Nghĩa trang đặc biệt của cả nước chỉ có cô giáo và học sinh

Nhật Hà Thứ sáu, ngày 15/11/2024 10:12 AM (GMT+7)
Tại xã Thụy Dân (huyện Thái Thụy, cách TP Thái Bình khoảng 30km) có một nghĩa trang đặc biệt, đây là nơi yên nghỉ của cô giáo - liệt sĩ Bùi Thị Thanh Xuân và 30 học sinh Trường Phổ thông cấp 2 Thụy Dân - nạn nhân cuộc ném bom ngày 21/10/1966 của giặc Mỹ.
Bình luận 0

Nghĩa trang "độc nhất vô nhị"

Nghĩa trang đặc biệt của cả nước chỉ có cô giáo và học sinh - Ảnh 1.

Nghĩa trang 21/10 - nơi an nghỉ của cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân và 30 học sinh Trường Phổ thông cấp 2 Thụy Dân. Ảnh: Phạm Đối

Mới đây, nhiều người dân, giáo viên cùng các em học sinh lại có một chuyến trải nghiệm đầy ý nghĩa. Không phải đến thăm những làng nghề hay những khu vui chơi giải trí, những khu vực thiên nhiên tuyệt đẹp… mà là viếng thăm một nghĩa trang đặc biệt, nghĩa trang duy nhất của cả nước chỉ có cô giáo và các em học sinh.

Ít ai biết rằng ngôi Trường tiểu học và THCS Thụy Dân (huyện Thái Thụy, Thái Bình) được xây dựng lại trên nền hố bom mà Mỹ từng ném xuống vào trưa 21/10/1966. Cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân cùng 30 em học sinh lớp 7 tuổi từ 13 đến 16, trong đó có toàn bộ 12 học sinh nữ đã bị vùi chết bởi sức ép của bom Mỹ trong các giao thông hào.

Nghĩa trang đặc biệt của cả nước chỉ có cô giáo và học sinh - Ảnh 2.

Nơi an nghỉ của cô giáo và học sinh được xây dựng như một lớp học, với phần mộ của cô giáo ở giữa, và xung quanh là phần mộ của 30 học sinh. Ảnh: Phạm Đối

Cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân cũng bị bom vùi lấp khi cô vừa tròn 24 tuổi, độ tuổi đẹp nhất đời người, để lại một con thơ chưa đầy 3 tuổi và đang mang thai đứa con thứ hai trong bụng. Khi được tìm thấy, cô Xuân vẫn còn ôm chặt hai học sinh trong vòng tay thân yêu của mình.

Sự kiện đau thương này đã gây chấn động dư luận trong nước và trên thế giới. Cả nước hờn căm tội ác dã man của đế quốc Mỹ. Chúng đã cướp đi sự sống của cô giáo trẻ và những em thơ vô tội. Nỗi căm giận xé ruột.

Nghĩa trang đặc biệt của cả nước chỉ có cô giáo và học sinh - Ảnh 3.

Hình ảnh những bài báo ghi lại tội ác của giặc Mỹ, còn được lưu lại tại khu tưởng niệm liệt sĩ - cô giáo và 30 học sinh. Ảnh: Phạm Đối

Ngày 20/6/1969, cô đã được nhà nước phong tặng danh hiệu: Cô giáo, liệt sĩ Bùi Thị Thanh Xuân. Thi hài của cô và các anh chị được chính quyền xã Thụy Dân cùng bà con dân làng an táng tại nghĩa trang đồng Nương - nghĩa trang nhân dân thôn An Tiêm 3- xã Thụy Dân. Đến tháng 2/2004, với sự đồng lòng của thầy và trò ngành giáo dục Thái Thụy, sự kết hợp của huyện đoàn và các tổ chức trong huyện, nghĩa trang 21/10 đã được khởi công xây dựng.

Đây là một nghĩa trang đặc biệt, nằm ngay bên ngôi trường mới. Nghĩa trang 21/10 trông không khác một lớp học được xây dựng trên khuôn viên rộng hơn 1.000m². Đài tưởng niệm được thiết kế như một ngòi bút, ở giữa trang sách được mở, bên trên ngòi bút là một ngọn lửa như hai vầng trăng khuyết. Hai trang sách ghi ''Đài tưởng niệm 21 - 10'' một bên và danh sách cô giáo và học sinh một bên, ở đáy bút là một lư hương giống hình ảnh lọ mực, dưới đó là một dải khăn quàng đỏ.

Niềm vinh dự khi tiếp bước nghề giáo

Nghĩa trang đặc biệt của cả nước chỉ có cô giáo và học sinh - Ảnh 4.

Ông Phạm Xuân Đối cùng đồng nghiệp thắp hương tại phần mộ cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân và 30 em học sinh tại nghĩa trang 21/10. Ảnh: Phạm Đối

Sự hy sinh của cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân và 30 em học sinh là ký ức đau thương nhưng mãi là biểu tượng của tinh thần dạy và học bất khuất của dân tộc Việt Nam. Những bài học quý về ý chí, nghị lực và sự hy sinh của các thầy cô là động lực cho các thế hệ sau vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống, công tác

Ông Phạm Xuân Đối, giáo viên dạy môn Toán Trường tiểu học và THCS Thuỵ Ninh, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình xúc động: ''Mỗi lần đến nghĩa trang cùng với các thầy cô và các em học sinh trường TH và THCS Thuỵ Ninh, tôi lại có 1 cảm xúc dâng trào. Đứng trước ngôi mộ của cô Xuân, tôi càng cảm nhận rõ hơn sự hy sinh lớn lao của cô dành cho nhân dân, cho đất nước".

Nghĩa trang đặc biệt của cả nước chỉ có cô giáo và học sinh - Ảnh 5.

Cùng học sinh viếng thăm nghĩa trang, ông Đối cũng như các đồng nghiệp hy vọng các em học sinh biết tôn trọng lịch sử, sống có trách nhiệm hơn với đất nước ... Ảnh: Phạm Đối

"Hi vọng các em học sinh biết tôn trọng thầy cô, trân trọng lịch sử, tôn tạo và giữ vệ sinh khu di tích, phải sống có trách nhiệm hơn với đất nước để không phụ lòng những người đã ngã xuống, sẽ từng bước tiếp nối, viết tiếp những ước mơ, hoài bão của cô cùng các anh chị vẫn còn dang dở... góp sức mình xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày một tươi sáng hơn", ông Đối bồi hồi chia sẻ.

Chiến tranh đã đi xa nhưng trong lòng các thế hệ giáo viên và học sinh của trường cấp 2 Thụy Dân nói riêng và các thế hệ giáo viên nói chung, cô giáo - liệt sĩ Bùi Thị Thanh Xuân mãi là tấm gương, là tượng đài của ngành giáo dục quê hương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem