So sánh số liệu các hợp đồng đã được ký kết từ năm 2010 đến nay, kim ngạch nhập khẩu vũ khí trên thế giới trong 4 năm qua cho thấy, năm 2010 là 49,558 tỷ USD, năm 2011 là 83,3 tỷ USD, năm 2012 là 92,272 tỷ USD. Đây cũng là năm mua sắm vũ khí đạt kim ngạch cao nhất không chỉ trong 4 năm qua, mà còn đạt kỷ lục kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc đến nay.
Các nước châu Á đang ồ ạt mua sắm vũ khí, trang bị (Ảnh minh họa)
Căn cứ vào số liệu kim ngạch các hợp đồng nhập khẩu các sản phẩm quân sự đã được ký kết giữa các quốc gia trên thế giới, các chuyên gia Nga đã đưa ra một bảng xếp hạng các nước nhập khẩu vũ khí năm 2013, bao gồm 82 quốc gia. 10 vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng năm nay có nhiều thay đổi so với năm ngoái.
Cụ thể như sau: Đứng đầu danh sách là Saudi Arabia, số lượng các hợp đồng nhập khẩu vũ khí trong năm nay là 10,526 tỷ USD, chiếm 20,7% tổng kim ngạch các hợp đồng nhập khẩu vũ khí trên thế giới. Họ cũng xếp thứ nhất về tổng kim ngạch nhập khẩu trong giai đoạn 2010-2013.
Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đứng vị trí thứ hai, với tổng kim ngạch nhập khẩu vũ khí là 5,655 tỷ USD, chiếm 11,1%. Về tổng kim ngạch nhập khẩu trong 4 năm trở lại đây thì họ xếp thứ 3.
Với tổng kim ngạch nhập khẩu vũ khí năm 2013 là 3,754 tỷ USD, chiếm 7,4%, Ấn Độ được xếp vị trí thứ ba. Trong 4 năm qua, New Dehli đã nhập khẩu số lượng vũ khí 25,794 tỷ USD, chiếm 9,3%, đứng thứ hai sau Saudi Arabia. Dự báo trong vài năm tới, Ấn Độ sẽ vượt qua cả Saudi Arabia, trở thành quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.
Hàn Quốc xếp vị trí thứ tư, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vũ khí là 3,726 tỷ USD, chiếm 7,3%, đứng vị trí thứ 13 trong bảng xếp hạng tổng lượng nhập khẩu 4 năm gần đây.
Singapore xếp thứ năm, với các hợp đồng mua vũ khí trị giá 2,93 tỷ USD, chiếm 5,8%, đứng vị trí thứ 20 trong trong giai đoạn 2010-2013.
Kém Singapore một chút là Na Uy với tổng kim ngạch nhập khẩu vũ khí là 2,563 tỷ USD, chiếm 5,0%, đứng vị trí thứ 17 trong bảng xếp hạng 4 năm qua.
Trung Quốc xếp thứ bảy. Theo số liệu các chuyên gia quân sự Nga cho biết, các hợp đồng vũ khí và thiết bị quân sự nhập khẩu trong năm 2013 của Trung Quốc là 2,01 tỷ USD, chiếm 4,0% số lượng các hợp đồng nhập khẩu vũ khí, đây cũng là năm Bắc Kinh bỏ tiền mua sắm vũ khí nhiều nhất trong suốt bốn năm qua. Còn trong bảng xếp hạng tổng thể cả giai đoạn 2010 - 2013, Trung Quốc luôn đứng vị trí thứ 15.
Cụ thể, số lượng các hợp đồng xuất nhập khẩu vũ khí trong năm 2010 của Trung Quốc là 210 triệu USD, chỉ chiếm 0,4%; năm 2011 là 1,620 tỷ USD, chiếm 1,9%; năm 2012 là 1,3 tỷ USD, chiếm 1,4%. Trong bốn năm gần đây, tổng kim ngạch nhập khẩu vũ khí Trung Quốc là 5,140 tỷ USD, chiếm 1,9%. Trung Quốc vẫn đủ tiềm lực để tiếp tục nhập khẩu vũ khí.
Xếp ngay sau Trung Quốc là Iraq với tổng số tiền mua sắm vũ khí là 1,969 tỷ USD, chiếm 3,9%. Iraq đứng vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng nhập khẩu vũ khí bốn năm qua.
Pháp đã bỏ ra 1,561 tỷ USD mua sắm vũ khí, chiếm 3,1% nên được xếp thứ chín, tuy nhiên, họ chỉ đứng ở vị trí thứ 26 về tổng lượng mua sắm trong giai đoạn 2010-2013.
Afghanistan được xếp hạng thứ mười, với tổng kim ngạch nhập khẩu vũ khí là 1,21 tỷ USD, chiếm 2,4%. Họ đứng vị trí thứ 22 trong bảng xếp hạng bốn năm qua.
ANTĐ (Theo ANTĐ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.