Châu Âu đổ xô mua loại gạo thượng hạng của Việt Nam dù giá đắt gần gấp đôi gạo thường

Khánh Nguyên Thứ tư, ngày 27/04/2022 18:35 PM (GMT+7)
Với nhu cầu ổn định, đặc biệt là ở mức cao đối với các loại gạo đặc sản từ châu Á, trong thời gian tới EU sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Bình luận 0

Xuất khẩu gạo sang EU tăng vọt

Theo đánh giá mới nhất từ Bộ Công Thương, với "tấm vé thông hành" từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), thời gian qua xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường EU đã có kết quả khởi sắc.

Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 60.000 tấn, trị giá 41 triệu USD, tăng gần 1% về lượng, nhưng tăng hơn 20% về trị giá so với năm 2020.

Trong đó, một số giống gạo đặc sản của Việt Nam như ST24, ST25 lần đầu tiên được xuất khẩu vào các thị trường này. Đây là dòng gạo thơm hiện nay Việt Nam đang có thế mạnh để phát triển. 2 tháng đầu năm 2022 cũng ghi nhận con số xuất khẩu hơn 15.500 tấn gạo sang thị trường EU, thu về 11,7 triệu USD, tăng gần 4 lần về lượng và tăng 4,3 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong khối EU, Italy bất ngờ dẫn đầu về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam khi tăng 26 lần so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, còn một số thị trường chủ lực khác như Đức, Pháp, Hà Lan…

Đáng chú ý, trong khi giá xuất khẩu gạo bình quân của cả nước giảm 12,1% trong 2 tháng đầu năm xuống còn 469 USD/tấn thì giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn ghi nhận mức tăng 9% lên 755 USD/tấn.

Giá gạo của Việt Nam sang thị trường EU cao hơn mức trung bình của cả nước do chủng loại gạo xuất khẩu vào thị trường này chủ yếu là gạo thơm có giá trị cao. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào EU vẫn khá cạnh tranh so với các đối thủ cạnh tranh khác như Campuchia, Thái Lan và Ấn Độ…

"Kết quả này cho thấy, các doanh nghiệp đã tận dụng hiệu quả một số lợi thế từ Hiệp định EVFTA để gia tăng giá trị xuất khẩu gạo sang EU, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, giá cước vận tải biển đi EU tăng mạnh" - đại diện Bộ Công Thương đánh giá. 

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU sẽ tăng khá. Đặc biệt, chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện, chủ yếu là các loại gạo thơm, đánh trúng được thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu.

Châu Âu đổ xô mua loại gạo thượng hạng của Việt Nam dù giá đắt gần gấp đôi gạo thường - Ảnh 1.

Với "tấm vé thông hành" từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), thời gian qua xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường EU đã có kết quả khởi sắc. Ảnh: H.Xây.

Theo cam kết từ Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm gồm: 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm. Điều này đã mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu vào EU.

Tìm giải pháp nâng cao thị phần xuất khẩu gạo sang EU

Bên cạnh các yếu tố tích cực, Bộ Công Thương cũng chỉ rõ, thực tế là thị phần gạo của Việt Nam tại EU còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm 3,1% trong tổng lượng gạo ngoại khối nhập khẩu vào EU.

Trong khi đó, theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), EU nhập khẩu từ 3- 4 triệu tấn gạo mỗi năm. Năm 2021, EU nhập khẩu 3,6 triệu tấn gạo; trong đó 1,6 triệu tấn giao dịch nội khối và 2 triệu tấn nhập khẩu từ các nước bên ngoài EU. 

Với nhu cầu ổn định, đặc biệt là ở mức cao đối với các loại gạo đặc sản từ châu Á, trong thời gian tới EU sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam; tiếp tục chiến lược chất lượng, gia tăng giá trị sẽ giúp gạo Việt duy trì lợi thế cạnh tranh tại thị trường này.

Từ góc độ doanh nghiêp, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết: Việc xuất khẩu gạo sang EU tiếp tục có nhiều triển vọng do tác động tích cực từ EVFTA. Theo đó, nếu như năm ngoái doanh nghiệp này chỉ xuất khẩu khoảng 100 container gạo ST 24, 25… thì năm nay dự kiến sẽ tăng lên gấp đôi.

Tập đoàn Lộc Trời cũng là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu khá thành công mặt hàng gạo vào thị trường EU thông qua việc tận dụng EVFTA. 

Ông Philipp Roesler - thành viên HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cho biết, gạo của Lộc Trời từ lâu đã đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường khó tính nhất thế giới và được ưa chuộng tại châu Âu, tuy nhiên chỉ đang được phân phối dưới thương hiệu của đối tác tại các nước sở tại.

"Là thành viên HĐQT, tôi đang góp sức cùng đội ngũ đưa các sản phẩm như Lộc Trời 28, Jasmine, Vibigaba và Sức sống Mekong… xuất khẩu vào các nước châu Âu dưới chính thương hiệu Lộc Trời, giúp gạo Lộc Trời khẳng định vị thế, chất lượng và tăng sản lượng tiêu thụ qua từng năm" - ông Philipp Roesler nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem