Sở GD-ĐT TP.HCM vừa công bố chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2022-2023 vào 114 trường THPT trên địa bàn thành phố là gần 73.000 chỉ tiêu. Trong khi đó, ở năm học trước, tổng chỉ tiêu này là hơn 67.000.
Năm nay, các trường dẫn đầu chỉ tiêu lớp 10 lần lượt là Trường THPT Marie Curie (1.200 chỉ tiêu); Trường THPT Hùng Vương (1.080 chỉ tiêu); THPT Phong Phú (1.035 chỉ tiêu); THPT Mạc Đĩnh Chi (1.020 chỉ tiêu) và THPT Gia Định (1.000 chỉ tiêu).
Các trường THPT nằm trong top đầu thành phố có chỉ tiêu cao hơn các năm trước. Trong đó, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân 660 chỉ tiêu; THPT chuyên Trần Đại Nghĩa tuyển sinh 545 chỉ tiêu; THPT Lê Hồng Phong tuyển sinh 890 chỉ tiêu; THPT Bùi Thị Xuân với 745 chỉ tiêu; THPT Lê Quý Đôn 560 chỉ tiêu; THPT Nguyễn Thị Minh Khai với 690 chỉ tiêu; THPT Nguyễn Thượng Hiền 775 chỉ tiêu.
Khu vực các trường THPT tại huyện Cần Giờ có số chỉ tiêu tuyển sinh 10 thấp nhất thành phố, như THCS-THPT Thạnh An với 80 chỉ tiêu; THPT Bình Khánh 360 chỉ tiêu… THPT Quốc Tế Việt Úc với 90 chỉ tiêu; Trường Quốc tế Việt Nam- Phần Lan tuyển sinh 24 chỉ tiêu.
Vì sao có sự biến động?
Trao đổi với báo chí, ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, thực tế chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm nay vẫn giữ tính ổn định theo nguyên tắc phân luồng học sinh sau cấp trung học cơ sở.
Lý giải điều này, ông Hồ Tấn Minh cho biết, năm nay, số học sinh khối 9 trên toàn thành phố là hơn 100.000 em. Số lượng học sinh lớp 9 tăng nhiều so với các năm học trước.
Do đó, để thực hiện phân luồng học sinh sau THCS với tỷ lệ 70% tốt nghiệp THCS sẽ tiếp tục theo học lớp 10 tại các trường THPT công lập nên chỉ tiêu vào lớp 10 có sự biến động.
Đối với 30% học sinh khối 9 không vào được công lập, các em có thể học tại các trường THPT ngoài công lập trên địa bàn thành phố, trung tâm GDNN-GDTX, trung tâm GDTX hoặc học nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng… miễn phù hợp với năng lực, sở trường và điều kiện gia đình.
Ngoài ra, ông Minh cũng khẳng định, không có chuyện TP.HCM ép học sinh học nghề, học tại trung tâm GDTX hay các trường THPT ngoài công lập. Hiện nay, học sinh lớp 9 được nhà trường, giáo viên chủ nhiệm tư vấn chọn nguyện vọng, chọn trường THPT hoặc hướng đi khác dựa trên năng lực, mong muốn của học sinh, phụ huynh.
Đồng thời, trước kỳ thi tuyển sinh 10, các phòng GD-ĐT cùng Sở GD-ĐT tổ chức các chương trình tư vấn phân luồng hướng nghiệp, đến từng trường THCS tư vấn cho phụ huynh, học sinh. Hoạt động này giúp phụ huynh học sinh nhìn nhận, đánh giá được đúng nhất về năng lực học tập và các hướng đi sau THCS, từ đó chọn được hướng đi sau THCS phù hợp với sức học của học sinh, điều kiện gia đình.
"Dù lựa chọn bất kỳ hướng đi nào sau THCS, học sinh đều có thể phát triển đầy đủ, như nhau trong quá trình rèn luyện, học tập. Hiện nay, các trung tâm GDNN-GDTX, trung tâm GDTX tại TP.HCM vừa giảng dạy chương trình THPT của Bộ GD-ĐT, vừa đào tạo nghề, khi tốt nghiệp học sinh sẽ có 2 bằng, lựa chọn hướng đi phù hợp nhất" – ông Minh nhấn mạnh.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023 sẽ được tổ chức vào ngày 11 và 12/6/2022.
Học sinh đăng ký 3 nguyện vọng ưu tiên 1, 2, 3 để xét tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập (trừ Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, chuyên Trần Đại Nghĩa và Trường Phổ thông Năng khiếu ĐH Quốc gia).
Thí sinh sẽ dự thi bài thi viết môn Văn, Toán và Ngoại ngữ (nếu đăng ký nguyện vọng vào lớp thường) và môn chuyên, tích hợp (nếu đăng ký nguyện vọng vào lớp chuyện, tích hợp). Thời gian làm bài môn Văn, Toán là 120 phút, môn Ngoại ngữ là 90 phút.
Điểm bài thi là tổng điểm thành phần từng câu hỏi trong đề thi, tính theo thang điểm 10, điểm lẻ đến 0,25. Điểm xét tuyển là tổng điểm ba môn thi, tính theo hệ số một và điểm cộng ưu tiên. Thí sinh trúng tuyển phải dự thi đủ ba bài và không có bài nào bị điểm 0.
Học sinh không đậu cả 3 nguyện vọng có thể đăng ký xét tuyển lớp 10 tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, các trường tư thục hoặc tham gia các loại hình giáo dục khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.