Châu Phi không trong suốt vì "kim cương máu"

Chủ nhật, ngày 16/09/2012 13:58 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Kim cương máu tự tên nó đã cho người ta một khái niệm không hề êm đềm và nhẹ nhõm - thậm chí là rợn tóc gáy cho giá phải trả - về một cái đẹp ẩn chứa nhiều chết chóc khôn lường.
Bình luận 0

Kim cương máu còn được gọi là kim cương chuyển mã, kim cương tranh chấp, kim cương nóng hay kim cương chiến tranh...

Từ châu Phi khói súng…

Những viên kim cương đẫm máu nhất thời hiện đại, hiển nhiên sẽ được tìm thấy lần đầu trong lịch sử tại châu Phi, trước tiên ở Angola.

Sau khi độc lập vào tháng 11.1975, Angola vẫn chìm trong nội chiến giữa 3 tổ chức MPLA, UNITA và FNLA cho tới năm 2001. Từ 1992-1998, vi phạm thỏa thuận Bicesse 1991, UNITA (Liên minh Quốc gia về độc lập toàn Angola) đã bán một số kim cương trị giá 3,72 tỷ USD để lấy tiền làm kinh phí nuôi phiến quân chống chính phủ.

img
Vẻ đẹp của kim cương trên thị trường thế giới, thật ra là đã nhuốm máu...

Đến mức, Liên Hiệp Quốc (LHQ) phải nhìn nhận kim cương đóng vai trò tài trợ cho phiến quân UNITA và do vậy đến năm 1998, đã phải thông qua 2 điều luật 1173 và 1176 của Hội đồng Bảo an (HĐBA) về cấm buôn bán kim cương có nguồn gốc tranh chấp từ Angola.

Đó là lần đầu, người ta nghe tới khái niệm về một loại kim cương “không sạch” khi tiền thu được từ nó đã được dùng để nuôi một cuộc chiến. Theo các báo cáo, khoảng 20% tổng sản lượng kim cương sản xuất ở Angola trong những năm 1980 đã bị rao bán bất hợp pháp, và 19% khác là bị tranh chấp trong điều kiện tự nhiên.

Nhưng bất kể quyết định của LHQ, UNITA vẫn cứ bán kim cương. Lúc đó Đại sứ Canada Robert Fowler đã được giao nhiệm vụ đi điều tra sự việc. Năm 2000, ông viết bản báo cáo Fowler nổi tiếng, nêu tên nhiều quốc gia, tổ chức và nhân vật có liên quan tới đường dây buôn bán ấy. Bản báo cáo đó đã thiết lập nên mối liên hệ đáng bàng hoàng giữa các đường dây kim cương buôn bán bất hợp pháp và các cuộc tranh chấp nơi một vùng thế giới thứ ba đói nghèo.

Phía khác, từ 1989-2001, Liberia cũng lao vào nội chiến. Rồi năm 2000, LHQ kết tội Tổng thống Liberia - Charles G. Taylor - đã “chống lưng” cho tổ chức RUF ở nước láng giềng Sierra Leone bằng cách đổi vũ khí và chương trình huấn luyện họ lấy kim cương lậu.

Rồi năm 2001, LHQ can thiệp chuyện mua bán kim cương ở Liberia. Sau đó, Taylor bị lật đổ, phải chịu đi đày sang Nigeria và trở thành tội phạm chiến tranh. Một lần nữa, kim cương châu Phi đã tự cho thấy, tại sao nó lại vấy máu.

Càng không ai ngạc nhiên khi các tòa đại sứ Mỹ tại một số nước châu Phi bị đánh bom vào năm 1998, khi tổ chức khủng bố Al Qaeda đã nói rõ mình mua bán kim cương lậu với chính Liberia để lấy kinh phí hoạt động và ra đòn.

Bờ Biển Ngà tuy khai thác kim cương hợp pháp vào đầu những năm 1990 nhưng sang tới năm1999 lại cũng rơi vào nội chiến. Đất nước này bỗng dưng trở thành “trạm trung chuyển” kim cương lậu xuất khẩu từ Liberia và Sierra Leone đang oằn oại trong chiến tranh.

Khi các nhà đầu tư nước ngoài cuốn gói chạy khỏi đó, HĐBA LHQ đã quyết định cấm buôn bán kim cương xuất khẩu từ Bờ Biển Ngà vào tháng 12-2005. Nhưng bất chấp, nó vẫn tiếp diễn: Kim cương thô vẫn cứ chảy máu sang các nước láng giềng và cả tới tay các tổ chức buôn lậu bí mật theo các đường dây nằm ở phía bắc, vốn do du kích quân Forces Nouvelles (Lực lượng mới) đang kiểm soát lãnh địa.

Còn nhiều, còn nhiều: Cộng hòa dân chủ nhân dân Congo (Trước là Zaire) hiện chiếm 8% lượng kim cương xuất khẩu toàn thế giới và không ai biết rõ, số kim cương máu đích thực có trong đó là bao nhiêu. Viên kim cương vô giá Millennium Star nặng 200 carat cũng đã được tìm thấy chính ở đó và khi nội chiến lên tới đỉnh vào những năm 1990, người ta đã bán nó cho nhà khai thác De Beers ở Nam Phi.

Còn Cộng hòa Congo (Congo-Brazzaville) thì lại gặp rắc rối với LHQ vào năm 2004 vì bất chấp mình không có mỏ kim cương chính thức, từ lâu rồi, họ vẫn cứ xuất khẩu đều đều và không ai xác định nổi, số kim cương ấy đã từ đâu mà ra.

Xử lý quyết liệt

Global Witness chính là tổ chức quốc tế đầu tiên đã nhìn ra mối quan hệ giữa việc buôn bán kim cương lậu và các cuộc tranh chấp đẫm máu triền miên ở châu Phi, trong bản báo cáo mang tên Cuộc mua bán tàn khốc của mình vào năm 1998.

img
Những người phu đào vàng nghèo đói, chôn cả đời mình vô ích bên các bãi đá quý...

Cộng thêm các điều khoản từ LHQ đã kể và cả bản báo cáo không lấy gì làm vui vẻ của ông Fowler, các quốc gia có xuất khẩu kim cương tại lục địa đen đã phải cùng ngồi họp lại tại Kimberley, Nam Phi để tìm ra một giải pháp.

Họ cùng lên một kế hoạch kêu gọi các cuộc tranh chấp có liên quan tới kim cương phải ngừng lại, và những nhà buôn kim cương trên toàn thế giới cũng phải tỏ thái độ hợp tác bằng cách xem xét các sản phẩm mà họ đã mua, và sẽ mua, không có nguồn gốc từ biết bao xương máu đổ ra trong chiến tranh.

Tháng 7.2000, Hội nghị kim cương thế giới tại Antwerp đã chấp thuận một quyết định, qua đó sẽ tăng cường sức mạnh của thị trường kim cương chính thức bằng cách chặn lại tất cả những cuộc chiến có liên quan tới kim cương lậu.

Quyết định này còn kêu gọi thành lập một hệ thống chứng nhận chính thức về chất lượng kim cương nhập và xuất khẩu trên toàn cầu, rồi khuyến cáo các nước chỉ nên chấp nhận các gói hay bao bì chứa kim cương nhập khẩu đóng kín có niêm phong, rồi còn có nhiều điều luật nghiêm khắc để chống lại các đường dây mua bán kim cương bất hợp pháp. Tới 2 ngày 17 và 18.1.2001, một tổ chức mới là Hội đồng Kim cương thế giới ra đời. Nhiệm vụ chính của nó là thẩm định và chứng nhận mọi loại kim cương thô đến từ khắp thế giới phải là kim cương sạch, hiểu theo nghĩa bóng, tức là không vấy máu.

Đến ngày 18.1.2001, Tổng thống Mỹ Bill Clinton công bố Điều luật 13194 cấm nhập khẩu kim cương thô từ Sierra Leone vào Mỹ. Ngày 22.5.2001, Tổng thống George W. Bush lại có Điều luật 13213 cấm kim cương thô từ Liberia. Đến tháng 12.2002, Luật Xuất nhập khẩu kim cương thô cũng được chính phủ Canada ban hành.

Ai cũng biết Canada có vai trò quan trọng thế nào trên thị trường kim cương chính thức quốc tế nên họ đã rất nghiêm khắc lập ra cả một chương trình chứng nhận riêng của mình. Chương trình này cung cấp bản xác nhận của chính phủ Canada trên tất cả các loại kim cương được khai thác từ mỏ, cắt và đánh bóng trên địa phận Canada, nhất là ở lãnh thổ phía tây bắc. Từng viên sẽ được soi bằng tia laser, xem xét và lưu lý lịch lại trong một ngân hàng dữ liệu.

Nhưng kim cương máu, bất chấp những động thái đó, vẫn nằm ngồn ngộn khắp nơi.

Theo Thế giới & Hội nhập

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem