Mới hôm nay bảo rằng dự án này do Nhật tài trợ, qua hôm sau bên Nhật đã bảo chưa duyệt. Thắc mắc, thì họ bảo tại họ quên, nhầm lẫn vậy thôi. Đến hôm khác, lại có chuyện bảo là Nhật giúp đỡ chuyện này, qua hôm sau lại bảo do Pháp tài trợ. Lại tiếp tục quên. Một nhà thầu nào đó trúng thầu một dự án, thì người của cơ quan lại bảo rằng chẳng biết người đó là ai. Nói chung là quên toàn tập, quên từ trên xuống dưới, chẳng nhớ gì cả.
Ảnh minh họa
Phải chăng cả cơ quan đều bị bệnh quên? Theo y học, thì những người cùng làm chung một cơ quan, hay cùng một công việc, rất dễ bị bệnh giống nhau, gọi là bệnh nghề nghiệp. Ví dụ trước đây làm thầy cô giáo thì thường bị bệnh về hô hấp vì ngửi nhiều bụi phấn, nay thì bớt rồi, nhờ giáo án điện tử nên chuyển sang dùng bút lông. Sau này cho học sinh đều dùng máy tính bảng thì bảo đảm bệnh nghề nghiệp này của giới giáo viên sẽ hết tiệt. Hoặc những người làm nghề đứng ngoài đường múa gậy, thì lại rất béo, có thể dẫn đến béo phì, nên mới đưa về làm văn phòng ít tiếp xúc với dân, sợ phản cảm.
Dẫn chứng từ những ví dụ trên, để cho thấy rằng chuyện một nơi nào đó cùng mắc một chứng bệnh là rất bình thường. Cho nên, người ở cơ quan nọ, bị mắc chứng hay quên thì cũng là bình thường. Nhưng không quên sao được? Khi mà bấy lâu nay vẫn cứ những vấn nạn cũ? Hàng không liên tục trễ chuyến, hoãn chuyến, có mỗi cái thang đáp mà cũng quá kém cỏi. Đường sắt đến hẹn lại lên, tết nào cũng thấy hàng hàng lớp lớp người này người nọ xếp hàng chờ mua vé.
Về đường bộ, thì đường cao tốc vừa xây xong đã nứt, đường chờ lún, cầu xây xong đã sập… Quá nhiều chuyện như thế thì nhớ sao nổi? Mà nhớ để làm gì? Có nhớ thì nhớ những gì tốt đẹp, còn chuyện xấu quên phứt cho rồi. Thành ra, những ai đãng trí, hay quên, hoặc kém trí nhớ, thì chuẩn bị nộp đơn xin vào cơ quan này là vừa. Càng lẩm cẩm, càng thường quên trước quên sau càng tốt. Thậm chí lúc nộp đơn, cứ bảo là không rõ nộp đơn để làm gì thì xứng đáng làm… thủ trưởng cơ quan. Thế mới tài.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.