Chi phí vận tải tăng, xuất khẩu loại nông sản này gặp khó
Chi phí vận tải tăng, xuất khẩu loại nông sản này gặp khó
Khánh Nguyên
Thứ bảy, ngày 06/03/2021 15:09 PM (GMT+7)
Xuất khẩu (XK) chè đầu năm 2021 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, khó khăn từ Covid-19 cũng như hàng loạt điểm yếu cố hữu, hạn chế trong kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm, chi phí vận tải cao… là vấn đề không nhỏ ngành chè Việt phải đối mặt nếu muốn vươn xa hơn trong thời gian tới.
Tháng đầu tiên của năm 2021, theo Bộ NNPTNT, XK chè ước đạt 10.000 tấn với trị giá đạt 16 triệu USD, tăng 25,8% về khối lượng và tăng 30,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trị giá xuất khẩu tăng 30,5%
Tại thị trường thế giới, các cuộc đấu giá của Hiệp hội Thương mại chè Coonoor Ấn Độ (CTTA) khởi đầu năm 2021 với mức giá trung bình đạt 134,73 Rs/kg (Rs là ký hiệu của đồng Rupee Ấn Độ -PV), tăng 20,36 Rs/kg so với phiên cuối năm 2020 trước khi đóng cửa dịp Giáng sinh và Tết dương lịch.
Giá chè tăng do nhu cầu tăng từ những người mua nước ngoài khi các loại chè Bắc Ấn không có mặt trên thị trường vì ngưng thu hoạch vào mùa Đông.
Tháng 1/2021, xuất khẩu chè ước đạt 10.000 tấn với trị giá đạt 16 triệu USD, tăng 25,8% về khối lượng và tăng 30,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tại thị trường trong nước, chè nguyên liệu tháng đầu năm 2021 không có nhiều biến động.
Tại Thái Nguyên, giá chè cành chất lượng giữ giá ở mức 190.000 đồng/kg, chè xanh búp khô 90.000 đồng/kg, chè xanh búp khô (đã sơ chế loại 1) 120.000 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), giá chè cành ổn định 9.800 đồng/kg, chè hạt 7.600 đồng/kg.
Mặc dù XK chè năm 2021, có khởi đầu tương đối suôn sẻ với tăng trưởng mạnh mẽ cả về khối lượng lẫn trị giá, song không ít doanh nghiệp lẫn giới chuyên gia đều cho rằng, chi phí vận tải cũng như ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục là những mối lo ngại đáng kể thời gian tới.
Gỡ "nút thắt" an toàn thực phẩm
Việt Nam hiện đứng thứ 5 trên thế giới về XK chè, đứng thứ 7 về sản xuất chè toàn cầu. Sản phẩm chè của Việt Nam hiện đã được xuất sang 74 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, theo đánh giá, khoảng 90% sản lượng chè của Việt Nam XK ở dạng thô, giá bán thấp và được tiêu thụ dưới thương hiệu của các nhà nhập khẩu.
Cùng với đó, hoạt động sản xuất chè còn nhiều hạn chế bất cập: Sản xuất nông hộ nhỏ; Nguyên liệu chè cung cấp cho chế biến chủ yếu từ các giống chè có chất lượng thấp; Việc liên kết sản xuất, chế biến chưa đạt yêu cầu; Công tác quảng bá thương hiệu của ngành chè chưa tốt... Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm còn là rào cản lớn để chè Việt Nam tiếp cận được các thị trường XK cao cấp, tiềm năng.
Ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết, trong 5 năm vừa qua, dưới vai trò quản lý nhà nước về công tác bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm, vật tư nông nghiệp, Cục Bảo vệ thực vật đã tham gia vào nhóm đối tác công tư (PPP) của ngành chè.
Cùng với Hiệp hội Chè Việt Nam và 12 công ty, Cục Bảo vệ thực vật đã thành lập những tổ đội chuyên trách vấn đề bảo vệ thực vật.
"Việc thành lập những tổ đội sẽ giúp tập huấn cho người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng theo nguyên tắc như: cách kiểm soát dư lượng thuốc, cách nhận biết danh sách những loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trên cây chè... Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo chất lượng sản phẩm chè, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để phục vụ cho XK" - ông Nguyễn Quý Dương nói.
Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, mục tiêu tổng quát định hướng ngành chè và chương trình hoạt động của PPP chè trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ hướng tới chủ yếu là quản lý chặt chẽ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bền vững trong ngành chè Việt Nam; cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng và chất lượng sản phẩm chè Việt Nam thông qua tăng cường hiệu quả hoạt động của nhóm PPP.
Một số chuyên gia nông nghiệp cho rằng, để ngành chè có hướng đi bền vững, cần áp dụng và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đổi mới quy trình sản xuất, chế biến, nâng cao giá trị XK, hạn chế những bất cập, từng bước xây dựng thương hiệu chè Việt trên thế giới…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.