Chân dung nguyên Tổng thư ký Quốc hội vừa được giới thiệu làm thành viên độc lập Vinamilk
Chân dung nguyên Tổng thư ký Quốc hội vừa được giới thiệu làm thành viên độc lập Vinamilk
Huyền Anh
Thứ tư, ngày 20/04/2022 11:34 AM (GMT+7)
Danh sách 10 ứng viên tham gia HĐQT của Vinamilk nhiệm kỳ 2022- 2026 vừa được Vinamilk công bố. Bà Lê Thị Băng Tâm không còn xuất hiện trong danh sách này, đồng thời ông Nguyễn Hạnh Phúc, nguyên Tổng thư ký Quốc hội, được HĐQT Vinamilk giới thiệu làm thành viên độc lập.
Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) dự kiến sẽ họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 vào ngày 26/4 tới đây. Một nội dung quan trọng sẽ được thực hiện tại cuộc họp lần này là việc thực hiện bầu nhân sự hội đồng quản trị (HĐQT) và ban kiểm soát nhiệm kỳ mới cùng việc xác định chiến lược giai đoạn 2022-2026.
Danh sách ứng cử HĐQT Vinamilk nhiệm kỳ tới gồm 10 thành viên, trong đó 9 thành viên cũ gồm ông Alain Xavier Cany, bà Đặng Thị Thu Hà, ông Đỗ Lê Hùng, ông Lê Thành Liêm, bà Mai Kiều Liên, ông Lee Meng Tat, ông Michael Chye Hin Fah, ông Hoàng Ngọc Thạch và bà Tiêu Yến Trinh.
Bà Lê Thị Băng Tâm - Chủ tịch HĐQT đương nhiệm của Vinamilk không tiếp tục ứng cử ở nhiệm kỳ này. Bà Tâm giữ vị trí Chủ tịch Vinamilk từ tháng 7/2015.
Trước khi đảm nhận vị trí chủ tịch Vinamilk, bà Tâm còn từng là Chủ tịch Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC), Thứ trưởng Bộ Tài chính (1995-2006), Phó Cục trưởng, Cục trưởng, Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước...
Trước đó, trong tài liệu gửi tới đại hội đồng cổ đông của HDBank nơi bà Tâm đang làm Chủ tịch HĐQT cũng cho thấy, bà Tâm không ứng cử HĐQT trong nhiệm kỳ 2022 – 2027 của HDBank.
Khi đó, nhiều người cho rằng bà Lê Thị Băng Tâm sẽ nhường "ghế nóng" ngân hàng để tiếp tục điều hành Vinamilk trên cương vị Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, với diễn biến này không chỉ "ghế nóng" tại HDBank biến động mà mà vị trí Chủ tịch của Vinamilk cũng sẽ đổi chủ sau khi ĐHĐCĐ của 2 doanh nghiệp này tổ chức thành công.
Chân dung nguyên Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, được giới thiệu làm thành viên độc lập Vinamilk
Trong khi bà Tâm không còn ứng cử, đối lại HĐQT Vinamilk giới thiệu ông Nguyễn Hạnh Phúc để bầu làm thành viên độc lập.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc sinh năm 1959, tốt nghiệp trường đại học Kiến trúc Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông Phúc đầu quân cho Công trường xây dựng phía nam Thái Bình với vị trí cán bộ kỹ thuật.
2 năm sau đó, ông Nguyễn Hạnh Phúc đảm nhiệm vị trí Phó trưởng Ban Xây dựng cơ bản và Phó giám đốc Sở Xây dựng Thái Bình.
Tháng 6/1996, ông Phúc trở thành Tỉnh ủy viên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thái Bình, và Giám đốc Công ty gạch ốp lát Thái Bình từ tháng 7/1997.
Từ tháng 12/2000 trở đi, ông lần lượt đảm nhiệm vị trí như Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công nghiệp Thái Bình; Tỉnh ủy viên, Bí thư thành ủy Thái Bình, chủ tịch HĐND thành phố Thái Bình; Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư thành ủy, chủ tịch HĐND thành phố Thái Bình; Thường vụ Tỉnh uỷ, Uỷ viên thường trực Tỉnh uỷ, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thái Bình; Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XII tỉnh Thái Bình; Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XII tỉnh Thái Bình; Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XII tỉnh Thái Bình.
Từ tháng 8/2011, ông Phúc là UVTW Đảng, Uỷ viên Đảng đoàn Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, Chánh văn phòng Đảng đoàn Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia. Thành viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đây cũng là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của ông Nguyễn Hạnh Phúc.
Từ tháng 01/2016 – 11/2021 (trước khi nghỉ hưu theo chế độ), ông Phúc là UVTW Đảng, Uỷ viên Đảng đoàn Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, Bí thư Đảng ủy cơ quan văn phòng Quốc hội, Chánh văn phòng Đảng đoàn Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia Chủ tịch nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam – Australia.
Vinamilk dưới sự chèo lái của Chủ tịch Lê Thị Băng Tâm làm ăn thế nào?
Năm 2022, Vinamilk đặt mục tiêu tổng doanh thu năm 2022 tăng gần 5% lên 64.070 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế dự kiến đi lùi 8% so với năm 2021, xuống chỉ còn 9.770 tỷ đồng.
Về chính sách cổ tức, Hội đồng Quản trị trình ĐHĐCĐ thường niên phê duyệt chính sách cổ tức bằng tiền của năm tài chính 2022 là 3.850 đồng/ cổ phần. Tổng giá trị cổ tức chi trả bằng tiền dự kiến là 8.046 tỷ đồng, tương đương 83% lợi nhuận sau thuế.
Trong đó, cổ tức đợt 1/2022 dự kiến sẽ được tạm ứng với tỷ lệ 15%. Danh sách cổ đông được chốt vào ngày 07/07/2022. Cổ tức sẽ thanh toán vào ngày 19/08/2022.
Mức cổ tức trên tương đương cổ tức năm 2021. Tuy nhiên, số tiền chi trả cổ tức năm 2021 chỉ tương đương 76% lợi nhuận sau thuế.
Sau hai đợt chi trả đã hoàn tất với tỷ lệ lần lượt là 15% và 14%, Vinamilk sẽ chi trả đợt 3 với tỷ lệ 9,5%.
Năm 2021, Vinamilk đạt 61.012 tỷ đồng doanh thu, tăng 2,2% so với năm 2020 và hoàn thành 98,2% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế là 10.632 tỷ đồng, giảm 5,3% so với năm trước và cũng mới hoàn thành 94,4% chỉ tiêu năm.
Tính trong giai đoạn từ 2015 (khi bà Lê Thị Băng Tâm trở thành Chủ tịch HĐQT) đến năm 2021, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của Vinamilk tăng lần lượt là 52% và 38% trong cùng giai đoạn, bình quân mỗi năm tăng trưởng 8,6% về doanh thu thuần và 6,3% về lợi nhuận trước thuế.
Trong khi đó, quy mô tài sản của Vinamik tăng 94% (giai đoạn 2015 – 2021), tương đương mức tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 15,6%.
Cùng với đó, tỷ lệ nợ vay/ vốn chủ sở hữu cũng tăng chóng mặt từ mức 8,81% (năm 2015) giảm xuống mức 2,27% (năm 2017), ngay sau đó tăng vọt lên 18,41% (năm 2019) và đến cuối năm 2021, tỷ lệ này là 26,38%.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.