Vì sao Phạm Hồng Phước bỏ phố về quê rồi tạo ra dòng socola đắt nhất Việt Nam?
Vì sao Phạm Hồng Phước bỏ phố về quê rồi tạo ra dòng socola đắt nhất Việt Nam?
Minh Ngọc
Thứ ba, ngày 29/06/2021 14:36 PM (GMT+7)
Ông từng đảm nhiệm vị trí Phó ban Điều phối Chương trình Cacao quốc gia và giảng viên Trường Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh. Sau khi trở về làm nông dân, tiến sĩ Phạm Hồng Đức Phước đã thành công khi khôi phục đồi đá 13ha, biến thành những vườn ca cao sai trĩu quả.
Stone Hill Farm (hay còn gọi là đồi đá) của tiến sĩ nông dân Phạm Hồng Đức Phước nằm ở ấp 2, huyện Tân Phú (Đồng Nai). Cách đây hơn 10 năm cả quả đồi chỉ toàn đá là đá, đất xói mòn, rửa trôi và không một cọng cây ngọn cỏ.
Khu đất này thuộc quản lý của lâm trường 600. Trước đây, đã có người nhận đất từ lâm trường để quản lý và khai thác nhưng không thành công do ở đây lượng nước không đủ nếu tưới theo phương pháp truyền thống. Cộng với chất đất quá xấu cây không lớn và chết nhiều. Cùng với điều kiện sinh hoạt khó khăn nên không kiếm được lao động làm việc dài hạn và ổn định (không điện, không sóng điện thoại, không có nước sạch) làm nhiều người đã từ bỏ trước khi ông Phước đến.
Là chuyên gia đầu ngành về cacao ở Việt Nam, ông Phước chọn lấy 50 dòng cacao phù hợp nhất trong bộ sưu tập 200 dòng cacao của mình, vừa trồng vừa nghiên cứu.
"Lúc tôi mới nhận ngọn đồi từ người quản lý cũ, ôi thôi nó xấu vô cùng. Thực chất ban đầu ngọn đồi này đẹp - ý là nghe kể thế - nhưng sau đó người dân nghèo trong vùng chẳng biết làm gì nên cứ lên đồi núi chặt hết cây để bán. Họ đốn cây cổ thụ, bắt cả thú rừng, và thậm chí đào luôn đá nham thạch lâu năm hòng kiếm tiền" - ông Phước chia sẻ.
Ông Phước bảo: "Đồi trọc lóc đã đành, nhưng mất cây là mất luôn hệ thống rễ, khi mưa xuống thì đất chẳng có gì giữ nước lại, dẫn đến hiện tượng xói mòn, đất tốt theo mưa trôi đi hết sạch, đến nỗi phần đá núi bắt đầu nhô ra".
Với quyết tâm khôi phục đồi đá, phục hồi hữu cơ cho đất, 3 năm đầu tiên ông Phước đã cùng các cộng sự của mình dựng căn nhà nhỏ sống trên núi. Ở nơi không có điện, không nước máy, không sóng điện thoại, ông đã khoan giếng, tự làm thủy điện và xin trấu về ủ phân, cải tạo đất.
Việc đầu tiên là ông Phước tiến hành trồng lại rừng, bồi bổ và tái tạo đất. Ông liên tục chở mùn cưa lên đồi, trộn vào mật rĩ (loại dùng để nuôi men cái hoặc các vi sinh vật khác), vôi, phân chuồng… chất thành từng lớp, ủ trong 2 tháng. Hỗn hợp sẽ trở thành một loại phân bón giàu dinh dưỡng lâu dài. Phân bón thông thường rất dễ trôi đi khi tưới tiêu, vừa tốn kém vừa phí phạm. Với phương pháp ủ phân này, phân bón vô cơ sẽ kết lại trong chất hữu cơ của mùn cưa, rất khó trôi đi sau khi đã bón vào đất nên rất hiệu quả để dùng nuôi cây trong hàng tháng trời.
Cacao đồi đá tạo nên dòng socola hảo hạng
Trong một lần tình cờ đọc được bài báo nói về tác hại của cỏ Mỹ, ông Phước chợt nảy ra ý tưởng dùng chính loại cỏ này để tạo sinh khối và phục hồi hữu cơ cho đất.
Đối với vị chuyên gia đã có vài chục năm nghiên cứu và làm nông - lâm nghiệp, loại cỏ này đáp ứng tất cả những tiêu chí mà ông đang tìm kiếm, đó là phổ thích nghi rộng, sống được trên mọi loại đất, hệ số nhân giống cao, khả năng phát tán rất mạnh.
Hơn nữa, không cần mất chi phí mua giống mà chúng ở khắp nơi, phát triển mạnh mà không hề mất công chăm sóc và có sức sống vượt trội so với những loài cỏ khác.
Bên cạnh sử dụng cỏ Mỹ, ông còn trồng thêm cỏ tranh và cỏ vetiver. Ông Phước ví bộ rễ của cỏ tranh giống như "chiếc lưỡi cày sinh học" có khả năng luồn lách sâu, giúp đất tơi xốp mà không cần cày bừa, tránh làm vỡ cấu trúc đất.
"Khi cây trồng ra tán, cỏ tranh mất nguồn ánh sáng nên sẽ tự chết, toàn bộ hệ thống rễ bị mục sẽ tiếp tục trở thành chất dinh dưỡng nuôi đất. Trong khi đó, cỏ vetiver với bộ rễ đâm sâu vào đất đến vài mét, giúp chống sạt lở trên vùng đất dốc" - ông Phước chia sẻ. Cùng với những kỹ thuật khác như ủ than hầm, sử dụng thiên địch, tận dụng mọi nguồn hữu cơ rẻ và dễ tìm, che phủ đất rừng bằng cây lá lốt... ông Phước đã biến vùng đồi đá xơ xác thành một rừng cây tươi tốt chỉ trong 4 năm. Trong khi đó, nếu để tự phục hồi, vùng đất này có thể mất tới 40 năm.
Hiện nay, trên tổng diện tích 13ha, ông Phước đã trồng được 5ha cacao, phần còn lại trồng rừng theo tiêu chí đa dạng sinh học. Những tảng đá to trơ trọi trước kia giờ cũng được che phủ bằng cây xanh và si. Ông Phước cho biết, mục tiêu của ông là phủ xanh toàn bộ diện tích, hấp thụ toàn bộ nguồn năng lượng mặt trời, không để một tia sáng nào rơi xuống đất hay mái nhà.
"Năng suất cacao của tôi không thể so sánh với những vùng trồng chuyên canh", ông Phước nói và cho biết Stone Hill Farm gần như là rừng ca cao duy nhất không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Cacao của Stone Hill Farm cũng là nguồn nguyên liệu sản xuất Stone Hill Chocolate, dòng socola đắt nhất Việt Nam hiện nay" - ông Phước cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.