biết có thể chạy trốn khỏi Iraq, đất nước đầy bất ổn để sang châu Âu cho đến khi tình cờ bắt gặp chủ đề này được thảo luận trên Facebook. Nhiều người sử dụng Facebook đã đăng tải, chia sẻ ảnh, các bài viết, bản đồ chỉ dẫn chi tiết cách vượt biên tới châu Âu. Thậm chí, mọi người còn chia sẻ địa chỉ liên hệ cá nhân, các tổ chức hỗ trợ di dân trên Facebook.
Musab al-Sheikh, một di dân khác chia sẻ, trước khi bắt đầu chuyến hành trình vượt Địa Trung Hải để tới châu Âu, anh đã sử dụng Facebook để tìm kiếm sự tư vấn từ những người đi trước.
"Tôi là một kỹ sư xây dựng sắp tốt nghiệp. Ai đó có thể cho tôi biết chi phí tới Đức là bao nhiêu không? Và nếu ai đó có số của người giúp vượt biên có kinh nghiệm, xin hãy để lại trong phần bình luận bên dưới. Tôi rất biết ơn!", Sheikh đăng trên trang Facebook của một nhóm hỗ trợ di dân gồm 195.000 thành viên. Chỉ trong vòng vài phút, dòng trạng thái của Sheikh nhận được hàng chục ý kiến tư vấn về cách vượt biên và thị trường lao động tại Đức.
Nhờ Internet, nhiều người tị nạn đang sử dụng Facebook như "kim chỉ nam" cho chuyến hành trình tìm kiếm miền đất hứa châu Âu.
Ali al-Bahadily, một cư dân sống ở thủ đô Baghdad đang chuẩn bị đưa vợ con rời khỏi quê hương cho biết, hàng ngày ông đều lên Facebook để tìm kiếm thông tin và xin lời khuyên.
Trong khi đó, Haider al-Farouq cho biết, gia đình ông đã sử dụng Facebook để rủ thêm 6 người khác cùng vượt biên tới châu Âu. Al-Farouq cũng sử dụng trang mạng xã hội này để cập nhật tình hình của mình trong suốt hành trình để người thân yên tâm.
Còn Anwar al-Sary, một di dân khác đã đăng dòng trạng thái "Tạ ơn Chúa, tôi đã tới nước Đức!" lên Facebook đồng thời gửi lời cám ơn đến CEO Mark Zuckerberg bởi chính mạng xã hội này đã thúc đẩy anh rời bỏ Iraq, tìm được đường tới miền đất hứa châu Âu và sau đó trở thành cầu nối liên lạc giữa anh với những người đồng hành khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.