Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Cách đây 15 năm, anh Peter Meese, 54 tuổi, quốc tịch Mỹ, biết đến Việt Nam qua câu chuyện từ một người bạn của anh sang du lịch. Câu chuyện đó cứ hiện hữu khiến cho anh vô cùng tò mò, muốn khám phá đất nước xinh đẹp cách nửa vòng trái đất này. Năm 2010, anh Peter cũng đã được đặt chân đến Việt Nam sau bao ngày mong ngóng.
Sau chuyến đi ấy, năm 2011, anh Peter có một quyết định ngã rẽ cuộc đời là sẽ sang Việt Nam sinh sống và học tập. Anh đã lên kế hoạch và bước đầu tiên là chuẩn bị thay đổi sự nghiệp trở thành giáo viên tiếng Anh. Anh học chứng chỉ CELTA, học bằng thạc sĩ dạy tiếng Anh cho người nước ngoài, nghiên cứu về cuộc sống ở Việt Nam... Thời gian này, dạy thêm tiếng Anh cho người nước ngoài ở thành phố New York.
Năm 2017, anh chính thức nghỉ làm ở vị trí quản lý dự án công nghệ, tài chính – một công việc từng gắn bó với anh 28 năm. Tháng 10/2017, anh bán nhà sang Việt Nam.
PV báo Dân Việt đã có cuộc hẹn và trò chuyện vô cùng thú vị với người đàn ông đặc biệt này. Nói về bản thân, anh Peter cho biết mình có niềm đam mê là học ngoại ngữ. Anh đã từng học tiếng Tây Ban Nha, Pháp, Nhật, Nga, Hà Lan. Sau khi biết đến Việt Nam, biết Tiếng Việt học rất khó nên anh muốn tiếp tục chinh phục thách thức này.
"Bố mẹ tôi vẫn nói chiến tranh là phi nghĩa. Tôi càng tò mò hơn về lịch sử và con người Việt Nam. Tôi quyết định sang đây để học hỏi thêm kiến thức và ngôn ngữ mới", anh Peter chia sẻ.
Thời gian đầu mới sang, anh Peter xin dạy tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ. Anh cũng tranh thủ học thêm các khóa học về tiếng Việt. Trong giai đoạn 2 năm dịch Covid-19, anh phải tự học online ở nhà. Và đến tháng 10/2022 vừa qua, anh chính thức trở thành tân sinh viên ngành Việt Nam học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tháng 10/2022 vừa qua, anh Peter chính thức trở thành tân sinh viên ngành Việt Nam học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC
Để chinh phục ngôn ngữ mới đầy khó khăn như tiếng Việt, anh Peter đã tận dụng mọi lúc, mọi nơi, mọi phương pháp để có thể học được một cách nhanh nhất.
Đầu tiên, anh chăm chỉ nói chuyện hàng ngày với người Việt Nam để tăng khả năng nói. Ngoài ra, anh thường xuyên đọc báo mạng bằng tiếng Việt. Theo anh, mỗi bài báo đều được sử dụng từ vựng chuẩn, ai cũng có thể dễ đọc, dễ hiểu. Khi đọc báo, anh thường đọc to để học phát âm và đọc cả câu để hiểu bối cảnh sử dụng từ đó.
Anh Peter hát bài hát Ngồi tựa mạn thuyền. Clip: NVCC
Anh Peter cho hay: "Cùng là 1 từ nhưng sử dụng trong câu khác nhau lại có nghĩa khác nhau. Tuy nhiên khi đọc cả câu sẽ dễ dàng hơn và hiểu nghĩa đúng hơn. Học tiếng Việt phải biết cách đánh vần nếu không sẽ không đọc được hoặc đọc sai. Chỉ cần quên dấu sẽ nói thành những nghĩa rất bất lịch sự.
Một số từ tôi thấy rất khó đọc, ví dụ như từ 'nhuộm', những từ có dấu nặng. Tôi thích nói những từ có dấu hỏi".
Một cách học khác của anh Peter là học tiếng Việt qua các bài hát. Với sở thích yêu ca hát, anh xem đây là cách học thú vị nhất. Anh Peter thường xuyên nghe các bài hát Quan họ Bắc Ninh, các bài hát dân ca… Đến nay, anh thuộc khá nhiều các bài và ngân nga hát như người Việt Nam.
Tuy nhiên, dù thuộc nhiều từ vựng, ngữ pháp nhưng có nhiều tình huống anh phải "bó tay". Nếu như trong tiếng Anh chỉ có một số đại từ nhân xưng đơn giản thì ở Việt Nam lại rất phức tạp. "Tôi luôn bối rối không biết tôi là anh, là em, là bác, là cháu. Người ấy là cô, là chị, là em hay là gì... Trong một lần về nhà bạn chơi, bố của bạn tôi gọi tôi là bác. Tôi không biết tại sao bố của bạn tôi lại gọi tôi bằng bác. Thật khó hiểu", anh Peter vui vẻ kể.
Anh Peter chia sẻ về học tiếng Việt. Clip: Tào Nga
Việt Nam là đất nước tôn sư trọng đạo
Là giáo viên dạy ở 2 quốc gia, khi được hỏi về sự khác nhau khi làm thầy giáo ở Việt Nam và Mỹ, anh Peter thành thật: "Thầy giáo ở Việt Nam rất được coi trọng. Các gia đình quan tâm đến việc dạy cho con kiến thức và các giá trị văn hóa".
Ngoài ra, sinh viên và thầy cô giáo ở Việt Nam cũng rất thân thiện. Anh thích khi được ngồi trong phòng của các giảng viên. "Ở Việt Nam, sinh viên được tiếp xúc và nói chuyện với các giáo sư, tiến sĩ rất dễ. Các thầy cô rất thân thiện và nhiều kiến thức, sẵn sàng chia sẻ và kiên nhẫn dạy cho tôi. Tôi cũng được nhiều bạn bè rất nhiệt tình, cởi mở dạy cho tiếng Việt".
5 năm sinh sống và học tập ở Việt Nam, nhịp sống và ẩm thực nơi đây dường như đã ngấm dần vào tâm hồn của Peter. Anh cho biết, rất thích ăn các món ăn như bún chả, phở bò, bún riêu, mắm tôm… Những lúc rảnh rỗi, ngoài việc chơi các môn thể thao, đàn hát, anh thích đi bộ trên đường phố, ra ngắm Hồ Gươm, đọc về lịch sử Việt Nam và Bác Hồ.
Mùa hè đến anh thường về Mỹ thăm gia đình. Những lúc đó anh rất nhớ tiếng rao ở Việt Nam "Ai bánh mì đây" hay tiếng trẻ con gọi vang "Mẹ ơi", "Bà ơi". Khi Hà Nội bị giãn cách vì dịch Covid-19, cả đường phố im ắng nhưng ngay khi nghe tiếng rao ngoài đường, anh đã reo lên: "A, Việt Nam đã thành công. Cuộc sống đã trở lại rồi".
5 năm sống ở Việt Nam khiến mỗi lần đi xa anh đều nhớ nhịp sống và cả tiếng rao trên đường phố Việt Nam. Ảnh: Tào Nga
Tân sinh viên ngành Việt Nam học này cũng cho biết đã đi được nhiều nơi trên cả nước như Phú Quốc, TP.HCM, Tây Ninh, các tỉnh miền Tây, Sapa, Nha Trang… Những năm trước, anh còn được về Bắc Giang, Hà Tĩnh ăn tết ở nhà bạn. Anh đang háo hức chờ đợi và dự định sắp tới khi gia đình anh từ Mỹ sang sẽ đưa mọi người chơi ở Hạ Long và khắp phố phường ở Hà Nội.
Chia sẻ thêm với PV, anh Peter cho hay, hiện tại anh vẫn đang dạy ở trung tâm tiếng Anh và tình nguyện dạy kèm tiếng Anh cho các bạn sinh viên ở trường. Đây là cách giúp anh hòa nhập tốt hơn với mọi người. Mặc dù đã 54 tuổi nhưng Peter khẳng định mình vẫn còn trẻ, còn sức và còn cống hiến: "Tôi nghỉ hưu chứ không nghỉ việc. Chỉ là tôi chuyển từ làm việc này sang việc khác".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.