Chánh án TAND Tối cao: "Không phát hiện án oan trong năm qua"

DV Thứ ba, ngày 30/10/2018 09:48 AM (GMT+7)
Từ 8h sáng nay (30.10), Quốc hội bắt đầu 3 ngày hoạt động chất vấn với việc tất cả các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ trả lời câu hỏi đại biểu quan tâm.
Bình luận 0

Trực tiếp phiên Quốc hội chất vấn thành phiên Chính phủ sáng 30.10.

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, thời gian qua việc thực hiện 6 Nghị quyết của Quốc hội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự nỗ lực cao của Chính phủ và các thành viên Chính phủ trong công tác chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện.

img

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên chất vấn sáng 30.10. Ảnh: Lê Hiếu

Tuy nhiên, bên cạnh những nội dung đã thực hiện tốt, vẫn còn những nhiệm vụ Quốc hội giao cần có thời gian để triển khai thực hiện... Phiên chất vấn chính là thể hiện sự giám sát của Quốc hội nhằm chỉ ra những vướng mắc, tồn tại, bàn thảo các giải pháp tháo gỡ, để thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Do tính chất của phiên chất vấn là về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và nghị quyết chất vấn nên các câu hỏi đại biểu đặt ra có nội dung thuộc ngành nào thì người đứng đầu ngành đó trả lời.

Những vấn đề chung thuộc trách nhiệm của Chính phủ thì Thủ tướng và Phó Thủ tướng trả lời. Riêng nội dung của Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ do Phó Thủ tướng trả lời. Thủ tướng sẽ phát biểu làm rõ thêm các vấn đề vào cuối phiên chất vấn.

Các đại biểu nêu câu hỏi không quá 1 phút và người trả lời không quá 3 phút cho một đại biểu. Người trả lời cần đi thẳng vào vấn đề mà đại biểu quan tâm, đồng thời nêu rõ phương hướng khắc phục trong thời gian tới.

Sau đó, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo thực hiện các nghị quyết Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Không phát hiện trường hợp kết án oan trong năm qua

Tiếp đó, Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, công tác xét xử các vụ án hình sự về cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. "Trong năm qua chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội", ông nói.

Ông Bình cũng thông tin, các vụ án lớn, đặc biệt là các vụ án kinh tế, tham nhũng và các vụ án mà dư luận xã hội quan tâm được các tòa án đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, như: vụ án Đinh La Thăng phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank); vụ án Trịnh Xuân Thanh phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); vụ án Huỳnh Thị Huyền Như phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”...

Chánh án Toà án nhân dân Tối cao khẳng định, các tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước, đồng thời cũng chú ý áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị các bị cáo chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại.

img

Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình. Ảnh: Lê Hiếu

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, vừa qua, công tác đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật là một nhiệm vụ mà lãnh đạo cơ quan này rất quan tâm. Hàng tháng, Hội đồng Thẩm phán đều dành một thời gian nhất định để tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật.

Triển khai thi hành các bộ luật, luật và các luật tố tụng tư pháp đã được Quốc hội thông qua từ kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đến nay, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành 15 Nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 03/2015 về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao khuyến khích phát hiện bản án của các tòa án mang tính chuẩn mực trong áp dụng pháp luật để giải quyết tình huống thực tế phức tạp, hiện còn có những vướng mắc hoặc cách hiểu khác nhau để đề xuất phát triển làm án lệ.

Tính đến 30.9.2018, có trên 200 bản án, quyết định của các tòa án đã viện dẫn án lệ trong quá trình giải quyết vụ án. Để giúp cho các tòa án có điều kiện thuận lợi trong quá trình nghiên cứu, áp dụng án lệ trong thực tiễn xét xử, Tòa án nhân dân Tối cao đã phối hợp với các chuyên gia pháp lý và những người có nhiều kinh nghiệm trong công tác xét xử tiến hành bình luận đối với các án lệ đã ban hành; biên tập và xuất bản Cuốn án lệ và bình luận án lệ  - tập 1, cuốn sách này được cấp phát tới tất cả các thẩm phán trong toàn hệ thống.

Ông Bình cho biết, Tòa án nhân dân Tối cao cũng đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 03/2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao về phát triển án lệ để tiếp tục đề ra các giải pháp làm tốt hơn công tác này, tập trung phát triển án lệ đối với các vấn đề vướng mắc trong thực tiễn xét xử và những vấn đề xã hội quan tâm, như vấn đề xâm hại tình dục trẻ em...

Nhiều vụ án tham nhũng lớn được xét xử nghiêm minh

Báo cáo trước Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho hay, kết quả giải quyết án về tham nhũng, kinh tế chuyển biến tích cực; số vụ án được phát hiện, khởi tố tiếp tục tăng, trong đó có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng.

img

Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí. Ảnh: Lê Hiếu

"Việc xử lý nghiêm minh, triệt để hơn theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng không có vùng cấm, không có ngoại lệ", ông Trí nêu.

Theo ông Trí, vai trò, trách nhiệm công tố của VKS được thể hiện rõ hơn, nhất là việc áp dụng các biện pháp tố tụng trong đấu tranh làm rõ hành vi, xác định tội danh, thu hồi tài sản, do đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong đấu tranh xử lý tội phạm về tham nhũng, kinh tế.

VKS đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn; trong thời gian ngắn, đã kết thúc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo như: Vụ Phạm Công Danh, vụ Trịnh Xuân Thanh, vụ Đinh La Thăng; việc xử lý các vụ án xảy ra tại: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN); Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC); một số ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam...

"Kết quả giải quyết các vụ án được dư luận đồng tình ủng hộ, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước", Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí nói.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về phiên chất vấn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem