Nếu giá thóc đủ cho nông dân mức lãi “mơ ước” 30% thì thu nhập bình quân của các gia đình trồng lúa đạt 3,8 triệu đồng/người/năm...
Nông dân khó đón được sự hỗ trợNgười trồng lúa ở đất nước ta đã góp sức để đảm bảo an ninh lương thực, điều đó cũng có nghĩa là nguồn hàng cho nhà xuất khẩu luôn được đảm bảo. Đầu tư lại cho người trồng lúa hay để nâng cao giá trị thương phẩm hạt gạo Việt chưa phải là lợi ích sống còn của doanh nghiệp. Hạt gạo Việt luôn loay hoay ở vùng trũng giá thấp, nhưng doanh nghiệp vẫn có lãi, họ xuất với giá thấp thì họ cũng mua của nông dân giá rẻ.
Thực hiện phỏng vấn sâu trong cuộc điều tra của IPSARD và Oxfam, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo thẳng thắn trả lời: Cung cấp đầu vào, cho vay và đào tạo người nông dân không phải là nhiệm vụ của họ mà là nhiệm vụ của Chính phủ. Cũng trong cuộc điều tra này cho thấy 80-90% các gia đình nông dân ở ĐBSCL bán thóc tươi tại bờ ruộng. Đặc thù này khiến người nông dân rất khó “đón” được sự hỗ trợ của Nhà nước về mua tạm trữ thóc hay chờ giá gạo trên thị trường thế giới lên cao. Những nguồn lợi ấy đương nhiên rơi vào tay các thương lái mua gom thóc và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo.
Mức lãi 30% đang được coi là “mơ ước” của người trồng lúa
Quy định về giá sàn (giá lúa định hướng- theo Nghị định số 109/2010 về điều hành xuất khẩu gạo) với mức lãi 30% cho người trồng lúa đã không được thực thi vì doanh nghiệp xuất khẩu gạo không mua lúa trực tiếp từ nông dân mà mua qua thương lái. Cũng không tránh được việc doanh nghiệp lấy lý do thị trường khó khăn để ép giá. Trong cuộc khảo sát của IPSARD và Oxfam tại An Giang, nông dân cho biết vụ đông xuân 2010, Nhà nước quy định giá sàn mua lúa 4000 đồng/kg, các doanh nghiệp lấy lý do khó tìm được đầu ra chỉ mua thóc của nông dân với giá 3.500 đồng/kg, thực tế giá gạo xuất khẩu quy thóc 5.178 đồng/kg.
Chuyện lừng khừng mua gạo tạm trữ năm nào cũng có, vụ hè thu 2013, nhận được chỉ tiêu phân bổ mua lúa, một lãnh đạo công ty lương thực ở Đồng Tháp trả lời báo chí: “Đã triển khai đến các xí nghiệp trực thuộc. Tuy nhiên, về giá thì chúng tôi chỉ có thể mua theo giá thị trường”. Lý do ông này đưa ra vẫn là đầu ra khó khăn.
“Soi tìm” lãi của nhà nôngThu nhập của nông dân trồng lúa vùng ĐBSCL mấy năm gần đây đang thấp dần đều. Mức lãi 30% cho người trồng lúa như mong muốn của Chính phủ là điều mơ ước. Vụ hè thu 2011, giá thành lúa hè thu 3.600 đồng/kg, bán 4.600 đồng/kg. Với mức giá này, người dân trồng lúa ĐBSCL cũng chỉ đạt thu nhập hơn 300.000 đồng/tháng, dưới chuẩn nghèo. Vụ hè thu năm 2012, giá thành tăng thêm 360 đồng/kg, giá bán tăng 250 đồng/kg, người dân mất 110 đồng/kg lúa.
“Sẽ có một cuộc khủng hoảng giá thấp chứ không phải là cuộc khủng hoảng giá cao trong vòng 2 thập kỷ tới”- Giáo sư C.Peter Timmer thuộc Trung tâm Phát triển Toàn cầu (Đại học Stanford, Mỹ) nhận định. Sẽ ra sao nếu nhận định trên là đúng, khi người trồng lúa Việt Nam đã... hết đất lùi?
|
Năm 2013, giá thành lúa bình quân đạt đỉnh 4.142 đồng/kg, giá lúa giữ mức 4.800 đồng/kg (mua tại ruộng chỉ có 4.400 đồng/kg). Thu nhập người trồng lúa không được 10%. Về giá thành hạt thóc khi tính chưa có phần lao động gia đình bỏ ra.
Nếu tính đúng khoản đó, ngày công lao động của chủ ruộng chỉ còn 50.000 - 60.000 đồng/công, đó cũng chính là “lãi” của người trồng lúa hôm nay. Nhưng với nông dân, đất lúa phải trồng lúa, dù lãi thấp hơn tiền công làm thuê.
Hữu Danh (Hữu Danh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.