Chi nửa tỷ đồng hỗ trợ, trường đại học mong "săn" nhân tài
Chi nửa tỷ đồng hỗ trợ, trường đại học mong "săn" nhân tài
Thứ sáu, ngày 08/03/2024 09:32 AM (GMT+7)
Mong muốn "săn" người tài, thu hút giảng viên có học hàm, học vị, trường đại học ban hành chính sách thu hút giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ về trường làm việc với mức hỗ trợ hàng trăm triệu đồng.
Từ đầu năm 2024, Trường Đại học Tài chính - Marketing (UFM) công bố tuyển 43 chỉ tiêu nhằm tăng cường đội ngũ giảng viên có trình độ và giảng viên chất lượng cao cho các đơn vị đào tạo.
Đáng chú ý, UFM tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ, thu hút đặc biệt đối với những giảng viên có trình độ tiến sĩ (TS) hoặc có chức danh phó giáo sư (PGS), giáo sư (GS).
Cụ thể, người có chức danh GS có độ tuổi dưới 50 được nhà trường chi hỗ trợ, thu hút một lần là 500 triệu đồng, từ trên 50 tuổi đến dưới 55 tuổi là 400 triệu đồng.
Với chức danh PGS có độ tuổi dưới 50 được hỗ trợ 300 triệu đồng, từ trên 50 tuổi đến dưới 55 tuổi là 200 triệu đồng. Mức hỗ trợ dành cho TS tốt nghiệp ở nước ngoài là 100 triệu đồng và TS tốt nghiệp trong nước là 60 triệu đồng (không phân biệt độ tuổi).
PGS.TS Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing - cho biết, nhiều năm qua, UFM đã nhất quán chủ trương và kiên trì thực hiện chính sách hỗ trợ, thu hút giảng viên có chức danh GS, PGS hoặc trình độ TS có năng lực, kinh nghiệm thực sự và cam kết tâm huyết cống hiến lâu dài.
"Chính sách này được áp dụng công khai, minh bạch, không tiêu cực và công bằng đối với tất cả nhân tài hiện có và nhân tài tuyển dụng thông qua các kỳ tuyển dụng viên chức hàng năm của trường", ông Đạt nhấn mạnh.
Các giảng viên này được tạo nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thành tựu cá nhân và sự tâm huyết cống hiến tích cực trong thời gian tối thiểu 5 năm vì sự phát triển của nhà trường.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng đang thông báo tuyển dụng 41 chỉ tiêu theo đề án "Chính sách thu hút giảng viên, chuyên gia có chức danh giáo sư, phó giáo sư và trình độ tiến sĩ". Mức hỗ trợ được trường này đưa ra cao nhất cho người có chức danh GS là 480 triệu đồng, PGS là 360 triệu đồng, TS trong mức 192-240 triệu đồng.
PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết năm qua, nhà trường áp dụng chính sách thu hút 1 lần hỗ trợ 350 triệu đồng cho GS; 250 triệu đồng cho PGS, 150 triệu đồng cho TS.
Trường Đại học An Giang chi mức 60 triệu đồng/người. Ngoài ra, còn nhiều chính sách khác như vé máy bay, khen thưởng thành tích nghiên cứu khoa học…
Trường Đại học Công Thương TPHCM hỗ trợ tài chính cho người về trường làm việc có trình độ GS là 150 triệu đồng, PGS là 100 triệu đồng và TS là 75 triệu đồng.
Ngoài ra, cuối năm 2023, trường này còn thông qua chính sách hỗ trợ cho cán bộ giảng viên theo vị trí việc làm và học hàm, học vị. Không tính lãnh đạo nhà trường, lương của cán bộ giảng viên tăng nhiều nhất ở mức 12 triệu đồng/tháng so với trước đây.
Cụ thể, trưởng các đơn vị (trưởng khoa, trưởng các phòng ban) có học hàm PGS trở lên được tăng lương thêm 12 triệu đồng/tháng, tức thu nhập sẽ tăng trên 65 triệu đồng/tháng. Trưởng đơn vị có học vị thấp hơn, mức tăng cũng thấp hơn: người có trình độ TS tăng 10,5 triệu đồng/tháng và trình độ thạc sĩ (ThS) tăng 9 triệu đồng/tháng.
Với khối giảng viên không giữ chức vụ quản lý, giảng viên có học hàm PGS trở lên được tăng thêm 5 triệu, nâng thu nhập cứng hàng tháng lên gần 60 triệu đồng. Giảng viên có trình độ TS tăng 3,5 triệu đồng và trình độ ThS tăng 2 triệu đồng, nâng tổng thu nhập của nhóm giảng viên này lên 35-40 triệu đồng/tháng.
Chỉ tính riêng chi phí chi cho hỗ trợ cán bộ giảng viên theo vị trí việc làm và học hàm học vị, mỗi tháng trường này chi thêm gần 3 tỷ đồng.
Cấp kinh phí nghiên cứu đến 30 tỷ đồng
Đại học Quốc gia TPHCM dự trù kinh phí năm 2024 cho Chương trình VN350 nhằm thu hút nhân lực TS là 18,9 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí từ Đại học Quốc gia TPHCM là 11,2 tỷ, còn đối ứng từ các đơn vị là 10,9 tỷ. Trong các năm tiếp theo đơn vị này sẽ cần 300 nhân lực có trình độ TS.
Về đãi ngộ, các nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành tham gia chương trình VNU350 sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ từ Đại học Quốc gia TPHCM và chính sách hỗ trợ cụ thể của từng đơn vị tuyển dụng.
Đối với nhà khoa học trẻ xuất sắc trong thời gian 2 năm đầu, được cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học loại C, kinh phí tối đa 200 triệu đồng. Năm thứ ba, được cấp 1 đề tài loại B, kinh phí tối đa 1 tỷ đồng.
Đến năm 4, người này được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh phí tối đa 10 tỷ đồng. Năm thứ năm được hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục, quy trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS.
Đối với các nhà khoa học đầu ngành trong thời gian 2 năm đầu, được cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học loại B với kinh phí tối đa 1 tỷ đồng. Các năm tiếp theo được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh phí tối đa 30 tỷ đồng; được hỗ trợ thành lập nhóm nghiên cứu mạnh; hỗ trợ đăng ký chủ trì đề tài các cấp.
Nhà khoa học sẽ hưởng thu nhập và đãi ngộ khác theo chính sách cụ thể của đơn vị nơi nhà khoa học đến công tác (gồm lương, thưởng, các phụ cấp, thu nhập tăng thêm, phụ cấp vượt định mức giảng dạy, phụ cấp thâm niên, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, khen thưởng…).
Để hướng tới mục tiêu TPHCM trở thành một trung tâm đào tạo quốc tế, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TPHCM Phan Văn Mãi bày tỏ mong muốn phát triển các trung tâm xuất sắc về đào tạo tại các đại học.
Ông gợi ý, nếu vận hành theo hướng các trung tâm xuất sắc sẽ sử dụng được những cơ chế tài chính của thành phố.
"Thành phố sẵn sàng trả lương cho một số chức danh 100-120 triệu đồng mỗi tháng, tương ứng với 5.000-7.000 USD để thu hút được những nguồn lực từ bên ngoài", ông Phan Văn Mãi nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.