Chỉ thị số 40-CT/TW: Dấu ấn "đột phá" trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội

H.Anh Thứ tư, ngày 30/08/2023 11:07 AM (GMT+7)
Nhìn lại hành trình gần 9 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện đã mang lại nhiều tác động kinh tế - xã hội tích cực, bảo đảm quyền và khả năng tiếp cận tài chính của người dân có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam.
Bình luận 0

Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 (Chỉ thị 40) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, khẳng định quan điểm nhất quán trong định hướng nhận thức của chính sách xã hội trong công cuộc giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.

Ngày 10/6/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 06-KL/TW (Kết luận 06) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW - là sự tiếp nối và thể hiện một cách toàn diện, xuyên suốt quan điểm chính sách của Đảng về công tác an sinh xã hội.

Đây là những dấu son quan trọng trong thực hiện chính sách tín dụng xã hội 20 năm qua, cũng như tạo nên những chuyển biến mới trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội do NHCSXH thực hiện.

Tín dụng chính sách xã hội là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ vốn cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, gia đình khó khăn tự vươn lên, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới, tiếp tục khẳng định rõ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc gắn phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ xã hội và công bằng xã hội.

Tính đến ngày 30/6/2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 318.278 tỷ đồng, tăng 183.605 tỷ đồng, gấp 2,36 lần so với cuối năm 2014 (thời điểm ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW), tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 10,4%, trong đó nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 34.527 tỷ đồng, chiếm 10,8%/tổng nguồn vốn, tăng 30.509 tỷ đồng.

Trong 9 năm thực hiện Chỉ thị 40- CT/TW, tổng doanh số cho vay đạt 605.167 tỷ đồng, với hơn 18.600 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; tổng doanh số thu nợ đạt 428.822 tỷ đồng, bằng 71% doanh số cho vay. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,62%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,17%, dưới mức cho phép (02%/tổng dư nợ theo Chiến lược).

Các nguồn vốn và các chính sách cho vay giảm nghèo được cụ thể hóa với 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Chính sách giảm nghèo đã chuyển mạnh từ cho không sang cho vay, cho cần câu chứ không cho con cá.

Có thể khẳng định, chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác do NHCSXH thực hiện đã thực sự đi vào cuộc sống; là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần vừa thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, vừa thực hiện các mục tiêu về phát triển xã hội, nổi bật nhất là đưa tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam từ mức gần 60% trong những năm 1990 xuống còn 4,3% năm 2022 (theo chuẩn nghèo đa chiều).

Dấu ấn gần 9 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW - Ảnh 2.

Chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác do NHCSXH thực hiện đã thực sự đi vào cuộc sống.

Đơn cử như Bắc Giang, từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp nhưng với sự đoàn kết, chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; đặc biệt là sự đồng thuận, tin tưởng, ủng hộ của toàn thể nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Bắc Giang đã không ngừng vươn lên, tạo bước phát triển đột phá, đặc biệt là trên lĩnh vực phát triển kinh tế. Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 19,3% (gấp 2,5 lần bình quân chung cả nước, cao nhất từ trước tới nay) và đứng thứ 2 cả nước, 6 tháng đầu năm 2023 đạt 10,94%, đứng thứ 2 cả nước. Quy mô nền kinh tế của tỉnh lần đầu tiên vươn lên đứng thứ 12 cả nước và đứng đầu khu vực Trung du và miền núi Bắc bộ.

Trong quá trình phát triển, Bắc Giang luôn xác định một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội đó là sử dụng hiệu quả nguồn lực tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, coi phát triển tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên gắn với triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các đơn vị, địa phương.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện 18 chương trình tín dụng chính sách xã hội, với tổng dư nợ đạt 6.317 tỷ đồng, tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm gần 19%, với 109.741 khách hàng còn dư nợ. Vốn tín dụng chính sách xã hội được triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn, trong đó được ưu tiên tập trung vào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS và miền núi; đã giúp cho trên 752 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với tổng số tiền 17,4 nghìn tỷ đồng để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, tăng thu nhập, ổn định đời sống; giúp cho gần 184 nghìn hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo và trên 90 nghìn hộ thoát cận nghèo, tạo việc làm mới cho trên 72 nghìn lao động.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, nguồn vốn này đã từng bước cải thiện và nâng cao đời sống người dân, tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng khó khăn, đồng bào DTTS, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 30,67% (năm 2005) xuống còn 3,81% (năm 2022), theo chuẩn nghèo đa chiều mới. Toàn tỉnh đã có 148/182 xã (81,3%) đạt chuẩn nông thôn mới, 6/10 đơn vị cấp huyện (60%) đạt chuẩn Nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới; 43 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu, 240 thôn đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.

Hay như tại Long An, theo chia sẻ của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Được, thông qua tín dụng chính sách xã hội, đã giúp cho 104 nghìn hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Long An thoát nghèo.

Cụ thể: Giai đoạn 2001 - 2005 đã giảm từ 9,8% xuống còn 2,88% cuối năm 2005. Giai đoạn 2006 - 2010 đã giảm từ 8,83% xuống còn 1,91% vào cuối năm 2010. Giai đoạn 2011 - 2015 đã giảm từ 7,37% xuống còn 2,98% cuối năm 2015. Giai đoạn 2016 - 2020 đã giảm từ 4,03% xuống còn 1,16% cuối năm 2020 và đến tháng 6.2023 đã giảm xuống còn 0,97%.

Bên cạnh đó, tín dụng chính sách xã hội còn góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ 119 xã, 4/15 đơn vị cấp huyện trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại khu vực nông thôn, đời sống người dân được nâng lên, góp phần thu hẹp khoảng cách với khu vực đô thị; an sinh xã hội, ổn định trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc phòng được bảo đảm; niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được củng cố và tăng cường.

Dấu ấn gần 9 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW - Ảnh 3.

Tín dụng chính sách - kênh xóa đói giảm nghèo hữu hiệu (Ảnh: NHCSXH)

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Ủy viên HĐQT NHCSXH Hầu A Lềnh đánh giá: Tín dụng chính sách xã hội là một bộ phận cấu thành không thể thiếu của Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS. Thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội góp phần phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào các DTTS; qua đó củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS cũng góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội cho đồng bào DTTS, thu hẹp dần khoảng cách mức sống giữa các dân tộc, vùng miền, để không ai bị bỏ lại phía sau.

"Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng xã hội nói chung, chính sách tín dụng trong Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số nói riêng, cần triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết và Nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác dân tộc và an sinh xã hội nói chung, chính sách tín dụng xã hội nói riêng dành cho đồng bào DTTS, vùng DTTS và miền núi; huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững", Ủy viên HĐQT NHCSXH Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

Nhìn lại hành trình gần 9 năm qua, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng phải thừa nhận, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng cộng sản Việt Nam cùng với những nỗ lực của Chính phủ, vốn vay NHCSXH đã mang lại nhiều tác động kinh tế - xã hội tích cực, đảm bảo quyền và khả năng tiếp cận tài chính của những người dân có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam. Hơn thế, như nhận định của đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thì đây còn là những "kinh nghiệm và bài học quý giá cho Chính phủ các nước đang phát triển".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem