Tôi biết đến đại úy công an Trần Anh Tuấn qua một người bạn là giáo viên cấp III ở Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình). Kiều Vũ Mạnh bạn tôi, dù sống cách Hà Nội gần 100 cây số, nhưng trong một lần tình cờ được gặp đại úy Trần Anh Tuấn, đã bị thuyết phục hoàn toàn bởi câu chuyện của chàng đại úy trẻ về những cây chổi chít nhân ái.
Dù vất vả với công việc đi ship chổi, nụ cười luôn nở trên môi đại úy Trần Anh Tuấn. (Ảnh: NVCC)
Anh Kiều Vũ Mạnh nhớ lại, sau khi nghe câu chuyện của đại úy Tuấn về một "dự án nhân ái", đó là bán những cây chốt chít để giúp đỡ người khuyết tật, anh đã ngay lập tức muốn tham gia vào "dự án" thú vị và đầy ý nghĩa này.
"Đã có khá nhiều người cười nhạo, thậm chí nghi ngờ chúng tôi: "Làm sao một anh thầy giáo, một anh công an có thể chạy xe máy đi ship từng chiếc chổi bán cho khách được cơ chứ", anh Mạnh kể.
Thế nhưng, họ đã sai. Ngay sau khi nhận lời cùng đại úy Tuấn bán chổi giúp người khuyết tật. anh Mạnh đã đăng tải một status dài trên Facebook để chia sẻ những suy nghĩ của mình và mong mọi người cùng hỗ trợ để lan tỏa "dự án nhân ái với nhưng cây chổi chít yêu thương" này.
Dịp nghỉ lễ Quốc khánh vừa rồi, đại uý Trần Anh Tuấn đã làm shipper, chở hơn 80 cây chổi chít lên Hoà Bình. Tại đây, anh cùng thầy giáo Kiều Vũ Mạnh dành hẳn 3 ngày nghỉ lễ và cả một quãng thời gian sau đó để đi ship chổi tới cho từng vị khách hàng biết đến dự án của hai anh. Việc làm của các anh nhận được sự đồng cảm của mọi người. Hơn 80 chiếc chổi chít đã được mua hết trong vài ngày đó. "Dự án" thành công rực rỡ.
Anh Mạnh vừa cười vừa nhớ lại: “Có lần ship chổi cho cô bạn. Mang tới nhà thì cô ấy đi vắng, chỉ có cô giúp việc nhận chổi thay. Lúc nhận chổi xong, có lẽ thấy shipper "ngoan" nên cô lại đưa thêm 10.000 đồng, còn bảo thấy các cháu vất vả quá. Một số người thì ái ngại hỏi chúng tôi: Sao nhìn các cháu cao to sáng sủa thế này không làm nghề gì khác lại đi bán chổi…?”.
Qua Mạnh, tôi mới biết đại uý Trần Anh Tuấn đã gần 2 năm nay âm thầm tình nguyện bán chổi giúp người khuyết tật. Bằng trái tim nhiệt thành và lòng chân tình của mình, Tuấn đã kêu gọi được hàng chục người khác cùng tham gia vào "dự án chổi chít yêu thương" và nhận được sự ủng hộ của hàng nghìn người. Không chỉ ở Hà Nội, khách hàng của dự án còn đến từ nhiều tỉnh thành khách như Hoà Bình, Hà Nam… Số lượng người mua chổi cũng tăng lên hàng ngày.
Trong một lần chạy xe về đơn vị, đại úy Trần Anh Tuấn đã bắt gặp một đôi vợ chồng khuyết tật đang đẩy xe bán chổi. Xúc động trước tình cảnh của họ, anh quyết định cùng tham gia vào "dự án bán chổi".
Và từ đó, dự án bán chổi chít của đại uý Tuấn không trở thành một "dự án" ngẫu hứng, đơn lẻ nữa mà đã trở thành việc làm thiện nguyện định kỳ, đều đặn của anh.
Thứ 6 vừa rồi, hàng đến trễ. Đại úy kiêm shipper Anh Tuấn ship tới cơ quan tôi 20 chiếc chổi vào lúc 7h tối dù đã hẹn sẽ chở hàng tới trước 4h30. Tuấn tỏ vẻ có lỗi, gãi đầu bảo vì có việc đột xuất ở trường, lại bị tắc đường nên bị "trễ hẹn". Nụ cười tươi tắn của chàng đại úy trong bộ quân phục ướt đẫm mồ hôi đã xóa đi những giây phút chờ đợi. Có thêm thời gian chúng tôi mới trò chuyện để hiểu thêm về công việc của anh chàng đại úy công an này.
Tuấn kể, đó là vào hai năm trước trong một lần chạy xe từ đơn vị về nhà gần bến xe Hà Đông. Trên đường đi, giữa cảnh ồn ào khói bụi, anh phát hiện một đôi vợ chồng khuyết tật đang nai lưng đẩy chiếc xe ở trên chất đầy chổi chít để đem bán. Họ là thành viên trong Hợp tác xã Người khuyết tật Hà Đông. Nhìn đôi vợ chồng người gầy yếu vất vả đẩy chiếc xe bán từng chiếc chổi, anh tiến tới hỏi chuyện.
“Họ nói việc bán chổi rất vất vả, nhưng mỗi ngày cũng chỉ bán được cùng lắm 3, 4 cái. Lúc đó mình cảm thấy rất thương và muốn giúp đỡ họ. Mình xin số điện thoại và nhận bán chổi giúp họ với điều kiện là họ phải bán chổi ở một điểm cố định để mình quảng cáo và đến lấy chổi lúc cần” – đại úy Tuấn cười khi nhớ lại.
Giờ đây, gắn bó với "dự án" đầy bất ngờ này suốt 2 năm, anh đã chủ động sắp xếp được thời gian biểu của mình. Ngoài giờ lên lớp tại trường Đại học Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, anh lại xắn tay vào giúp hai vợ chồng người khuyết tật bán chổi. Có lúc đơn hàng nhiều, Tuấn phải nhận đơn hàng và tranh thủ sau giờ làm hoặc ngày cuối tuần mới đi giao được hàng.
Không chỉ trực tiếp bán chổi giúp người khuyết tật, Tuấn còn kêu gọi rất nhiều bạn bè, người thân hỗ trợ bao tiêu sản phẩm giúp người khuyết tật. Nhờ những nỗ lực ấy mà những chiếc chổi chít của người khuyết tật làm ra đã không còn ế. Doanh thu của HTX Ánh Sáng Hà Đông (HTX người khuyết tật) cũng tăng 30% so với những năm trước.
Ít ai ngờ Tuấn còn là một thầy giáo dạy nhạc có thâm niên. Hiện anh đang tham gia dạy nhạc cho các em nhỏ ở trường Nguyễn Đình Chiểu. Ngoài giờ dạy chính thức, anh còn tham gia nói chuyện để truyền cảm hứng cho các bạn trẻ tại các trường học, đình chùa và tham gia chương trình Mang âm nhạc tới bệnh viện để chia sẻ nỗi đau với các bệnh nhân.
Chia tay tôi, chàng đại úy công an có nụ cười tươi tắn vẫn không quên nhắn nhủ một câu mang đầy tính "nghề nghiệp": “Có khách đặt chổi nhờ em giúp anh cứ ghi đơn lại, đảm bảo anh sẽ ship tận nơi cho. Làm được chút nào giúp người khuyết tật đỡ vất vả anh em mình cùng cố gắng nhé”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.