“Chạy nước rút” ôn thi tốt nghiệp

Thứ ba, ngày 03/04/2012 07:07 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dù 6 môn thi tốt nghiệp THPT mới được Bộ GDĐT công bố cuối tháng Ba nhưng thực tế nhiều trường THPT đã bắt tay vào việc ôn thi cho học sinh từ đầu năm 2012, và tới giờ đã bắt đầu giai đoạn “chạy nước rút”.
Bình luận 0

Ra tết là ôn thi

Trường THPT Việt Yên (Việt Yên, Bắc Giang) đã có kế hoạch hoàn thành chương trình và cho học sinh ôn tập 3 môn toán, văn, ngoại ngữ ngay từ đầu năm 2012. Cô Nguyễn Thanh Vân – giáo viên sử của trường cho biết: “Ngay sau khi biết 3 môn thi còn lại, trường cũng đã gấp rút lên chương trình ôn thi, tăng tiết phụ đạo buổi sáng hoặc buổi chiều nhằm giúp học sinh có kết quả thi tốt nhất”.

img
Học sinh nhiều trường THPT ở nông thôn đã vào guồng ôn thi tốt nghiệp.

Cũng theo cô Vân, vì năm nay sẽ thi tới 3 môn xã hội (văn, sử, địa) nên các em cũng khá căng thẳng với việc ôn tập để vượt qua những môn này. Các giáo viên bộ môn cũng đang rất cố gắng hỗ trợ các em ôn tập sớm để có kết quả tốt.

Thầy Nguyễn Hữu Kỳ - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Đắc Bằng (Hoằng Hoá, Thanh Hoá) thì cho biết: “Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp năm nay, ngay từ cuối năm 2011, nhà trường đã tổ chức cho các em ôn luyện, thực hiện tổng kết chương trình thường xuyên. Đặc biệt, từ 15.4, nhà trường sẽ thực hiện rà soát lại các môn có trong kỳ thi tốt nghiệp để tiến hành đợt cao điểm ôn thi cho các em”.

Theo “lệ” thường, năm nào Trường THPT Lương Đắc Bằng cũng dành từ 1,5 – 2 tháng, huy động nhiều thầy cô có chuyên môn giỏi vào tập trung ôn thi tốt nghiệp và đại học. Thầy Kỳ cũng cho biết, với 638 học sinh sẽ chuẩn bị thi tốt nghiệp và đại học năm nay, trường dự kiến mở thêm 2 địa điểm cho học sinh có chỗ ôn thi rộng rãi hơn ngoài trường.

Còn ông Thái Huy Vinh - Phó Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An thông tin: “Do tỉnh có những đặc điểm về vùng miền nên phân loại học sinh để kịp thời phụ đạo là việc làm cần thiết và thường được các trường trong địa bàn tỉnh tiến hành ngay từ đầu năm học”. Cũng theo ông Vinh, việc xây dựng đề cương ôn tập các môn có thể thi tốt nghiệp đã được các trường sẵn sàng. Vì vậy, khi Bộ GDĐT công bố về các môn thi, học sinh các trường đã có vốn kiến thức nền rồi nên không có tình trạng học dồn và cắt xén chương trình.

Vẫn “sợ” môn xã hội

Mặc dù đã thực hiện ôn thi 3 môn toán, văn, ngoại ngữ trước đó một thời gian dài để dành thời gian cho 3 môn còn lại, nhưng rất nhiều học sinh lớp 12 vẫn tỏ ra khá “sợ” các môn xã hội.

Em Nguyễn Khánh Linh - học sinh Trường THPT Tứ Kỳ (Hải Dương) cho biết: “Lớp em là lớp chọn văn nhưng cả lớp chỉ có vài bạn thi khối C nên các bạn rất sợ 2 môn sử, địa. Việc ôn thi tốt nghiệp 2 môn này như… cực hình”.

img Để đạt được 5 điểm các môn xã hội (văn, sử, địa) không khó, các em chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, gạch ý chính để hiểu bài là ổn. img

Cô Nguyễn Thanh Vân

Để đạt mục tiêu hai điểm 5 môn sử và địa, em Trần Văn Hoàng - học sinh THPT Phụ Dực (Quỳnh Phụ, Thái Bình) cũng đã phải dành 3 tiếng mỗi ngày để ôn tập, Hoàng cho biết: “Các môn khác em đã học khá chắc rồi vì năm nay định thi đại học 2 khối A và D, chỉ còn 2 môn sử, địa học không tốt lắm. Vì vậy, em phải cố gắng hết sức cho nó bởi có qua tốt nghiệp ngon lành mới thi đại học được”.

Với giáo viên, việc định hướng cho học sinh ôn thi khá quan trọng. Thầy Nguyễn Văn Chức – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong (Bỉm Sơn, Thanh Hoá) thì cho rằng: “Mặc dù năm nay nhiều môn xã hội hơn so với năm trước nhưng theo tôi các môn thi như thế là vừa phải, đảm bảo sự luân chuyển giữa các năm một cách hợp lý, tránh được việc việc học tủ, học lệch, chính vì vậy các em cũng không nên quá lo lắng”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem