Chanh leo sang EU: Rộng thị trường, đột phá về chất

Lê Kiến Thứ sáu, ngày 18/09/2020 05:26 AM (GMT+7)
Sau các mặt hàng gạo, tôm, cà phê được làm lễ công bố xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) với thuế suất 0%, tiếp theo là mặt hàng chanh leo cũng được hưởng ưu đãi này và lên đường đến thị trường EU.
Bình luận 0

Tuy nhiên, đại diện EU cũng đã lên tiếng cảnh báo, bên cạnh những cơ hội là thách thức lớn nếu muốn phát triển bền vững ở thị trường EU.

Sản lượng chanh leo tăng hơn 300%

Chiều 16/9, trước sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và tham tán các nước châu Âu, lô chanh leo 100 tấn của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco, tại xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang, Gia Lai) lần đầu tiên được công bố xuất khẩu sang EU theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết: "Trong 5 năm qua, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chanh leo của Việt Nam đã tăng hơn 300%, đưa Việt Nam vào top 10 quốc gia xuất khẩu chanh leo lớn nhất trên thế giới, sau Brazil, Peru, Ecuador".

Chanh leo sang EU: Rộng thị trường, đột phá về chất  - Ảnh 1.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tham quan mô hình nhân giống chanh leo của Công ty Doveco. Ảnh: L.K

Sau hơn 1 tháng EVFTA có hiệu lực và được thực thi, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Ước tính sơ bộ cho thấy, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản vào EU tháng 8/2020 là 350 triệu USD, tăng trưởng ở mức 17% so với tháng 7/2020. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của rau quả Việt Nam.

Hiện chanh leo Việt Nam đã xuất khẩu tới cả các thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch và an toàn thực phẩm như Pháp, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Thụy Sĩ. Bộ NNPTNT đang đàm phán mở cửa thị trường cho chanh leo quả tươi vào các thị trường lớn khác như Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao những nỗ lực của Doveco - một trong những doanh nghiệp hàng đầu cả nước trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, đặc biệt trái cây. Với sản phẩm chanh leo, Bộ NNPTNT kỳ vọng công ty sẽ tiếp tục phát triển bền vững và hiệu quả, mở rộng quy mô sản xuất cũng như chế biến, từng bước mở rộng và chiếm lĩnh thị trường quốc tế, khẳng định chất lượng, vị thế vững chắc cho nông nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.

Để ngành hàng rau quả nói chung, trái chanh leo của Việt Nam nói riêng ngày một mở rộng và chiếm lĩnh thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường EU, Thứ trưởng đề nghị, các doanh nghiệp, trong đó có Doveco cần tận dụng thời cơ, lợi thế mà EVFTA mang lại. 

Tiếp tục cải tiến công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, đảm đảm chất lượng, truy xuất nguồn gốc, giữ uy tín với thị trường EU nhằm xuất khẩu mang lại giá trị cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, các địa phương đặc biệt là tỉnh Gia Lai tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp chế biến rau quả đầu tư mở rộng nhà máy chế biến sâu, tham gia liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu, hợp đồng bao tiêu sản phẩm đối với người dân. 

Đồng thời hướng dẫn, tuyên truyền, vận động và có chính sách của địa phương người dân sản xuất đúng quy trình, đảm bảo an toàn thực phẩm, các sản phẩm được chứng nhận theo yêu cầu của EU.

Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định trong sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến, tuân thủ các quy định của pháp luật về giống, vật tư nông nghiệp và sở hữu trí tuệ để các sản phẩm rau quả được phát triển bền vững, hiệu quả trên địa phương mình.

Thay đổi để tạo đột phá về chất

Ông Đinh Cao Khuê - Chủ tịch HĐQT Doveco chia sẻ: "Hiện nay sản phẩm của công ty đã có mặt trên hơn 60 quốc gia, chinh phục được các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và đặc biệt là thị trường châu Âu. Sản phẩm từ quả chanh leo đang được sản xuất chủ yếu tại nhà máy Doveco Gia Lai như nước chanh leo cô đặc, nước chanh leo NFC và ruột chanh leo đông lạnh, hiện đang là sản phẩm chủ lực, chiếm hơn 50% tổng giá trị xuất khẩu của công ty".

Theo ông Khuê, để tận dụng tối đa các cơ hội do EVFTA mang lại, công ty đã chủ động tăng tỉ lệ nội địa hóa trong sản phẩm cuối cùng, thay đổi mẫu mã sản phẩn phù hợp với thị trường EU cũng như nỗ lực hơn để đáp ứng các quy định mới của EU trong EVFTA như chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường, sử dụng lao động… 

Ngoài ra, công ty đang tích cực trồng các loại quả tươi theo tiêu chuẩn xuất khẩu châu Âu như chuối tươi, chanh leo và đặc biệt là dứa MD2.

Chia sẻ tại buổi lễ, ông Ruben Saornil Minguez - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp của Tây Ban Nha tại Việt Nam nhận định: "Liên minh châu Âu là đối tác lâu nay với Việt Nam. Đến nay, EVFTA có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội lớn hơn cho hàng nông sản Việt Nam tại châu Âu. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam nhưng đồng thời cũng là thách thức. Bởi các tiêu chuẩn, tiêu chí hàng hóa nhập khẩu của châu Âu rất cao. 

Do vậy, phía Việt Nam sẽ có sự năng động, thay đổi nhiều hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của thị trường và tạo nên sự đột phá mạnh trong xuất khẩu. Ngược lại, nếu các mặt hàng không đảm bảo chất lượng, vi phạm các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm thì sẽ bị EU từ chối nhập khẩu. Điều này không chỉ riêng với doanh nghiệp, mà đối với nông dân cũng cần lưu ý để có thị trường xuất khẩu bền vững".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem