Là người con của núi rừng Tây Nguyên, Vinh hiểu những tập tục, phương cách làm ăn lạc hậu đã khiến nhiều người phải bỏ xứ đi nơi khác làm ăn… Vinh lẳng lặng bắt tay vào những kế hoạch làm kinh tế táo bạo ngay sau khi hoàn thành xong chương trình lớp 12… Năm 2004, Vinh xin bố mẹ tiền mở trang trại nuôi bò và dê. Nhưng không am hiểu về kỹ thuật, trang trại của anh ngốn hết của gia đình ngót nghét gần 100 triệu đồng mà không thu lại được một đồng. Thất bại, anh bỏ xứ đi… làm thợ đào giếng.
|
Anh Đinh Văn Vinh. |
Ngỡ đã yên phận với nghề "ăn cơm trên trần gian, làm việc âm phủ" nhưng quyết tâm làm giàu trên đất cha ông đã thấm vào máu của Vinh. Khi đi làm thợ ở vùng An Khê, Đăk Pơ, Vinh thấy người dân nơi đây đang thoát nghèo và làm giàu với cây mía. Tìm hiểu và biết đất xã mình nằm trong vùng nguyên liệu mía của Nhà máy Đường An Khê, Vinh lập tức trở về, xin bố mẹ 5ha đất trống để trồng mía. Những khoản nợ cũ khi làm trang trại chưa trả hết, nay nghe con nói muốn trồng 5ha mía, bố mẹ anh giao cho anh 5ha đất trống và tuyên bố: "Muốn làm gì thì làm, bố mẹ không liên quan nữa".
Mừng rơn, Vinh lặn lội đến những vùng trồng mía học cách trồng, kỹ thuật chăm sóc và xin luôn mía giống. Với quyết tâm của anh, 5ha mía cho một vụ mùa bội thu. Nhưng Vinh vẫn không thỏa mãn. Tiền bán mía, anh tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng mía. Đến nay, Vinh đã sở hữu 23ha đất trồng mía, 4ha đất trồng mì; thu nhập mỗi năm hơn 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho cả trăm lao động tại địa phương.
Không chỉ vậy mỗi năm, anh nhận đầu tư cho trên 40ha mía, mỗi ha hỗ trợ 15 triệu đồng gồm tiền công cày, tiền phân, giống, cuốc cỏ… cho khoảng 30 hộ chủ yếu là thanh niên. Anh còn mua máy cày và các loại máy móc khác dạy cho thanh niên trong xã sử dụng. Anh Đinh Bay ở làng Tờng kể: "Nhờ Vinh mà mình có nghề nuôi vợ, nuôi con, giờ sướng rồi, không khổ như trước nữa". Còn với Đinh May Lê ở làng Ôr thì Đinh Văn Vinh như một ân nhân. Trong lúc hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, ba mất, bệnh tật đeo bám cả nhà,Vinh đã mang đến tận nhà Đinh May Lê 15 triệu đồng cho May Lê vay không lãi. Giờ May Lê đã trở thành người SXKD giỏi rồi. Vinh thường nói vui: "Bây giờ mình phải quay lại mượn tiền của May Lê chứ chẳng chơi".
Vinh tiết lộ, anh đang theo học Đại học Nông - lâm mở tại Gia Lai. Hoàn thành khóa học, anh quyết tâm khôi phục lại trang trại nuôi bò, dê…
Nguyễn Giang
Vui lòng nhập nội dung bình luận.