Từ trước đến nay, thường những cán bộ có chức quyền ứng cử HĐND thì coi như đắc cử. Chức vụ càng cao thì cái ghế ông hội đồng càng chắc.
Tập quán bầu cử và trúng cử kiểu đó tạo cho cử tri thói quen bỏ phiếu cho lãnh đạo hơn là lựa chọn đại biểu theo suy nghĩ của riêng mình. Cách bỏ phiếu đó đôi khi chưa thể hiện hết trách nhiệm công dân, ảnh hưởng đến chất lượng của đội ngũ đại biểu được trúng cử.
Trên thực tế, vì có quá nhiều đại biểu là lãnh đạo UBND các cấp, trưởng, phó các sở, ngành nên HĐND không giải quyết được những bức xúc của người dân. Họp, chất vấn và để đó bởi vì những bức xúc đó gắn liền với những việc làm chưa tốt của chính quyền, mà đại biểu HĐND lại là lãnh đạo các sở, ngành và UBND các cấp.
Điển hình như, cử tri phản ảnh về những bất cập trong giải tỏa, đền bù lên đại biểu, nhưng chính các đại biểu đó lại là những người có trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện công tác giải tỏa đền bù mà người dân khiếu kiện. Đại biểu dùng dằng hai vai, một bên là đại diện cho dân, một bên lại là lãnh đạo của chính quyền.
Khi đại biểu HĐND là doanh nhân, người dân bình thường sẽ không bị ràng buộc bởi chân này chân kia, thẳng thắn nói lên nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp. Nếu tỉ lệ đại biểu là cán bộ lãnh đạo chính quyền càng thấp, thì tiếng nói của người dân càng mạnh mẽ, tính dân chủ càng được nâng cao.
Cử tri không bầu ông Chủ tịch tỉnh và một số lãnh đạo ban, ngành còn thể hiện một bước tiến trong nhận thức về trách nhiệm lá phiếu của công dân. Điều này chứng tỏ người dân không bỏ phiếu theo thói quen, không bỏ cho qua chuyện, không bỏ cho người được hiểu như đã “mặc định”, mà lá phiếu được cân nhắc bằng trí tuệ, trách nhiệm và niềm tin.
Lá phiếu có chất lượng của cử tri chính là một cuộc sát hạch đối với cán bộ lãnh đạo địa phương. Nếu như ai đó làm việc không tốt, không phù hợp với nguyện vọng của dân thì sẽ được bộc lộ qua kỳ bầu cử. Cho nên, chất lượng lá phiếu của người dân là cơ sở để xây dựng chất lượng cán bộ lãnh đạo.
Chân Tâm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.