10 năm mất tích mới trở về quê
Chị Phạm Thị L (SN 1977), ở thôn Liên Minh, xã Hoằng Trường, (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) là một trong những phụ nữ bỏ xứ đi Trung Quốc từ năm 1997. 10 năm sau, năm 2007 chị L mới trở lại quê nhưng rồi sau đó cũng lại đi biệt.
Chị Lê Thị Lan, chị dâu của L cho biết, những năm 1997-1999, nhiều thiếu niên nữ trong xã bỗng nhiên mất tích, trong đó có L. Lúc đó, người nhà chỉ nghi ngờ họ rủ nhau sang Trung Quốc làm thuê nhưng rồi sau đó cả chục năm trời cũng không có tin tức gì.
Nghề đan lưới thu nhập bấp bênh nên phụ nữ nơi này phải đi làm thuê tại Trung Quốc và bị ép kết hôn. Ảnh: H.Đ
“Mấy năm trước cô ấy bất ngờ trở về. Nghe L kể, thì ngày đó không biết gì, thấy người ta rủ đi làm thuê kiếm tiền là đi thôi, không ngờ bị đưa sang Trung Quốc rồi bị ép lấy chồng bên đó. Hiện nay, L đã sinh được 3 đứa con. Cuộc sống lao động vất vả trăm bề, nhiều lúc L muốn bỏ về quê nhưng vì thương con nên đành chấp nhận ở lại nơi xứ người. Mấy năm nay, do bị mất số điện thoại nên gia đình không có cách nào liên lạc được với cô ấy” - chị Lan kể.
Cùng chung cảnh ngộ với chị L, chị Lê Thị B (SN 1975, cùng thôn Liên Minh) cũng bị lừa qua Trung Quốc, ép lấy chồng và sinh được 2 con. Ra đi từ năm 1997, mãi 10 năm sau chị B mới quay trở về Việt Nam. Dù cuộc sống khó khăn cực khổ nhưng người phụ nữ này cũng không thể bỏ con để về hẳn quê hương. Bởi vậy, chị chỉ trở về ít hôm thăm gia đình rồi quay lại Trung Quốc.
Kiểm soát “dòng” buôn người
Theo thống kê của Đồn biên phòng Đa Lộc (huyện Hậu Lộc), trong 8 xã ven biển như: Hòa Lộc, Hưng Lộc, Hải Lộc, Minh Lộc, Ngư Lộc, Đa Lộc và xã Nga Tân (huyện Nga Sơn) từ năm 2007 tới nay có tới hơn 340 phụ nữ lấy chồng Trung Quốc. Còn tại 5 xã ven biển của huyện Hoằng Hóa như: Hoằng Phụ, Hoằng Thanh, Hoằng Tiến, Hoằng Trường, Hoằng Hải, theo thống kê của Đồn biên phòng Hoằng Trường, có 85 phụ nữ lấy chồng Trung Quốc.
Đó là con số mà người nhà trực tiếp báo, còn “nhiều phụ nữ là nạn nhân của đường dây buôn bán người sang Trung Quốc, nhưng do họ không trở về nên không thể biết được”- trung úy Lê Đăng Khoa - Đội trưởng Đội phòng chống tội phạm - Đồn biên phòng Hoằng Trường nói.
Quan điểm
Hiện trong 8 xã ven biển mà Đồn biên phòng Đa Lộc quản lý có 20 trẻ em là con lai đang sinh sống trên địa bàn. Để trẻ em được quyền vui chơi và học tập, ở một số nơi chính quyền phải tạo điều kiện nhập hộ khẩu, để các cháu có thể đến trường đi học.
Trung tá Lê Duy Hùng - Chính trị viên Đồn biên phòng Đa Lộc (Hậu Lộc), cho biết: Việc quản lý số lao động “chui” hay phụ nữ ở lại lấy chồng bên Trung Quốc rất khó, vì khi họ đi không báo cáo chính quyền địa phương, khi họ trở về cũng vậy. Vì vậy, việc đầu tiên là các đồn phối hợp với lực lượng an ninh, chính quyền địa phương kiểm soát dòng lao động di cư.
Cũng theo các chiến sĩ biên phòng, những năm gần đây, việc tuyên truyền phòng chống nạn buôn người đã được nâng cao. Những trường hợp được coi là “mất tích” như những năm 1997, 1998 đều được xem xét tới khả năng buôn người để thực hiện tìm kiếm, vận động người nhà để truy tìm manh mối. Việc điều tra, khởi tố các hành vi buôn bán người cũng được thực hiện ngay cả khi đối tượng đã thực hiện hành vi hàng chục năm trời.
“Năm 2010, cơ quan chức năng đã khởi tố một vụ án buôn bán người, nhưng ngay cả đối tượng khi bị bắt cũng bất ngờ vì hành vi phạm tội của mình đã diễn ra hơn chục năm trời. Ngoài Hoằng Hóa, thì huyện Hậu Lộc vào trước những năm 2000, cũng đã khởi tố 4 vụ án buôn bán người sang Trung Quốc. Tất cả các vụ án này đều từ đơn của bị hại khi trốn thoát trở về” - trung úy Khoa cho hay.
Hiện nay, nguy cơ tiềm ẩn của nạn buôn bán người nơi đây vẫn còn. Trung tá Lê Duy Hùng lý giải, do đất canh tác nông nghiệp không có, nghề chủ yếu là đan lưới, thu nhập từ việc đan lưới thì bấp bênh, cuộc sống không ổn định, nên có rất nhiều chị em kéo nhau sang Trung Quốc làm thuê rồi bị ép lấy chồng xa xứ. Dù “cơn sốt” lấy chồng Trung Quốc đã tạm lắng xuống nhưng việc kiểm soát, vận động và ngăn chặn nạn buôn người vẫn cần được đẩy mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.