Chỉ nên quản lý xuất nhập khẩu vàng

Thứ sáu, ngày 08/04/2011 06:17 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hiệp hội Kinh doanh vàng vừa chính thức kiến nghị với Chính phủ một số giải pháp quản lý sản xuất kinh doanh vàng.
Bình luận 0

Dân Việt trao đổi với ông Vũ Mạnh Hải - Chủ tịch Hội Kim hoàn TP.Hà Nội về những kiến nghị này.

Thưa ông, quan điểm của ông xung quanh những đề xuất của Hiệp hội Kinh doanh vàng vừa được trình lên Chính phủ?

- Tôi cho rằng các cơ quan quản lý cần phải xuất phát từ thực tế. Lâu nay chính sách của chúng ta có nhưng công tác hậu kiểm không được tốt nên có quy định đấy nhưng chẳng ai thực hiện. Nhà nước phải dựa vào người dân, người dân mạnh thì doanh nghiệp mới mạnh. Chính sách phải làm sao để người dân không bức xúc.

img
Theo ông Vũ Mạnh Hải, Nhà nước khó có thể thu gom được hết vàng đang lưu trữ trong dân. (Ảnh minh họa).

Về quan điểm quản lý vàng miếng của Chính phủ, tôi cho rằng chỉ đúng với khía cạnh nhập khẩu, bởi khi nhập khẩu vàng thì Nhà nước phải quản lý chặt chẽ, còn đối với xuất khẩu thì phải khuyến khích. Trong khi muốn xuất khẩu mạnh chỉ có thể dựa vào phát triển vàng trang sức, nên việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp là phải đảm bảo. Vàng là tài sản của người dân, Nhà nước sẽ không có điều kiện khả thi để có thể thu gom được.

img
Ông Vũ Mạnh Hải - Chủ tịch Hội kim hoàn Hà Nội

Hiệp hội đề xuất các doanh nghiệp muốn sản xuất kinh doanh phải có số vốn nhất định (theo đề xuất vốn pháp định là 30 tỷ đồng), theo ông như vậy có hợp lý không?

- Như tôi đã nói ở trên, nếu không làm tốt công tác "hậu kiểm" sẽ không giải quyết được triệt để. Điều đó dễ dẫn đến tình trạng lũng đoạn hơn, sẽ độc quyền, độc lợi hơn. Thực tế đã chứng minh, nhiều doanh nghiệp thành lập rồi chết yểu. Chính vì vậy, không thể coi việc quy định một mức vốn cụ thể nào đó sẽ dễ quản lý hơn là khi chưa quy định.

Theo đề xuất của Hiệp hội, sắp tới nên khởi động lại kinh doanh vàng trên tài khoản để tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng. Ý kiến ông về đề xuất này?

- Về đề xuất này của Hiệp hội Kinh doanh vàng, tôi cho rằng không hợp lý, không ổn. Đối với ngoại tệ, chúng ta có thể làm như vậy được, vì trong nước chỉ có một đồng bạc duy nhất là đúng. Còn vàng là sản phẩm định dạng, định lượng nên không thể dùng biện pháp ảo để quản lý mà được.

Để không làm nhiễu loạn giá cũng như thị trường thì doanh nghiệp phải cầm vàng thật và giao dịch bằng tiền mặt. Bất kỳ mức giá nào trên sàn vàng đều là giá ảo, không phản ánh thực chất quan hệ cung cầu.

Trước thực tế các cơ quan quản lý thì cho rằng vàng là một trong những nguyên nhân gián tiếp gây lạm phát, trong khi không thể phủ nhận quyền được sở hữu vàng của người dân thì sắp tới giải pháp cho vấn đề quản lý vàng phải như thế nào?

- Cần nhấn mạnh rằng, vai trò quản lý Nhà nước là yếu tố quyết định. Nhưng phải trên quan điểm lấy người dân làm gốc. Quản lý thế nào để người dân tin vào Nhà nước, tin vào doanh nghiệp. Còn đối với doanh nghiệp thì phải có các quy định "hậu kiểm" tốt.

Và quan trọng nhất là Nhà nước chỉ nên quản lý trong lĩnh vực xuất nhập khẩu vàng. Đây mới chính là lĩnh vực cần sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước vì hiện tại lượng vàng nhập lậu vào Việt Nam rất lớn.

Xin cảm ơn ông!

Hiệp hội Kinh doanh vàng đề xuất, không nên cấm hoàn toàn hoạt động kinh doanh vàng miếng. Hoạt động xuất nhập khẩu cần tập trung cho những doanh nghiệp có khả năng tài chính, có kinh nghiệm và có mạng lưới sản xuất kinh doanh, đủ điều kiện để bình ổn thị trường. Nên tránh cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng trong thời gian quá ngắn, vì sẽ dẫn tới tình trạng thu gom USD để nhập khẩu, gây căng thẳng cho thị trường ngoại tệ.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem