Chân dung thầy giáo Hà Nội làm hiệu trưởng từ năm 20 tuổi, học sinh tranh nhau vào trường

Tào Nga Thứ bảy, ngày 16/11/2024 06:26 AM (GMT+7)
Năm tròn 20 tuổi, thầy Nguyễn Trọng Vĩnh được phân công làm hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Ngạc (Từ Liêm - Hà Nội) và năm nay, khi tròn 90 tuổi, thầy là người duy nhất ở Hà Nội được phong tặng Nhà giáo Nhân dân 2024.
Bình luận 0

Ở Hà Nội, một ngôi trường tư thục to đẹp, khang trang, chương trình đào tạo bắt nhịp xu hướng quốc tế và mỗi năm học sinh khắp nơi thi nhau tranh suất vào học... đó là Trường Tiểu học và THCS-THPT Nguyễn Siêu cũng là 1 trong 4 trường dân lập đầu tiên của Hà Nội. Nhà sáng lập ra ngôi trường này chính là Đại tá, Nhà giáo nhân dân, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trọng Vĩnh.

Chân dung thầy giáo Hà Nội làm hiệu trưởng từ năm 20 tuổi, học sinh tranh nhau vào trường  - Ảnh 1.

Thầy Nguyễn Trọng Vĩnh, Nhà sáng lập trường và con gái Nguyễn Thị Minh Thuý, hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu. Ảnh: NVCC

Thầy giáo 20 tuổi làm hiệu trưởng, người duy nhất ở Hà Nội được phong tặng Nhà giáo Nhân dân 2024

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, thầy Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết: Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay với thầy càng trở nên đặc biệt hơn khi ở tuổi 90 ông được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân 2024 cùng với 21 cá nhân có công lớn trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của cả nước. Trong danh sách này, thầy Vĩnh là thầy giáo duy nhất bậc phổ thông ở Hà Nội.

"Tôi rất vui mừng, xin dành vinh dự này cho các thế hệ thầy trò, đặc biệt là những phụ huynh đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ", thầy bày tỏ.

Chân dung thầy giáo Hà Nội làm hiệu trưởng từ năm 20 tuổi, học sinh tranh nhau vào trường  - Ảnh 2.

Thầy Vĩnh được Sở GDĐT Hà Nội chúc mừng nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2024. Ảnh: NVCC

Thầy Nguyễn Trọng Vĩnh sinh năm 1934 ở thôn Vụ Nông, tổng Vụ Nông, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương (nay là xã Đại Bản, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng). Ở tuổi 13, cậu bé Trọng Vĩnh năm xưa mồ côi cả cha lẫn mẹ vì chiến tranh. Sau đó ông tham gia cách mạng, làm liên lạc cho Việt Minh ở xã. Với dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, sau những lần vượt hàng chục cây số vừa đi bộ, vừa bơi sông để làm nhiệm vụ, ông được văn phòng huyện ủy rồi tỉnh ủy, sau này là thành ủy, giữ lại làm việc. Ông tiếp tục được cử đi học bổ túc văn hóa ở chiến khu Việt Bắc. Khi Hà Nội giải phóng năm 1954, ông được đặc cách tốt nghiệp, cùng 14 người khác trở về tiếp quản công tác thanh thiếu niên trường học.

Chân dung thầy giáo Hà Nội làm hiệu trưởng từ năm 20 tuổi, học sinh tranh nhau vào trường  - Ảnh 3.

Thầy Nguyễn Trọng Vĩnh làm hiệu trưởng từ năm 20 tuổi. Ảnh: NVCC

Năm tròn 20 tuổi, thầy Vĩnh được phân công làm hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Ngạc, một ngôi trường cổ với 5-6 lớp. Đó là kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ quên với ông. Ông chia sẻ: "Đây là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề. Nhưng thời kỳ ấy, anh em hăng say lắm. Cho nên về đến đâu, vào môi trường nào, chúng tôi đều mang tới luồng không khí mới của cách mạng".

Thầy giáo trẻ Nguyễn Trọng Vĩnh sau đó trở thành chuyên viên của Sở Giáo dục Hà Nội, trước khi học trường đào tạo cán bộ giảng dạy Chính trị rồi trở thành giảng viên dạy Triết ở Trung sơ cấp Sư phạm Hà Nội, nay là trường Đại học Thủ đô. Năm 1965, nhà giáo Nguyễn Trọng Vĩnh "gác bút nghiên lên đường ra trận" và có thời gian 25 năm công tác tại Bộ tư lệnh Công binh, được phong quân hàm Đại tá.

"Tôi như chiếc đồng hồ, không bao giờ ngừng nghỉ".

Năm 1989, sau nhiều năm cống hiến cho quân đội, tưởng rằng về nghỉ chế độ, Đại tá Nguyễn Trọng Vĩnh sẽ dành thời gian để an dưỡng tuổi già, nhưng với nhiệt huyết của một người chiến sĩ và tình yêu với sự nghiệp "trồng người" vẫn còn cháy bỏng, ông đã cũng người bạn đời của mình là nhà giáo Dương Thị Thịnh xin cấp phép mở một ngôi trường với mong muốn tiếp bước mái trường Phương Đình xưa của nhà giáo dục lớn thế kỷ XIX Nguyễn Văn Siêu. 

Năm 1991, trường Phổ thông dân lập cấp 2 và cấp 3 Nguyễn Siêu ra đời với mục tiêu "Vì hạnh phúc gia đình, vì tiến bộ xã hội, thầy mẫu mực, trò chăm ngoan học giỏi". Năm 1993, Trường Tiểu học Nguyễn Siêu cũng tiếp bước thành lập, tạo nên hệ thống Nguyễn Siêu từ lớp đến lớp 12.

Là một trong số ít ngôi trường ngoài công lập được mở lúc bấy giờ, muôn vàn khó khăn thách thức đặt ra với vợ chồng nhà giáo Nguyễn Trọng Vĩnh: cơ sở vật chất chưa có, phải đi thuê ở nhiều địa điểm khác nhau làm trường dạy học sinh cho 3 cấp học; trang thiết bị dạy học và kinh phí hoạt động thiếu thốn. Nhưng có lẽ bài toán khó nhất đối với ông lại chính là làm sao để tạo nên những thế hệ học trò chăm ngoan học giỏi, trở thành những công dân có ích cho đất nước bởi học sinh các trường dân lập nói chung và trường Nguyễn Siêu nói riêng lúc bấy giờ có đầu vào còn thấp. 

Suy nghĩ của xã hội lúc bấy giờ cũng cho rằng, chỉ có những học sinh không vào được công lập thì mới học trường dân lập. Vốn là một người lính luôn đặt kỷ luật, đạo đức lên hàng đầu, thầy đã lấy giáo dục đạo đức làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình giáo dục toàn diện học sinh. Bởi chỉ khi được giáo dục đạo đức tốt, học sinh biết tôn trọng kỷ luật, các em mới chịu học, từng bước trở thành chăm học và trở thành những học sinh khá, giỏi.

Từ suy nghĩ như vậy, một ngôi trường giáo dục "quân sự hóa" được xây dựng tại trường Nguyễn Siêu để đưa học sinh vào nề nếp. Với quyết tâm đầu vào học sinh thấp nhưng đầu ra phải cao, nhà trường đã quyết định tổ chức cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 học 2 buổi/ngày. Cách xưng hô thầy – con, cô – con cũng được thực hiện từ khi mới thành lập trường góp phần gắn kết giáo viên với học sinh như trong một gia đình, các thầy cô giáo đã trở thành người cha, người mẹ thứ hai của học sinh.

Nhà giáo Nguyễn Trọng Vĩnh: "Tôi như chiếc đồng hồ, không bao giờ ngừng nghỉ" - Ảnh 2.

Thầy Vĩnh cùng vợ là Dương Thị Thịnh mở trường dân lập mang tên danh nhân văn hóa Nguyễn Siêu. Ảnh: NTCC

Thầy Nguyễn Trọng Vĩnh tự hào, nhờ có những định hướng đúng đắn mà học sinh của trường ngày càng chăm ngoan, kết quả học tập của các em dần dần được nâng lên. Từ năm 2014 trở đi, Trường Nguyễn Siêu trở thành trường Chất lượng cao đầu tiên theo Luật Thủ đô (2014), gia nhập hệ thống các trường song ngữ quốc tế Cambridge (2014), trường học điển hình của Microsoft (2014), trung tâm khảo thí Cambridge mới tốt nhất (2015-2016), được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba… Suốt 30 năm qua, trường giữ vững thành tích 100% tốt nghiệp THPT và đỗ vào đại học. Học sinh của trường ngày càng được vinh danh nhiều hơn, không chỉ tại thành phố, địa phương mà trên trường quốc gia, quốc tế.

Với những cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, thầy Nguyễn Trọng Vĩnh đã nhận được các danh hiệu cao quý như Nhà giáo Ưu tú, Trí thức tiêu biểu Thủ đô, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Công dân Thủ đô Ưu tú, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huân chương Lao động hạng Ba, Dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, nhà giáo Nguyễn Trọng Vĩnh là 1 trong 40 nhà giáo Thủ đô được vinh danh và tặng biểu trưng Nhà giáo Thủ đô tiêu biểu (giai đoạn 1982- 2022) và mới đây nhất là Nhà giáo Nhân dân năm 2024.

Có hơn 70 năm cống hiến cho giáo dục và cho đất nước, thầy tự nhận: "Tôi như chiếc đồng hồ, không bao giờ ngừng nghỉ".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem