Chặt hạ cây xanh - sự bất lực trong quy hoạch đô thị

Đức Hoàng (Dòng đời) Thứ bảy, ngày 06/12/2014 13:22 PM (GMT+7)
Ở Hà Nội và TP.HCM dạo này xôn xao chuyện chặt cây cổ thụ để phục vụ cho các dự án giao thông đô thị. Nhìn những cái cây khổng lồ bị cưa sát gốc, xót cho bản thân cái cây thì ít, mà xót cho toàn bộ thành phố thì nhiều. Đơn giản, chuyện của cái cây chỉ là biểu hiện của cả một bài toán quy hoạch lớn.
Bình luận 0
1. Không một người Hải Phòng nào không biết đến cái khái niệm cắc cớ “chặt phượng trồng gạo và chặt gạo trồng phượng”. Một truyền thuyết.

Chuyện là những thập kỷ trước, bỗng nhiên các nhà quản lý đô thị ở “Thành phố hoa phượng đỏ” bỗng nhiên quyết định rằng mình sẽ chặt bớt phượng đi để trồng cây gạo gai. Cây phượng kể cũng đẹp, nhưng lá của nó tạo ra quá nhiều rác. Và có ít bóng mát (?). Cây gạo gai được trồng lên, lớn nhanh như thổi, phủ tán che bóng kín những con đường. Có thời đường Lê Lợi ở Hải Phòng, nắng buổi trưa không chiếu được xuống mặt đường.
img
Đốn hạ hơn 100 cây xà cừ ở đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội để phục vụ tàu điện trên không.

Nhưng chẳng cái gì lớn nhanh mà bền, đặc biệt lá cái cây. Cây gạo gai lớn nhanh, nên thân giòn, mà Hải Phòng lại trước biển, hứng đầu bão. Cứ mùa bão là lại phải đi cưa cành, sợ cây đổ vào cột điện, rơi xuống chết người dân.

Rốt cục, gạo gai bị chặt sạch để trồng lại... phượng vỹ. Thế là rốt cục, ở “Thành phố hoa phượng đỏ” bây giờ đầy những cây phượng còi còi mới trồng được mấy năm. Một quá trình quy hoạch đô thị xứng đáng được đưa vào sách giáo khoa.

2. Cái cây trong thành phố, xét về ý nghĩa môi trường, không đáng bao nhiêu so với những gì đang diễn ra ngoài thành phố. Dăm nghìn gốc cây, không bằng một vạt rừng nhỏ mà chỉ một quyết định hành chính sai lầm hay một đốm lửa có thể cướp đi.

Nhưng những cái cây là biểu hiện của tầm nhìn và khả năng quy hoạch đô thị. Những cây xà cừ lớn đang bị đốn hạ trên đường Nguyễn Trãi hoặc Kim Mã (Hà Nội) có thể là điều buộc phải làm. Nhưng cái sự “bất khả kháng” ấy xuất phát từ việc quy hoạch thiếu khoa học.

Cây xà cừ thật ra không tốt cho đô thị. Rễ của nó quá lớn. Nếu ai đã đi vào khu đô thị Định Công, có thể dễ dàng nhìn thấy những con đường bị rễ xà cừ cày tung lên, lật từng mảng bê tông trên vỉa hè và cả mặt đường gần đó. Mà bản thân chùm rễ rộng của cây này cũng không phù hợp với khí hậu nước ta: Thực tế đã chỉ ra rằng vào mùa mưa bão, cây này rất dễ bị lật tung gốc.

Bây giờ có vị phát biểu rằng phải di chuyển hết cây xà cừ ra khỏi Hà Nội. Chi phí đâu mà di chuyển những cây lớn như thế? Tốt nhất là chặt đi. 

Xà cừ ở Hà Nội là một phiên bản của câu chuyện “chặt gạo trồng phượng” kinh điển. Không thể không chặt được. Nhưng chặt đi, thành phố không còn cây xanh.

Những thành phố Việt Nam có thể trở nên rất giàu có. Nhưng giàu có, mà không có cây xanh, thì cũng vứt: Cây xanh  là một biểu hiện của quy hoạch đô thị, mà quy hoạch đô thị quyết định chất lượng sống. Nếu giàu có mà chất lượng sống thấp, nghĩa là “vứt”.

Hãy nhìn những đô thị giàu có nhất châu Á bây giờ, sẽ thấy cái cây liên quan đến chất lượng sống kiểu gì.
img 
Bạn gần như không thể tìm được những hàng cây cổ thụ lớn ở Hong Kong. Ở đó tất nhiên không có đường Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu (Hà Nội) hay khu công viên 30.4 (TP.HCM). Đó là nơi mà những khối bê tông lớn chất chồng lên nhau chạm đến mây. Và đó là nơi có chất lượng không gian sống không cao. Người Hong Kong từ lâu đã chấp nhận thực tế rằng họ phải ở trong những căn nhà chật chội, những con đường tù túng. Hong Kong là một điển hình của sự bất lực trong việc quy hoạch đô thị. Mà họ có giàu không? Rất giàu, nếu xét thu nhập đầu người.

Hong Kong bất lực trong quy hoạch đô thị là bởi vì quỹ đất của họ cực kỳ hạn chế. Nhưng chúng ta vẫn còn cơ hội. Cứ cho là 20 hay 30 năm nữa chúng ta mới đuổi kịp họ về kinh tế, thì vẫn còn thời gian cho những tầm nhìn xa.

3. Những cái cây bị chặt thôi thì cứ cho là điều bất khả kháng, vì những sai lầm của quá khứ. Tầm nhìn quy hoạch của chúng ta những thập kỷ trước thì cũng “nổi tiếng” rồi. Cách Bờ Hồ 10km người ta đã đặt nhà máy sản xuất cao su, thuốc lá, xà phòng – một tổ hợp công nghiệp. Các nhà quy hoạch thời ấy chắc không bao giờ tưởng tượng được đến lúc Hà Nội có thể to như thế này và cách Bờ Hồ 10km vẫn là khu dân cư.

Nhưng cứ cho là những cây xà cừ đang bị chặt là biểu tượng cho những sai lầm của quá khứ, giờ “xé nháp viết lại”, thì câu hỏi đặt ra bây giờ là tầm nhìn quy hoạch đô thị đã được cải thiện chưa?

Hay là những cái cây được trồng lên bây giờ sau 20 năm nữa cũng lại bị chặt đi, hay là chúng ta vẫn sẽ quy hoạch đô thị kiểu “đến đâu hay đến đó”.
Cây không hẳn là cây. Cây là thứ thể hiện tầm nhìn. Chặt cây không phải là chặt cây. Chặt cây là biểu hiện sự bất lực trong quy hoạch. Số phận của cái cây là số phận của toàn bộ thành phố.

Không phải cứ giàu là chất lượng sống cao đâu. Bangkok hay Hong Kong, nếu bạn hỏi một kiến trúc sư hay thậm chí là chính những người dân, rất nhiều người sẽ khẳng định rằng chất lượng sống ở đó không hề cao. Đó là những thành phố ngột ngạt nơi người ta nhét càng nhiều bê tông vào một không gian càng tốt. Có lẽ không ai muốn những thành phố Việt Nam trở nên như thế.

Sợ nhất là 20 năm nữa người ta lại trồng lại xà cừ trên phố Hà Nội, theo kịch bản Hải Phòng. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem