Lộ "sân sau" của doanh nhân 9X được giao lập quy hoạch khu du lịch tỷ USD ở Ninh Bình

Minh Khôi Thứ ba, ngày 23/02/2021 06:30 AM (GMT+7)
Công ty CP Bán đảo Kênh Gà, đơn vị được tỉnh Ninh Bình giao làm Chủ đầu tư lập quy hoạch chung siêu dự án khu du lịch Kênh Gà – Vân Trình với tổng đầu tư lên tới 1 - 1,5 tỷ USD, rộng gần 2.000ha ở Ninh Bình sẽ là "ứng viên" nhà đầu tư sáng giá nhất hiện nay.
Bình luận 0

Vậy, Công ty Bán đảo Kênh Gà do ai lãnh đạo và có vị thế như thế nào trên thương trường?

Chân dung doanh nhân 9X là "ông chủ" Bán đảo Kênh Gà

Như Dân Việt đã thông tin, UBND tỉnh Ninh Bình vừa có quyết định phê duyệt đồ án lập quy hoạch chung khu du lịch Kênh Gà – Vân Trình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thuộc địa bàn các xã Gia Lạc, Gia Thịnh của huyện Gia Viễn và các xã Lạc Vân, Đức Long, Thượng Hoà, Gia Tường thuộc huyện Nho Quan.

Tổng quy mô diện tích đất tự nhiên khu vực lập quy hoạch là 1.984ha, trong đó đất tổ hợp dịch vụ thể thao – nghỉ dưỡng – bất động sản định hướng phát triển sân thể thao 315 ha, đất nông trại công nghệ cao gần 360ha, đất ở hơn 138 ha… Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 1 – 1,5 tỷ USD.

Bất ngờ về chân dung doanh nghiệp được giao lập quy hoạch "siêu" khu du lịch tỷ USD - Ảnh 2.

Công ty CP Bán đảo Kênh Gà hoàn thiện hồ sơ quy hoạch Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình có quy mô 1.984 ha, tổng mức đầu tư khoảng hơn 1 tỷ USD.

Đáng chú ý, tỉnh Ninh Bình giao Sở Xây dựng chỉ đạo chủ đầu tư lập quy hoạch chung là Công ty CP Bán đảo Kênh Gà hoàn thiện hồ sơ quy hoạch theo quyết định được duyệt, công bố công khai nội dung quy hoạch theo quy định.

Công ty CP Bán đảo Kênh Gà được thành lập từ tháng 2/2003, đăng ký trụ sở tại huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Hoàng Minh Tuấn (SN 1990). Công ty Bán đảo Kênh Gà bất ngờ tăng mạnh vốn điều lệ từ 60 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng vào tháng 8/2017.

Ngoài Bán đảo Kênh Gà, doanh nhân 9X này còn là đại diện pháp luật tại một loạt doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái của Vissai Group của đại gia khét tiếng ở Ninh Bình - Hoàng Mạnh Trường (thường gọi là "Bầu" Trường). 

Cụ thể, ông Hoàng Minh Tuấn là đại diện của Công ty CP Xây dựng Thương mại Du lịch Kênh Gà 2, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Du lịch Kênh Gà. Đáng chú ý là Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu The Vissai – công ty con của Công ty CP Vissai Ninh Bình (Vissai Group).

Dữ liệu Dân Việt có được cho thấy, Công ty Bán đảo Kênh Gà có ngành nghề kinh doanh chính là dịch vụ hỗ trợ liên quan đến quảng bá và tổ chức các tour du lịch, chi tiết: Kinh doanh lữ hành nội địa, quốc tế và các dịch vụ phục vụ khách du lịch. Năm 2016, Công ty Bán đảo Kênh Gà bị lỗ 6,1 tỷ đồng.

Mặc dù không có dữ liệu cụ thể về các cổ đông lớn đang chi phối Công ty Bán đảo Kênh Gà, tuy nhiên, việc ông chủ 9x Hoàng Minh Tuấn làm đại diện pháp luật một loạt công ty trong hệ sinh thái của Vissai Group cho thấy vai trò quan trọng của "Bầu" Trường và Vissai Group ở Công ty Bán đảo Kênh Gà. 

Vissai Ninh Bình của "Bầu" Trường làm ăn thế nào?

Vissai Ninh Bình (Vissai Group), đây là doanh nghiệp của đại gia "bầu Trường" - Hoàng Mạnh Trường (SN 1972) là một trong những tập đoàn kinh tế lớn của tỉnh Ninh Bình. Đến tháng 3/2017, ở mức vốn điều lệ khoảng 1.200 tỷ đồng, ông Hoàng Mạnh Trường và vợ bà Đỗ Thị Phượng nắm giữ 99,99% vốn CTCP Vissai Ninh Bình, trong đó ông Hoàng Mạnh Trường nắm gần 82,5% vốn.

Sau 17 năm phát triển, Vissai Ninh Bình đã trở thành một tập đoàn hoạt động đa lĩnh vực như sản xuất xi măng, sắt thép, kinh doanh khách sạn, vận tải, thủy điện…

Theo tìm hiểu PV, tính đến cuối tháng 5/2018, Công ty CP Vissai Ninh Bình có quy mô vốn điều lệ 1.504,45 tỷ đồng. Ở mức vốn 1.505,45 tỷ đồng, tháng 1/2019, tỷ lệ sở hữu của "Bầu" Trường giảm xuống còn 77,85% song song đó, tỷ lệ sở hữu của bà Đỗ Thị Phượng tăng lên 22,14%.

Về kết quả kinh doanh, đối với Vissai Ninh Bình (công ty mẹ), giai đoạn 2016-2019, doanh thu thuần của công ty này luôn duy trì trên mức 4.000 tỷ đồng, riêng năm 2019 là 5.303 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước. Trong ngành xi măng tại khu vực Ninh Bình, mức doanh thu năm 2019 của Vissai Ninh Bình chỉ xếp sau Xi măng Xuân Thành với doanh thu 7.748 tỷ đồng.

Bất ngờ về chân dung doanh nghiệp được giao lập quy hoạch "siêu" khu du lịch tỷ USD - Ảnh 4.

Doanh nhân Hoàng Mạnh Trường (bầu Trường). Ảnh Internet.

Tuy nhiên, lợi nhuận của Vissai Ninh Bình (công ty mẹ) lại rất mỏng. Như năm 2019, công ty này chỉ báo lãi vỏn vẹn 10 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận chưa tới 1%. Tại thời điểm 31/12/2019, tổng tài sản của Vissai Ninh Bình ở mức 9.479 tỷ đồng.

Trong khi đó, những năm gần đây Xi măng Sông Lam lại ghi nhận đà tăng trưởng mạnh về doanh thu, như năm 2018 là 4.363 tỷ đồng thì đến năm 2019, doanh thu thuần của công ty này đã ở mức 5.103 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần tương ứng cũng tăng mạnh, riêng năm 2019 là 545 tỷ đồng, tăng 51,8% so với năm trước.

Tính đến ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Xi măng Sông Lam đạt mức 10.374,9 tỷ đồng, cao gấp 5 lần vốn chủ sở hữu.

Ngoài ra, một số công ty thành viên khác thuộc hệ sinh thái của "Bầu" Trường cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2019 với doanh thu thuần ở mức nghìn tỷ đồng như Vissai Hà Nam 2.224 tỷ đồng hay Xi măng Sông Lam 2 với 666 tỷ đồng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem