Chàng giám đốc và hành trình 30 năm đi tìm mẹ

Thứ hai, ngày 02/09/2013 07:52 AM (GMT+7)
Một người đàn ông 40 tuổi, thành đạt nhưng tôi vẫn như một đứa trẻ, có thể khóc nức nở mỗi khi nhớ tới mẹ. Thương mẹ mà tủi cho thân phận của mình nên tôi quyết đi tìm. Đã gần 30 năm tôi đi tìm mẹ nhưng tất cả đều mơ hồ.
Bình luận 0
Tôi chỉ mong được nhìn và ôm mẹ dù chỉ một lần… nhưng tôi biết tìm mẹ ở đâu? Đó là tâm sự đầy cảm động của anh Lê Chí Hùng.

Hành trình 30 năm tìm mẹ

Cũng như bao đứa trẻ khác, anh vô tư, hồn nhiên sống trong tình yêu thương của người mẹ ở vùng quê nghèo Hải Lăng, Quảng Trị, cho đến ngày khi đi học anh bị bạn bè trêu chọc là con nuôi. Về nhà, anh đã hỏi mẹ nhưng mẹ luôn khẳng định anh do mẹ sinh ra, không phải là con nuôi. Tin mẹ, anh yên tâm học hành không băn khoăn chuyện con nuôi hay con đẻ.
Ông Lý và các anh chị em cùng cha khác mẹ với anh Hùng
Ông Lý và các anh chị em cùng cha khác mẹ với anh Hùng
Nhưng niềm tin đó dường như sụp đổ hoàn toàn khi anh tình cờ nghe được câu chuyện giữa mẹ và người hàng xóm, “thằng Hùng đâu phải con o (cô) đẻ ra đâu”, sau đó mẹ anh phản ứng lại “mi nói bậy rứa mi” (mày đừng nói bậy).

“Như sét đánh ngang tai, thật sự tôi đã bị sốc rất lớn. Từ lúc nhỏ đến tuổi ấy, mẹ vẫn thường kể tôi nghe lúc đẻ tôi ra sao rồi đến lúc 1 tuổi, 2 tuổi, 3 tuổi… như thế nào mà! Tôi chạy đi và đứng khóc một mình. Sự thật nghiệt ngã nhưng tôi hoàn toàn không trách mẹ, vì tôi biết mẹ yêu thương tôi vô cùng. Thỉnh thoảng chỉ thấy tủi thân khi thấy bạn bè cùng trang lứa có cha, có anh bảo vệ khi bị bắt nạt còn tôi thì không”. Anh tâm sự.

Ấp ủ ý định tìm mẹ ruột có từ lâu những mãi đến khi thi đỗ vào Trường đại học Bách khoa TP.HCM, anh mới có điều kiện tìm mẹ. Suốt 5 năm vừa học vừa đi tìm việc, năm cuối đại học (năm 1996), anh đã may mắn tìm được nhà cũ của cha anh, số 49 đường Tự Do, Sài Gòn (nay là 49 đường Đồng Khởi, TP.HCM).

Hỏi những người ở đây, họ chỉ cho anh lên căn phòng trên cùng của tòa nhà 7 tầng, là phòng của 1 gia đình trước năm 1975 còn ở lại. Sau nhiều lần tìm đến, anh mới gặp được chủ nhà tên Ty. Cảm động trước tình cảm anh dành cho mẹ, anh Ty (cháu vợ của cha ruột anh) đã kể cho anh nghe tất cả những gì anh ấy biết về cha mẹ của anh.
Anh Lê Chí Hùng
Anh Lê Chí Hùng
“Cha tôi tên là Lý Trần Lý, nhà này là của gia đình cha tôi nhưng năm giải phóng đã bị tịch biên và giao cho Tổng công ty Cao su, anh ấy đã ở đây trước 1975 nên được cấp cho 1 phòng. Gia đình cha ruột của tôi có vợ và 5 người con đã đi Mỹ những ngày trước khi Sài Gòn giải phóng, vì cha tôi đi làm không về kịp nên đã ở lại. Mấy năm sau đó ông mới tìm cách và đi được sang Mỹ để đoàn tụ với gia đình và mất năm 1985 tại Mỹ”, anh kể. Anh không còn cơ hội để gặp lại cha ruột và mọi hy vọng của anh đều dồn vào việc tìm lại được mẹ.

Hai người mẹ đáng thương.

Mẹ nuôi của anh lấy chồng hoạt động cách mạng, một năm sau ông phải tập kết ra Bắc, mẹ vẫn ở nhà chờ chồng, nhưng thời gian sau đó Mỹ ngụy bắt mẹ - những người có chồng là cộng sản - tra tấn, đánh đập để khai thác thông tin. Ông ngoại thấy vậy xót thương con gái nên thuyết phục mẹ anh và đưa hai mẹ con vào Huế, sống ở nhà một người bạn của ông ngoại. Nhưng vào ở đây cũng không yên thân, mẹ con anh vẫn bị truy bắt. Hai mẹ con lại nhờ người thân trong làng để trốn khỏi Huế và vào sống tại Sài Gòn. Mẹ anh làm bếp cho một bệnh viện tư nhân của gia đình người Huế ở Sài Gòn, vẫn ở vậy chờ chồng trong suốt 25 năm.

Anh rất thông minh nên ở làng ai cũng biết tới anh, và họ bắt đầu bàn tán về thân phận của anh nhiều hơn. Cũng như lúc trước, họ nói mẹ anh đã nhận nuôi anh từ Sài Gòn ra đây, và cha anh là một thương gia thành đạt có tiếng ở Sài Gòn lúc đó. Anh hỏi những người trong làng về thân phận của mình mà không gặng hỏi mẹ nuôi nữa, anh sợ mẹ buồn, sợ mẹ nghĩ anh bỏ mẹ một mình khi tìm được mẹ ruột. Từ khi biết về thân phận của mình, về cuộc đời bất hạnh của mẹ, anh thương mẹ vô cùng và lúc nào cũng đau đáu nỗi niềm tìm lại mẹ ruột.

“Gặp anh Ty, bí mật về cuộc đời tôi được sáng tỏ. Có thể nói, sự ra đời của tôi là kết quả ngoài sự mong đợi, bởi cha và mẹ tôi quen nhau khi cha tôi đã có gia đình. Lúc đó mẹ tôi là một cô gái trẻ, đẹp ở tuổi trăng tròn, cha tôi là một thương gia thành đạt. Hai người quen nhau được thời gian thì vợ của cha tôi biết được và tới nhà mẹ tôi đánh ghen. Lúc ấy, mẹ tôi đang mang bầu tôi tháng thứ 7 (cuối năm 1973).
Ảnh chụp lúc anh Hùng được 6 tháng tuổi
Ảnh chụp lúc anh Hùng được 6 tháng tuổi
Đồ đạc trong nhà của mẹ đã bị lấy hết và họ còn hăm dọa mẹ tôi nếu không chấm dứt với cha ruột của tôi thì đừng có trách”. Anh Ty cũng chỉ biết có thế, còn việc khác thì chị quản gia trong nhà cha tôi tên là Chắt biết rõ hơn”.

Anh tiếp tục đến tìm dì Chắt để nghe dì kể. “Tôi làm con của mẹ nuôi tôi cũng thông qua dì Chắt, dì là người cùng làng với mẹ nuôi tôi, làm quản gia cho nhà cha tôi, còn mẹ ruột tôi, sau khi cắt đứt quan hệ với cha tôi, mẹ có quen một anh lính hải quân, họ sẽ nên duyên vợ chồng nếu mẹ không mang theo tôi. Cuối cùng mẹ đã tìm đến nhà cha để trả tôi lại cho ông và xin 100.000 ngàn đồng lập nghiệp.

Vợ của cha tôi biết chuyện, bà đồng ý cho tiền nhưng nhất định không chịu nuôi tôi. Dì Chắt đã khuyên mẹ nuôi bỏ ra 100.000 ngàn nuôi tôi (mẹ nuôi tôi đã ở vậy chờ chồng 25 năm mà không hay biết chồng bà đã có vợ con mới, lúc đó bà cũng đã 42 tuổi) để có người chăm sóc lúc tuổi già. Dì đã làm giấy cho hay bán con gì đó, dì Chắt cũng không kể gì về hoàn cảnh của mẹ tôi cho mẹ nuôi tôi biết.

Ký giấy, đưa tiền và bế tôi trên tay nhưng mẹ nuôi vẫn sững sờ nhìn theo mẹ đẻ tôi khi bà vừa khóc nức nở vừa chạy nhanh ra đường, bên kia đường là anh lính hải quân đang đợi. Và tôi không thể hình dung đây là lần cuối mà tôi - đứa trẻ 6 tháng tuổi được mẹ ôm vào lòng” - anh nghẹn ngào tâm sự.

30 năm anh đã tìm được gì về mẹ?

Năm 1986 Quảng Trị lũ lớn, nước ngập vào nhà và số giấy tờ quan trọng bị hư hỏng hết, chỉ còn lại được 2 tấm hình chụp lúc anh mới được 6 tháng tuổi. Anh xem đó như là bảo bối luôn mang theo bên mình. Qua dì Chắt, anh cũng chỉ biết thêm là mẹ ruột mình ở Tiền Giang hay Vĩnh Long gì đó! “Trước đây, mẹ ruột đặt tên anh là Võ Anh Dũng, khai sinh ngày 5.1.1974 âm lịch, còn tên mẹ ruột tôi là Võ Thị Thúy. Sau khi làm lại giấy khai sinh mẹ nuôi tôi đặt là Lê Chí Hùng, khai sinh ngày 5.1.1974, sau này được học vượt lớp nên khai lại 5.1.1973.

Trước đây mẹ ruột tôi đã gửi cho dì Chắt rất nhiều hình hai mẹ con nhưng đã bị vợ của cha xé hết”. Vào năm 1996 thông qua anh Ty, anh Hùng gặp hai anh trai cùng cha khác mẹ từ Mỹ về Việt Nam với hy vọng có thêm thông tin tìm mẹ nhưng họ cũng như anh không biết gì hơn.

Là một người thành đạt, có địa vị trong xã hội, anh không ngại chuyện riêng của mình lên mặt báo? Anh đáp: “Với tôi chuyện đó không quan trọng, người đời nghĩ gì thật sự tôi không quan tâm, điều tôi thật sự quan tâm bây giờ là mẹ tôi đang ở đâu, cuộc sống như thế nào… và nếu có băn khoăn thì tôi chỉ băn khoăn về người mẹ hiện tại của tôi, tôi chỉ sợ mẹ hiểu nhầm mà buồn lòng, dù tìm được mẹ đẻ thì không bao giờ tôi rời bỏ mẹ nuôi. Người ta thường nói “công sinh thành không bằng công dưỡng dục”, đúng vậy mẹ tôi cả đời vất vả nuôi tôi khôn lớn ăn học nên người thì làm sao tôi có thể bỏ bà được”.

30 năm đi tìm anh chỉ có vỏn vẹn một vài tấm hình lúc anh còn nhỏ và một số thông tin mơ hồ về mẹ. Anh đã gửi tới chương trình “Như chưa từng có cuộc chia ly” và chia sẻ trên nhiều trang mạng xã hội với hy vọng tìm được người mẹ ruột của mình, để một lần anh được nhìn mẹ, gọi mẹ, ôm mẹ thật lâu.

30 năm - một quãng thời gian dài nhưng trong anh chưa bao giờ hết hy vọng, anh tin vào một phép nhiệm mầu về tình mẫu tử. Anh còn chia sẻ thêm với tôi rằng “nếu như số phận đã an bài mẹ con tôi không gặp được nhau thì tôi cũng luôn cầu mong ở phương trời nào đó mẹ sống thật vui vẻ, hạnh phúc”.
Quỳnh Thơm (Dòng Đời) (Quỳnh Thơm (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem