Chuyên gia Nguyễn An Chất - Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý An Việt Sơn đã cùng NTNN phân tích về tâm lý của những người gắng bao che cho người thân của mình khi họ phạm tội.
Ông nhận định thế nào về tâm lý của những người quyết tâm che giấu tới cùng hành vi phạm tội của người thân mình. Theo ông, hành vi che giấu này chỉ đơn thuần là do sự thiếu hiểu biết luật pháp hay đó là tâm lý chung của con người nói chung và người Việt nói riêng?
Chuyên gia Nguyễn An Chất
-Thực ra những người đứng ra nhận tội tập thể hoặc đồng lòng bao che tội phạm đều vì lợi ích của bản thân. Họ có thể cho rằng người chết đã chết mà người sống phải sống. Còn những vụ đánh chết người trộm chó mà cả làng đứng ra ký đơn xin “chịu tội”, cũng xuất phát từ lợi ích của con cháu họ, vì trong một làng, họ hàng dây mơ rễ má thường đông đúc… Cuộc sống hiện nay ngày càng phức tạp, khiến con người ta đi đến những cách hành xử méo mó, theo chiều hướng a dua mà thiếu đi sự nhìn nhận một cách khách quan, công bằng, thiếu hiểu biết.
Đứng từ góc độ gia đình, theo ông, hậu quả đối với việc bao che, nhận tội thay là như thế nào? -Trước tiên họ sẽ bị pháp luật xử lý về những hành vi che giấu hoặc không tố giác tội phạm. Tuy nhiên, cũng sẽ có nhiều người thoát tội. Nhưng hậu quả đối với cuộc đời và con cái họ thì rất lớn. Lão Tử từng có câu “Bất ngôn tri giáo”, tức mỗi việc làm, hành động đều mang tính giáo dục. Ông bà, bố mẹ hành xử thế nào, con cháu sẽ trông vào đó mà bắt chước, thậm chí “mở rộng” hành vi. Nếu người lớn bao che cho tội phạm, và đặc biệt hơn là họ thoát tội dù bởi lý do gì đi nữa, thì cũng tạo ra một tiền lệ xấu trong mắt con trẻ, đặc biệt là khi chúng ta đang phấn đấu vươn tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, một xã hội đề cao nguyên tắc “thượng tôn pháp luật”.
Đáng ra sẽ không có thêm nạn nhân xấu số nếu như hành vi tội phạm của Quách Văn Phan không được họ hàng nội ngoại che giấu.
Trong dân gian từng có chuyện, một người cha rủ con trai xây một cái chòi ngoài vườn để cho ông nằm vì “ông già rồi, vô tích sự phải cho ông đi”. Đến khi ông mất, người cha đòi đập bỏ căn chòi đi thì đứa bé ngăn lại và bảo: “Để đợi khi bố già thì con cho bố ra đó ở”. Bài học “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” là vậy.
Nhưng về mặt xã hội, tại sao người dân lại ngày càng có nhiều hành động “phạm tội tập thể” như vậy?
- Có thể khẳng định, hành vi “tự xử” của người dân ngày càng nhiều. Họ không cần biết đến luật pháp mà nghĩ ra kiểu trừng phạt gì thì làm khi bị uất ức, bắt nạt ví như thuê giang hồ, đòi nợ thuê xử lý, tập hợp đông người để trừng phạt như đánh đập, đe dọa, bôi nhọ danh dự… Đó là do họ đã chịu đựng thiệt thòi một thời gian, có thể đã trình báo chính quyền, nhờ các cơ quan chức năng giải quyết nhưng không được. Chưa kể một số người có trách nhiệm giải quyết vụ việc không vì dân mà vì lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm khiến người dân mất lòng tin nên họ phải tìm cách tự xử để đòi quyền lợi, công bằng… Những hành vi này, có thể thỏa mãn nhu cầu trước mắt, nhưng về lâu dài để lại những hậu quả nặng nề, đặc biệt là sự ám ảnh về tâm lý, mất mát về giá trị sống, dần coi cái xấu, cái vi phạm pháp luật là điều hiển nhiên, là điều nên làm...
Mức độ nguy hiểm của những việc làm này không chỉ “gói gọn” trong phạm vi một gia đình, trong một làng xã mà nếu không có sự ngăn chặn, điều chỉnh kịp thời, nó sẽ nhân rộng ra nhiều gia đình, trong nhiều địa phương và đặc biệt là gây ra những mất mát về mặt nhận thức ở nhiều thế hệ.
Xin cảm ơn ông!
Diệu Linh (Diệu Linh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.