Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Bản chất hòa giải làm sao khơi dậy lòng vị tha, sự cao thượng
Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Bản chất hòa giải làm sao khơi dậy lòng vị tha, sự cao thượng
PVCT
Thứ hai, ngày 25/05/2020 13:23 PM (GMT+7)
Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, hòa giải về mặt bản chất là tác động vào tâm lý của các bên tranh chấp, làm sao khơi dậy lòng vị tha, sự cao thượng và hướng thiện, sẵn sàng chia sẻ khó khăn và không có cố chấp.
Sáng nay (25/5), Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Sau khi nghe các ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu góp ý, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã có giải trình, tiếp thu các nội dung.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, qua thảo luận thấy đại đa số các ý kiến đồng tình với bản dự thảo, Tờ trình của TAND Tối cao, giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đánh giá cao quá trình tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Các ý kiến ĐBQH nêu ra hầu hết đồng tình với dự thảo nhưng đề nghị làm rõ hơn, bổ sung một số quy định và đề xuất các phương án khác nhau. Ví dụ như phí, địa hạt pháp lý, tiêu chuẩn, bổ sung thêm điều cấm, những việc được làm, những việc không được làm.
Về địa điểm hòa giải, các ĐBQH đồng tình với quy định ngoài việc hòa giải ở trong cơ quan Tòa án thì có thể ở ngoài Tòa án nhưng phải có sự thỏa thuận của 2 bên. "Chúng tôi cho rằng hòa giải về mặt bản chất là tác động vào tâm lý của các bên tranh chấp, làm sao khơi dậy lòng vị tha, sự cao thượng và hướng thiện, sẵn sàng chia sẻ khó khăn và không có cố chấp. Cho nên việc tác động này thông thường là lần lượt các bên và chủ yếu là tác động vào bên đi kiện, tức là bên nguyên", Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.
Chánh án nêu ví dụ, hai bên nợ nần nhau, bên khó khăn không trả được, bên đi đòi đâm đơn kiện thì chủ yếu khi hòa giải phải tác động vào bên đi đòi, bên kiện, làm sao người đi kiện chia sẻ khó khăn của bên bị kiện. Có thể người đi kiện chấp nhận bỏ phần lãi suất hoặc giảm bớt một phần nợ, thu lại một phần, việc đó 2 bên thỏa thuận với nhau.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu thêm ví dụ, vợ chồng trục trặc, ly hôn vì người vợ phát hiện được người chồng có vi phạm gì đó về mặt đạo đức, khi hòa giải chủ yếu tác động vào người vợ, để họ chia sẻ, vị tha vì các con. "Người ta có thể rủ nhau lên chùa nhờ hòa thượng nói thêm, tuy nhiên việc như vậy chỉ cần một bên thôi chứ không nhất thiết phải 2 bên dẫn nhau lên chùa. Việc như vậy đặt ra câu chuyện phải có sự thống nhất của cả hai bên thì hết sức khó khăn. Đây là một giải pháp hết sức linh hoạt", Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.
Về quy định quyết định công nhận của Tòa án, theo Chánh án TAND Tối cao, các ĐBQH nói nhiều về nội dung này. "Báo cáo với các ĐBQH có những trường hợp hòa giải người ta không cần quyết định, 2 bên thống nhất với nhau. Ví dụ nợ nhau 100 triệu đồng, sau đó bên cho vay chỉ lấy 70 triệu đồng và họ trao nhận tiền ngay, như vậy tranh chấp được giải quyết, không cần quyết định", Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết.
Vẫn theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, có những quyết định thì dứt khoát phải có sự công nhận của Tòa án. Ông nêu ví dụ như ngân hàng đòi một doanh nghiệp, do điều kiện khó khăn về Covid-19, doanh nghiệp đó không trả được 1 tỷ đồng tiền gốc cộng với tiền lãi 100 triệu nữa là 1,1 tỷ đồng. Nếu ra Tòa thì Tòa không có cách nào khác, phải tuyên doanh nghiệp đó trả ngân hàng 1,1 tỷ đồng cả gốc và lãi. Nhưng do khó khăn, khi giải quyết ngân hàng chỉ lấy 800 triệu hoặc 1 tỷ đồng, không cần lãi, trường hợp giải quyết như vậy Tòa phải phải có quyết định để lãnh đạo ngân hàng cấp trên có căn cứ.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu tiếp ví dụ: Cha mẹ để lại di chúc là người anh phải thờ cúng nên được 60% mảnh đất, còn người em được 40%, nhưng tranh chấp xảy ra thì 2 bên có thể chia đôi mỗi người một nửa và trên cơ sở quyết định công nhận của Tòa án. Từ đó, cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải căn cứ vào quyết định của Tòa thì mới quyết định rằng mỗi bên một nửa, chứ không phải 60 -40.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.