|
Cây chùm bạch bị người dân chặt đào làm thuốc uống ở xã Tam Phú. |
Tiền chưa thấy, rừng đã mất
Chùm bạch là tên gọi dân dã một loài cây có thân thấp, vị đắng, sinh sống từ bao đời qua trên những đồi cát khô cằn vùng ven biển Tam Kỳ. Theo dân địa phương, không có sinh vật nào có sức sống bền bỉ như loại cây này ở cái nơi nắng cháy, đầy gió, cát.
Chính chùm bạch đã làm cho vùng đất mát dịu đi nhờ chức năng giữ mạch nước ngầm rất tốt, cũng như khả năng ngăn cản gió, cát bảo vệ xóm làng. Người dân gọi chùm bạch là cây “môi trường”.
Ông Nguyễn Côi - Trưởng thôn Quý Thượng (xã Tam Phú), dẫn chúng tôi lên đồi cát để chứng kiến rừng chùm bạch xanh ngút ngày nào giờ trơ trụi vì bị người các nơi đến chặt đào đem đi hết.
“Đau lòng nhất là thấy người các nơi đào, một số dân địa phương cũng bắt chước đào, đem cây về chặt từng đoạn nhỏ phơi khô, nghe đâu để bán cho tư thương Trung Quốc làm thuốc” - ông Côi xót xa.
Chúng tôi đi dọc đồi cát xã Tam Thăng, đâu đâu cũng nham nhở gốc cây chùm bạch bị chặt phá, cành, lá vứt tứ tung.
Chị Nguyễn Thị Oanh, dân Tam Thăng, đang phơi thân, rễ cây chùm bạch nói: “Thấy người nơi khác đến chặt cây mình cũng bắt chước chặt về phơi chứ chưa biết làm gì hết. Nghe nói sẽ có người đến tận nhà mua 10 nghìn đồng/kg khô. Nhưng chờ hoài chưa thấy ai đến mua cả”.
“Bà con chỉ mới “nghe nói” thôi mà đã đua nhau triệt hạ rừng quê nhà. Tiền chưa thấy mà hậu quả đã nhãn tiền. Mấy hôm nay gió tràn cát vô làng, không ai chịu thấu, nóng thì khốc liệt” - ông Côi than thở.
Không nhanh thì hối không kịp
Bà con chỉ mới “nghe nói” thôi mà đã đua nhau triệt hạ rừng quê nhà. Tiền chưa thấy mà hậu quả đã nhãn tiền. Mấy hôm nay gió tràn cát vô làng, không ai chịu thấu, nóng thì khốc liệt.
Ông Nguyễn Côi
Lương y Nguyễn Quang Vinh, Hội Y học cổ truyền TP.Tam Kỳ, kể: “Cả tháng nay, liên tục có người đến nài tôi mua cây chùm bạch giá chỉ 7.000 đồng/kg thôi. Tôi nói trong y học từ xưa đến nay làm gì có cây chùm bạch làm thuốc bao giờ, vậy là họ lủi thủi ra về”.
Khi biết rằng nhiều khu rừng “chùm bạch” đã biến mất, Lương y Vinh lo lắng: Những cây sinh sống lâu đời trên các đồi cát như chùm bạch có chức năng giữ nước, tạo độ ẩm, điều hòa môi trường sinh thái rất tốt cho vùng xung quanh. Chính vì vậy nếu không bảo vệ nghiêm ngặt loại cây này, nguy cơ sa mạc hóa vùng cát rất cao, gây nhiều khó khăn cho đời sống người dân xung quanh.
Theo chúng tôi được biết, hiện chỉ có UBND xã Tam Phú là có thông báo cấm chặt hạ chùm bạch, các xã khác vẫn chưa động tĩnh gì. Nếu các địa phương không có phản ứng kịp thời thì sẽ hối không kịp trước tình trạng người dân đổ xô triệt phá chùm bạch vì tin đồn này.
Thu Nguyệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.