Cộng đồng mạng vẫn chưa hết xôn xao với thông tin Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang bị tố xù tiền thưởng đội tuyển nữ Việt Nam. Đức Giang bị chỉ trích nhiều hơn khi ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Đức Giang có những chia sẻ rất "cửa trên".
Ông Huyền chia sẻ: "Thực ra có gì đâu? Doanh nghiệp muốn bên Liên đoàn cung cấp mức chia thưởng, rồi từ đó chúng tôi sẽ chuyển số tiền này tới vận động viên, thay vì thông qua bên Liên đoàn".
Khi PV đề nghị làm rõ hơn về việc danh sách chia thưởng và việc phân loại cầu thủ là việc nội bộ của đội bóng, ông Hữu Huyền khẳng định: "Có gì mà không khả thi? Việc chia thưởng như phía doanh nghiệp nhằm đảo bảo minh bạch, chứ có vấn đề gì đâu nhỉ?".
Ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Đức Giang.
Cộng đồng mạng "dậy sóng" trước những phát biểu "có gì đâu" của ông Hữu Huyền và đặt ra câu hỏi ai là ông chủ đích thực của Đức Giang mà lại để tình trạng này xảy ra.
Ông chủ đích thực của Đức Giang
Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang có tiền thân là Công ty cổ phần Bột giặt và Hóa chất Đức Giang, một công ty con của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Hóa chất Đức Giang ra đời dựa trên cơ sở sáp nhập Công ty cổ phần Hóa chất Đức Giang – Lào Cai trở về công ty mẹ phần Bột giặt và Hóa chất Đức Giang. Thương vụ này được kỳ vọng sẽ giúp Đức Giang vươn vai thành gã khổng lồ trong ngành hóa chất.
Tuy nhiên, thực chất, sau sáp nhập, Đức Giang đang trong chế độ "cài số lùi". Đặc biệt, trong quý 3/2019, lợi nhuận công ty này giảm sâu. Lợi nhuận sau thuế quý 3/2019 của Đức Giang chỉ đạt 116,6 tỷ đồng, giảm 127,9 tỷ đồng, tương ứng 52,3% so với quý 3/2018, lũy kế 8 tháng đầu năm đạt 397 tỷ đồng, giảm 222 tỷ đồng, tương ứng 35,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, câu chuyện lợi nhuận của Đức Giang lại không được quan tâm bằng câu chuyện ai là chủ sở hữu thực sự của Đức Giang. Và tình hình tài chính của ông chủ đó như thế nào mà đến nỗi Đức Giang phải "xù" tiền thưởng của đội tuyển bóng nữ Việt Nam.
Đã có thời Đức Giang là "con" của Vinachem nhưng sau khi cổ phần hóa, sở hữu của Vinacham giảm mạnh xuống chỉ còn 8,85%. Vì vậy, Vinachem là cổ đông lớn thứ hai tại Đức Giang, sau ông Đào Hữu Huyền.
Tại Đức Giang, ông Đào Hữu Huyền vừa là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc vừa là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ 11,65% vốn công ty. Chưa dừng lại ở đó, các thành viên trong gia đình ông Huyền cũng nắm giữ tỷ lệ vốn không nhỏ tại Đức Giang.
Cụ thể, ông Đào Hữu Kha, bà Ngô Thị Ngọc Lan, hai người em của ông Huyền nắm giữ 3,5% và 3,45% vốn Đức Giang. Đào Hữu Duy Anh và Đào Hồng Hạnh, các con ông Huyền sở hữu 0,62% và 0,5% vốn công ty. Ngoài ra, vợ, em dâu, em gái của ông Huyền đều là cổ đông của Đức Giang.
Top 150 người giàu nhất sàn chứng khoán
Mặc dù tại thời điểm cuối quý 3/2019, tiền mặt và lợi nhuận của Đức Giang giảm sâu nhưng ông Đào Hữu Huyền vẫn có mặt trong Top 150 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Với việc sở hữu 11,65% vốn công ty Đức Giang, ông Huyền có trong tay khoảng 362 tỷ đồng, nhờ vậy, ông góp mặt ở vị trí thứ 142 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Ông đứng sau bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai vài bậc và đứng trên ông Trầm Khải Hòa, con đại gia ngân hàng Trầm Bê.
Mặc dù vẫn duy trì được vị trí trong Top 150 nhưng ông Huyền có một năm mới không được tốt đẹp nếu xét về thị giá cổ phiếu. Chỉ sau 7 phiên đầu tiên của năm 2020, cổ phiếu DGC đã giảm 400 đồng/CP so với phiên cuối cùng của năm 2019.
Ông Đào Hữu Duy Anh, con trai ông Đào Hữu Huyền.
Con trai làm sếp lớn
Tại Đức Giang, rất đông thành viên gia đình ông Đào Hữu Huyền là cổ đông. Không chỉ có vậy, ông Huyền còn đưa con vào vị trí… sếp lớn. Năm 2013, khi 25 tuổi, ông Đào Hữu Duy Anh, con trai của ông Huyền trở thành trở lý Tổng giám đốc. Sau khi làm việc được 3 tháng, Đào Hữu Duy Anh được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc rồi bước chân vào Hội đồng quản trị.
Không chỉ có vậy, ông Đào Hữu Duy Anh còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Công ty cổ phần Hóa chất Đức Giang Đình Vũ, Ủy viên Hội đồng quản trị Công ty cồ phần Hoá chất Bảo Thắng và ủy viên HĐQT Công ty cổ phần Phốt pho Apatit Việt Nam.
Liên tục mua vào cổ phiếu DGC nên tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Duy Anh không hề nhỏ, đạt khoảng 135 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền này không đủ đưa ông vào Top 200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam nhưng giúp ông có vị thế lớn trong danh sách Thế hệ F2 giàu nhất sàn chứng khoán.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.