Có người đã đếm được 11 cụm từ “cải cách hành chính” mà Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã dùng trong bài trả lời không dài lắm trên Chương trình “Dân hỏi- Bộ trưởng trả lời”.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ thì không thể không nói đến cải cách hành chính (CCHC), để đạt được mục tiêu, nói một cách dân dã là xóa bỏ thực tế trường kỳ “hành là chính” vốn biến “hành chính” thành cái ách quàng lên cổ người dân mỗi bận “đáo” cửa quan.
Sẽ không nhiều người hiểu lắm thế nào là “chỉ số CCHC”, dù được nhấn mạnh là một chính sách mới, khi nó rối như thủ tục hành chính vậy. Nhưng cũng may, trước câu hỏi “người dân được thụ hưởng gì”, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình đã trả lời về “Phương thức đánh giá chỉ số CCHC”. Theo đó, bên cạnh phương thức “cơ quan hành chính tự đánh giá”, còn có thêm phương thức “Thông qua điều tra xã hội học từ người dân, doanh nghiệp”. Tóm lại, người dân có quyền chấm điểm.
Nếu phải chỉ ra sự giống nhau giữa một quan chức hành chính, và một anh bồi bàn, có lẽ, sẽ rất nhiều người nói trúng vấn đề: Họ đều là những người phục vụ. Và lương trả cho lao động của họ đều là từ tiền túi của người dân. Tôi trả tiền, ăn uống chẳng hạn, và tôi có quyền yêu cầu một sự phục vụ. Y chang như việc tôi đóng thuế nuôi anh, và anh, trong nhiệm vụ của mình, phục vụ lại nhân dân với tư cách là người đóng thuế.
Có lẽ, căn bệnh trầm kha nhất của nền hành chính hiện tại không phải, không chỉ là câu chuyện thủ tục, mà chính xác phải là con người hành chính. Từ lâu, tính chất phục vụ đã được hiểu sai cơ bản trong số những con người hành chính chỉ thấy quyền ban phát của mình.
Vậy điểm khác giữa một quan chức và một anh bồi là gì?
Câu trả lời, thật bất ngờ, lại là việc người dân sử dụng quyền trả lương của mình như thế nào. Trong trường hợp anh bồi “ban phát” bằng cách “quăng bát phở lên bàn” chẳng hạn, những người dân - khách hàng của anh ngay lập tức sẽ phản ánh với chủ quán, thậm chí, sẽ tẩy chay. Trong khi đó, trong trường hợp bị một công chức hành chính “hành là chính”, người dân không có cơ hội từ chối, không có lựa chọn nào khác, ngoài sự chịu đựng.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình đã nhìn nhận thực tế “Thời gian qua” như sau: Công tác theo dõi, đánh giá CCHC còn nặng về định tính, chủ quan, chưa tạo được sự tham gia rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, người dân và xã hội. Có lẽ, Bộ trưởng đã chẩn đúng bệnh khi ông đang tự mình giải mệnh đề, cũng là thắc mắc của dân chúng, rằng “Tại sao một anh bồi nhận lương để phục vụ, còn một công chức hành chính thì nhận lương để thực hiện mệnh lệnh của cấp trên”.
Và với việc dành quyền chấm điểm cho người dân, dù còn quá sớm để nói nó có thể tạo ra sự thay đổi của nền hành chính, nhưng ít nhất, việc chấm điểm cũng ghi điểm trong việc bảo vệ quyền lợi của những người đóng thuế.
Anh Đào (Anh Đào)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.