Như đã hẹn, tôi tìm đến tiệm sửa xe môtô nơi Nguyễn Ngọc Anh (chàng thanh niên 21 tuổi vừa đăng ký học… lớp 1 tại Trường Tiểu học Bình Hòa, Bình Thạnh, TP.HCM) đang làm thuê. Trong tiệm sửa xe máy chật chội, Ngọc Anh cởi trần trùng trục hì hục, lem luốt dầu nhớt vật lộn với chiếc môtô 1000cc.
Giã từ kiếp đường phố...
“Nó lang thang, thấy tội nghiệp tui bắt về dạy cho cái nghề sửa xe môtô để không trở thành người xấu trong xã hội”, anh Dương Quang Tâm – chủ tiệm sửa xe, chỉ Ngọc Anh cười nói. Ở Ngọc Anh chỉ có nụ cười là hiền. Nhìn hắn đích thị là dân đường phố. Hắn to, đen trùng trục như con trâu nước. Trên vai hắn còn in hằn dấu xăm với dòng chữ: “Ân tình, máu chảy về tim”. Hỏi vì sao lại xăm mình? Em giải thích: “Kỷ niệm bạn bè đường phố đó mà. Em nhờ xăm dùm từ khi mới 12 tuổi”.
Nguyễn Ngọc Anh đang sửa xe môtô ở tiệm...
Ẩn sâu trong thân hình hầm hố ấy là một cuộc đời trẻ thơ sóng gió. Ngọc Anh kể, gia đình em sống ở Châu Đốc, An Giang. Mới một tuổi, em đã mất mẹ. Sau đó, bố cũng bỏ lại 6 anh chị em Ngọc Anh để lên Sài Gòn kiếm đường sinh sống. Mấy chị em mất mẹ, thiếu cha quây quần, người lớn nuôi kẻ nhỏ tồn tại qua ngày. Không ai dám mơ đến một con chữ.
Năm 13 tuổi, Ngọc Anh được cha đưa về Sài Gòn sống. Ông bố vì muốn xoa dịu những tháng ngày bỏ bê con cái, đã đi tìm một cái nghề cho con học. Có lẽ trong Ngọc Anh có sẵn dòng máu mê tốc độ xe môtô phân khối lớn, nên khi được bố hỏi muốn học nghề gì, em liền chọn nghề sửa xe môtô. Mất 3 năm cày ải học nghề sửa xe, Ngọc Anh đành bỏ cuộc. “Chủ tiệm sửa xe bóc lột sức lao động ghê lắm anh ơi, lương lại không có, cộng với tính tình mẹ kế quá khó khăn nên em bỏ nhà đi bụi luôn”, Ngọc Anh thổ lộ. Từ đấy, hắn tụ tập với đám trẻ đường phố chè chén, quậy phá, xì ke, ma túy… Một số “chiến hữu” của em bây giờ đang “bóc lịch” trong các trại giam vì dính líu đến ma túy.
Khi nghe tôi hỏi duyên cớ nào lại đẩy đưa đến tiệm sửa xe môtô của anh Tâm? Em đưa tay gãi đầu rồi kể: “Một lần đi bụi ngang tiệm sửa xe của chú Tâm, em nhìn thấy mấy chiếc xe môtô phân khối lớn đang chờ sửa đẹp quá. Thấy em săm soi mấy chiếc xe, chú Tâm liền quát: “Thằng nhóc, tính trộm xe hả”. Em kể lể sự tình là thợ sửa xe môtô nên đứng xem xe chứ không có ý gì. Không hiểu sao chú ấy đồng ý nhận em về làm thợ”.
5 năm sống và được dạy nghề sửa môtô với anh Tâm, Ngọc Anh bỏ dần cái tính ham chơi, tụ tập, lêu lỏng mà chí thú làm ăn. Hiện mỗi tháng em được trả công hơn 3 triệu đồng. Cộng thêm số tiền boa của khách và sửa xe lặt vặt em cũng được 7-8 triệu đồng/tháng. Giờ thi thoảng em mới về thăm gia đình. Phần lớn thời gian em làm và ở lại luôn tại tiệm sửa xe. “Giờ tay nghề nó cũng khá lắm rồi. Nó đủ sức làm nuôi bản thân. Tuy nhiên, tui vẫn chưa thấy ổn vì nó không biết chữ. Cái nghề gì cũng vậy người thợ phải biết chữ để trau dồi thêm kiến thức, mới giỏi hơn người” - anh Tâm thổ lộ.
Nghĩ vậy nên từ lâu anh bắt Ngọc Anh mua quyển tập rồi tranh thủ thời gian rảnh rỗi thầy cầm tay trò nắn nót con chữ a, b, c...
Từ lâu, em rất mê chơi môtô phân khối lớn. Kế hoạch của em sau này là trở thành một kỹ sư để chế tạo được chiếc môtô theo đúng ý thích của mình” - Ngọc Anh thổ lộ
Nuôi chí thành kỹ sư chế tạo môtô
Đùng một cái Ngọc Anh xin đăng ký đi học chữ ở Trường tiểu học Bình Hòa. Anh Tâm chưng hửng nhưng cũng mừng thầm trong bụng. “Thật sự nếu hắn đi học thì tôi sẽ thất thu tài chính. Tuy nhiên, thương cho tương lai của nó nên tôi chấp nhận và khuyến khích nó đi học” - anh Tâm cho biết.
... và ở lớp học. (Ảnh: Trần Đáng)
Nó lang thang, thấy tội nghiệp tui bắt về dạy cho cái nghề sửa xe môtô để không trở thành người xấu trong xã hội” - Anh Dương Quang Tâm - chủ tiệm sửa xe
Thật ra, việc đi tìm con chữ không chỉ để xóa mù chữ mà còn là một bước đệm cho ước mơ mà Ngọc Anh đang ấp ủ. “Từ lâu, em rất mê chơi môtô phân khối lớn. Kế hoạch của em sau này là trở thành một kỹ sư để chế tạo được chiếc môtô theo đúng ý thích của mình”, Ngọc Anh thổ lộ.
Theo Ngọc Anh, việc không biết chữ sẽ là một trở ngại rất lớn trong quá trình sửa xe chứ chưa nói đến việc chế tạo môtô. Xe càng đời mới thì công nghệ càng cao đòi hỏi người thợ sửa xe luôn phải trao dồi thêm kiến thức hàng ngày. Muốn làm điều này, theo Ngọc Anh, tốt nhất là truy cập kiến thức về môtô trên các trang mạng internet.
Động lực và trở ngại này khiến Ngọc Anh quyết định đăng ký đi học dù biết rằng tuôi mình khá lớn và sẽ thiệt thòi kinh tế. Tiệm chỉ có một mình Ngọc Anh là thợ nên em suốt ngày đánh vật hết chiếc môtô này đến chiếc môtô khác. Hôm tôi đến thấy em đến 3 giờ chiều mới ăn cơm trưa. “Từ ngày đăng ký đi học em đuối lắm. Cả ngày làm quần quật đến 5 giờ chiều em lại phải tất tả chạy đến lớp học. Có hôm muốn gục luôn trên bàn học” - em cho biết.
Nghe tôi hỏi có ngại không khi ngồi với các em học sinh tuổi lên 5, lên 6 để học A, B, C? Ngọc Anh cười hề hề: “Dạ, lúc đầu thấy cũng… khó coi, nhưng đi học riết rồi quen”. Ngọc Anh cho biết, sau khi biết đọc, biết viết kế hoạch tiếp theo của em đó là đăng ký học lớp Anh văn. “Các chỉ dẫn linh kiện xe môtô phân khối lớn toàn là tiếng nước ngoài, nếu người thợ không biết ngoại ngữ thì sẽ thua thiệt và không thể giỏi hơn những người thợ khác” - em nói.
Tuy nhiên, điểm nhấn lớn nhất trong “kế hoạch cuộc đời” của Ngọc Anh đó là thi đậu vào Trường ĐHBK TP.HCM để trở thành kỹ sư chế tạo máy. Với Ngọc Anh, ý định này sẽ không viển vông chút nào nếu em toàn tâm, toàn chí đi hết con đường. Ngọc Anh thổ lộ, ngày trước khi còn ở quê, mất mẹ - thiếu cha, 6 chị em lo miếng ăn bữa đực, bữa cái nên không dám mơ đến trường, chấp nhận cái dốt. Bây giờ, có điều kiện đến trường em sẽ nắm bắt cơ hội này để thực hiện ước mơ cháy bỏng của mình. “Em biết đường đời còn lắm chông gai, em lại là người rất thực tế, nên ước mơ có thể chỉ là ước mơ, nhưng chú Tâm bảo phải đặt ra mục tiêu và cứ thế mà đi, nếu làm hết sức mà vẫn thất bại thì cũng chẳng có gì để hối hận”- Ngọc Anh bộc bạch.
Cô Quyên - phụ trách lớp của Ngọc Anh chia sẻ, khi nghe em quyết định đăng ký học lớp 1 đã thoáng chút ngỡ ngàng nhưng ngay sau đó cô đã rất cảm phục và động viên Ngọc Anh hãy cố gắng học giỏi. “Ngọc Anh đã gây cho tôi một sự cảm kích lớn về việc đã vượt lên chính mình để tham gia con đường học vấn”-cô nói.
Nhìn Ngọc Anh ngồi trong lớp với chiếc áo trắng học trò nổi trội như “hòn phụ tử” giữa những học sinh tuổi ăn, tuổi học mà thấy thương và cảm phục ý chí của em. Lúc này, trông em hiền khô chứ không như khi ở trần, to đen như con trâu nước lúc sửa xe máy. Khát vọng trở thành người hữu ích, người thợ giỏi, thậm chí là một kỹ sư chế tạo xe môtô đang cháy bỏng trong em. Em lại cười – nụ cười hiền như cục đất, trước khi chia tay tôi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.