Chặn đứng “virus tin giả” trên không gian mạng

Hồng Quân Thứ tư, ngày 21/07/2021 08:43 AM (GMT+7)
Thời gian qua rất nhiều tin giả, tin đồn thất thiệt về tình hình chống dịch Covid-19 đã được không ít người chia sẻ trên không gian mạng. Vậy làm thế nào để có thể nhận biết và phân biệt tin thật và tin giả?
Bình luận 0

Tin giả nguy hiểm không khác gì Covid-19

Thời gian qua, người dân cũng như Chính phủ đã có những nỗ lực tích cực nhằm khống chế dịch Covid-19. Tuy nhiên, đi ngược lại với lợi ích dân tộc, quốc gia, rất nhiều cá nhân và tổ chức vì những mục đích bất chính, vụ lợi cá nhân mà bất chấp tung những tin đồn thất thiệt khiến hoang mang trong dư luận.

Mới đây, trên mạng xã hội nhiều người đã truyền tay nhau hình ảnh các thi thể được bọc trong túi nilon và đặt la liệt dưới sàn nhà cùng chú thích là hình ảnh xác chết của bệnh nhân COVID-19 tại TP.HCM. Nhằm tạo niềm tin hơn nữa, các tài khoản này còn khẳng định đây là ảnh của phóng viên VOV chụp.

Cách phân biệt tin thật và tin giả, đẩy lùi "fake news" liên quan đến Covid-19 - Ảnh 1.

Trong thời đại phát triển công nghệ thông tin, tin giả cực kỳ nguy hiểm.

Tuy nhiên, theo Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam - VAFC (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông), hình ảnh lan truyền được cho là xác chết của bệnh nhân COVID-19 tại TP.HCM là thông tin giả mạo. Chính báo điện tử VOV cũng xác nhận hình ảnh trên không phải do phóng viên của mình chụp.

Qua xác minh từ cơ quan chức năng TP.HCM, căn cứ thông tin từ truyền thông xã hội Myanmar và Indonesia, bức ảnh trên được chụp tại bệnh viện Myawaddy, thị trấn ở đông nam Myanmar.

Hay như trước đó, không ít các cá nhân, tổ chức, thậm chí là nghệ sĩ, người nổi tiếng đã bị phạt vì việc chia sẻ và đăng "fake news" về dịch Covid-19. Những tin này có ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, gây hoang mang cho cộng đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác chỉ đạo chống dịch COVID-19.

Cách phân biệt tin thật và tin giả, chung tay đẩy lùi "fake news" liên quan đến Covid-19 - Ảnh 2.

Tin giả về việc Hà Nội phong tỏa đầu năm 2021

Sự nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch toàn cầu tới nay ai cũng rõ, song còn một loại virus khác mang trong mình độc tố và tốc độ lây lan cũng vô cùng khủng khiếp – đó chính là “Virus tin giả”. Nạn nhân của con virus này không phải là các ca dương tính, mà là khủng hoảng niềm tin, bất ổn xã hội và làm xói mòn nỗ lực chống dịch ngày đêm của biết bao con người.

Cách nhận biết, phân biệt tin thật và tin giả

1. Chọn nguồn tin

Trong thời đại bùng nổ hiện nay, người đọc có thể dễ dàng tìm kiếm, cập nhật tin tức trên internet. Tuy nhiên, người đọc nên phân biệt rõ ràng giữa các nguồn thông tin để từ đó chọn lọc những nguồn uy tín, chính thống.

Phân biệt rõ ràng giữa báo điện tử và trang tin điện tử, trang web tin tức

Cách phân biệt tin thật và tin giả, chung tay đẩy lùi "fake news" liên quan đến Covid-19 - Ảnh 3.

Báo điện tử VTV.vn

- Báo điện tử là nguồn tin có độ tin cậy rất cao. Báo điện tử có tính chất báo chí; cung cấp thông tin và phản hồi thông tin cho báo chí. Là cơ quan ngôn luận, thông tin của của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo từ cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên.

VD: VTV, Dân Việt, Lao Động, VOV, Tuổi Trẻ, Thông Tấn Xã Việt Nam,...

- Trong khi đó, trang tin điện tử là sản phẩm thông tin có tính chất báo chí của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cung cấp thông tin tổng hợp. Tuy không có chức năng sản xuất nhưng rất thực tế nhiều trang tin điện tử hiện nay vẫn sản xuất và tổng hợp tin bài. Chính vì vậy các trang tin điện tử có độ tin cậy không cao.

VD: Kênh 14, Yan, Tiin,...

Không phủ nhận có nhiều trang tin điện tử có nội dung chính xác, chân thực. Tuy nhiên vẫn có những trang tin điện tử chạy theo lợi nhuận, sử dụng ngôn từ kích thích, giật tít, câu view bất chấp nhằm thu hút người đọc. Tiêu đề thường không ăn khớp với nội dung bài viết, sử dụng ngôn từ gây hiểu lầm cho người đọc, xé nhỏ thông tin,...

- Trang web giả mạo

Đây là những trang web được tạo ra nhằm mục đích xấu như kiếm tiền, chống phá nhà nước, định hướng dư luận. Những trang này thường có giao diện không chuyên nghiệp, chèn dày đặc quảng cáo, font chữ sai lệch, sử dụng ngôn từ giật gân, kích động, bất chấp câu view... 

Thêm vào đó, tên miền của những trang web giả mạo này thường rất "lạ" hoặc gần giống với các website uy tín. Những trang này thường được các fanpage, mạng xã hội sử dụng để chia sẻ bài viết nhằm câu view từ người đọc. Chính vì vậy, thông tin từ đây độ chính xác gần như bằng 0.

Nguồn tin trên mạng xã hội có độ tin cậy thấp

Đối với các trang mạng xã hội của các cơ quan, tổ chức chính thống, thường đã được đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ và được cung cấp dấu bản quyền (dấu tích xanh). Người đọc nên quan sát và phân biệt rõ các trang mạng xã hội chính thống và các trang giả mạo.

2. Kiểm tra chéo thông tin

Những tin đồn thất thiệt thường xuất hiện ban đầu một cách đơn lẻ từ một vài cá nhân hay tổ chức không chính thống. Những tin này thường có nội dung chung chung, sơ sài, không có dẫn chứng cụ thể và thường xuất hiện trên các mạng xã hội và truyền miệng.

Cách phân biệt tin thật và tin giả, chung tay đẩy lùi "fake news" liên quan đến Covid-19 - Ảnh 4.

Người đọc cần kiểm chứng kỹ càng thông tin trước khi chia sẻ, bình luận, phát tán

Tuy nhiên cũng có những "fake news" được tung ra một cách bài bản, có sự chuẩn bị kỹ lượng, hình ảnh, bằng chứng được chỉnh sửa, cắt ghép tinh vi. Với những trường hợp này người đọc cần hết sức tỉnh táo, kiểm tra chéo giữa các nguồn tin uy tín. 

Người đọc có thể kiểm tra bằng cách tìm kiếm trên Google những khóa hay sự kiện đang được đưa tin trong bài xem có trang web nào đưa tin như vậy hay không và những tin đó đăng từ bao giờ, tác giả là ai,... Việc đối chiếu, kiểm tra chéo giữa các nguồn tin uy tín giúp giảm tỉ lệ "fake news".

3. Sử dụng óc suy luận

Bên cạnh đó, người dân cũng cần kiểm tra tác giả, đọc kỹ nội dung để suy ngẫm xác định thông tin thật hay giả; tin tức giả hay bị lỗi chính tả hoặc có bố cục lộn xộn, các hình ảnh, video trong tin giả thường bị chỉnh sửa, cắt ghép, thay đổi nội dung, ngày tháng của sự kiện thường bị thay đổi.

Cùng với đó, nhiều người có thói quen thường không kích chuột vào xem nội dung của bài viết mà chỉ đọc nội dung tiêu đề. Đây là một trong những lý do lớn nhất khiến tin tức giả lan truyền trên không gian mạng.

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà tin giả được coi là vấn nạn, với mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội không hề thua kém bất cứ vấn nạn nào khác. Do đó, hãy là người dùng internet có trách nghiệm, không chia sẻ bất cứ thông tin nào chưa được kiểm chứng, hoặc được đăng tải bởi những nguồn không xác thực. Nhất là trong thời điểm nhạy cảm của dịch Covid-19, một thông tin sai, không chính xác có thể khiến nỗ lực của cả nước thời gian qua trở nên vô ích.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem