Chấm thi THPT quốc gia 2018: Sẽ có nhiều bất ngờ về điểm thi

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 06/07/2018 06:29 AM (GMT+7)
Chỉ còn vài ngày nữa là đến thời điểm công bố điểm trong kỳ thi THPT (11.7), chính bởi vậy, công tác chấm thi đang được các địa phương đẩy mạnh. Trong khi môn văn bắt đầu xuất hiện nhiều điểm liệt thì các môn thi trắc nghiệm phổ điểm chung được dự báo sẽ thấp hơn năm trước.
Bình luận 0

Nhiều thí sinh để giấy trắng môn văn

Cập nhật thông tin từ nhiều địa phương cho thấy, công tác chấm thi đang được làm khá khẩn chương, chính xác, có sự giám sát cẩn thận. Riêng bài thi môn văn ghi nhận tại nhiều điểm chấm thi, đã xuất hiện khá nhiều điểm liệt. Đa số các bài thi nhận mức điểm này là do để giấy trắng, chỉ chép đề. Cá biệt, còn có thí sinh tự "sáng tác" thơ trong bài thi văn thể hiện sự "ngán ngẩm", ngậm ngùi về thân phận của mình. Các tỉnh có số lượng điểm liệt môn ngữ văn cao như: Quảng Trị, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Kạn, Hưng Yên…

img

Các cán bộ, giáo viên đang tăng tốc để hoàn thành việc chấm thi trước ngày 10.7. Ảnh: T.A

Tại Hải Dương, lãnh đạo Sở GDĐT cho biết, công tác chấm thi của tỉnh đang được thực hiện theo đúng quy định của Bộ GDĐT, cả tỉnh có khoảng 19.644 bài thi tự luận môn văn. Ở môn thi này đã xuất hiện nhiều bài bị điểm liệt. Phần lớn những bài nhận điểm liệt là do thí sinh để giấy trắng, không viết gì hoặc có viết nhưng lại lạc đề hoặc chỉ chép lại đề thi.

Tương tự, theo thông tin từ Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị, hiện tỉnh này đã có khoảng hơn chục bài thi môn văn bị điểm liệt. Đa số bài bị điểm liệt cũng là do thí sinh để giấy trắng không viết gì.

Theo quy chế của Bộ GDĐT, các Sở GDĐT sẽ phải gửi kết quả thi THPT quốc gia năm 2018 về Bộ chậm nhất ngày 10.7. Cùng đó, hoàn thành việc đối sánh kết quả thi chậm nhất ngày 11.7. Các hội đồng thi công bố và thông báo kết quả cho thí sinh vào ngày 11.7. Công bố kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT chậm nhất ngày 17.7.

Ông Nguyễn Minh Tường - Giám đốc Sở GDĐT Phú Thọ cũng cho biết, địa phương này đã chấm được gần 50% bài thi môn ngữ văn. Theo thống kê bước đầu đã có thí sinh đạt điểm 9 và trên 9 điểm. Chỉ có khoảng 27% số thí sinh đạt điểm dưới trung bình. Phổ điểm chủ yếu từ 6 đến 8. Bài bị điểm liệt cũng đã xuất hiện nhiều.

Tại tỉnh Nam Định, lãnh đạo Sở GDĐT tỉnh này thông tin, số bài tự luận hiện đã chấm xong là hơn 10.000 bài trong đó có 5 bài bị điểm liệt, 30 bài đạt điểm 9 và 9,25. Tương tự tại Hưng Yên, qua hai vòng chấm thi đã có 5 bài thi bị điểm liệt.

 Sở GDĐT TP.HCM cũng cho biết, trong tổng số hơn 78.000 bài thi môn ngữ văn có 7 bài thi của thí sinh bị điểm liệt. Điểm thi cao nhất hiện là 8,25 điểm.

Lý do của việc xuất hiện nhiều thí sinh bị điểm liệt, điểm kém môn văn được cho là do đề thi năm nay khó. Trước đó, sau khi môn thi này kết thúc cũng đã có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh đề thi và đáp án. Chủ yếu là những băn khoăn về ngữ liệu đọc - hiểu, cách đặt vấn đề và độ khó của đề bài. Đặc biệt, nhiều người đã tỏ ra lo lắng trước việc đáp án, cách chấm sẽ như thế nào với một đề thi mở như thế.

Qua quá trình chấm nhiều giám thị cũng cho biết, với đề mở nên các em đã đưa ra những quan điểm khác nhau với lý lẽ khác nhau đòi hỏi cách chấm của giám thị phải rất linh hoạt.  Cô Nguyễn Thị Thu Hà – giáo viên Trường THPT Từ Đà, Phù Ninh, Phú Thọ cho biết: “Đề mở đáp án mở, nên cách chấm thi cũng phải mở, chúng tôi thấy rõ trách nhiệm của mình càng phải nghiên cứu kỹ hơn để tránh trong quá trình chấm thiệt thòi cho các em, làm thế nào để đánh giá đúng nhất năng lực của học trò. Trong quá trình chấm thi, chúng tôi thấy đúng là các em đã bộc lộ những quan điểm khác nhau và chúng tôi trân trọng những quan điểm đó của các em đặc biệt là các em nêu quan điểm nhưng các em có những lý giải thuyết phục những quan điểm của mình thì chúng tôi cũng chấp nhận và đánh giá cho điểm cho các em”.

“Tăng tốc” hoàn thành trước 10.7

Theo Bộ GDĐT chậm nhất ngày 11.7, các Sở GD ĐT phải công bố điểm thi THPT quốc gia. Chính vì vậy, thời điểm này, các điểm chấm thi đang tăng tốc để bảo đảm đúng tiến độ.

Là môn thi duy nhất thi theo hình thức tự luận, nên việc chấm thi môn ngữ văn cũng vất vả nhất. Vì vậy, với những địa phương có số lượng thí sinh lớn như Hà Nội hay TP.HCM thì việc chấm thi không hề đơn giản. Ví dụ như TP.HCM, đơn vị này đã phải huy động hầu hết giáo viên để bảo đảm chấm xong gần 78.000 bài thi môn ngữ văn trước ngày 11.7.

Ông Nguyễn Minh Hoàng - Trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Sở GDĐT TP.HCM, cho biết Sở đã huy động hơn 300 người làm phách ngay từ buổi thi cuối cùng (ngày 27.6). Ngày 30.6, Hội đồng chấm chính thức làm việc để đến hết ngày 4.7 chấm xong, ngày 6.7 nộp kết quả về Bộ GDĐT. Để đạt được tiến độ đó, Sở huy động hơn 700 giáo viên đang trực tiếp giảng dạy lớp 12 tại các trường THPT tham gia chấm thi. Công tác chấm thi được thực hiện đúng theo quy trình nghiêm ngặt của Bộ GDĐT.

Tại Hải Dương, năm nay, Sở GDĐT tỉnh phải huy động 84 giáo viên chấm thi cùng 20 giáo viên chấm kiểm tra môn ngữ văn. Quy trình chấm thi được thực hiện đúng theo quy chế của Bộ GDĐT.

Tại Bắc Kạn, Sở GDĐT tỉnh này cũng thông tin, tỉnh đã huy động 70 người làm nhiệm vụ chấm thi. Trong đó, 31 giáo viên có kinh nghiệm tham gia chấm bài thi tự luận là môn ngữ văn, 5 người tham gia chấm kiểm tra và 5 người tham gia xử lý bài thi trắc nghiệm cùng các đội ngũ phục vụ khác. Riêng đối với bài tự luận, cán bộ chấm thi được chia thành 2 nhóm, mỗi nhóm 15 người. Để bảo đảm cán bộ chấm thi không chấm bài của học sinh trường mình, mỗi nhóm sẽ làm việc trong 2 phòng dành cho cán bộ chấm thi 1, cán bộ chấm thi 2 và được chấm độc lập.

Tại nhiều địa phương khác, công tác chấm thi THPT quốc gia 2018 cũng được tiến hành khẩn trương. Ngay khi kỳ thi kết thúc đã tiến hành làm phách, tập huấn chấm thi và triển khai chấm thi sau khi Bộ GDĐT công bố đáp án, hướng dẫn chấm. Lãnh đạo các Sở GDĐT cho biết để bảo đảm tiến độ cũng như tính chính xác, khách quan trong chấm thi, các sở đã huy động số lượng lớn giáo viên đang trực tiếp giảng dạy tham gia.

Về tiến độ chấm thi, Bộ GDĐT cũng quy định, vì số lượng bài thi các tỉnh khác nhau nên sẽ có tỉnh hoàn thành chấm thi trước tiến độ quy định. Tuy nhiên, do dữ liệu điểm thi THPT quốc gia được dùng để xét tuyển vào ĐH, CĐ nên các tỉnh bắt buộc phải bảo mật, không được tự ý công bố điểm trước. Tất cả kết quả thi phải được gửi kết quả về Bộ GDĐT.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem