Tốt nghiệp đại học ngành hóa, tôi được phân công về nhà máy liên hợp Da Giày Sài Gòn (Bata cũ). Những ngày đầu, tôi hết sức ngỡ ngàng vì những kiến thức ở bậc đại học không thể áp dụng vào thực tế sản xuất. Tôi quyết định hằng ngày, khi đi công tác tại các phân xưởng, phải lăn xả vào lao động trực tiếp để học hỏi kinh nghiệm ở các thợ bậc 6/7, 7/7.
Lúc về phòng kỹ thuật, tôi lục lọi, tìm đọc các sách công nghệ do người Pháp để lại. Nhờ vậy, tôi học hỏi được kinh nghiệm của những người công nhân có 20-30 năm nghề và nhanh chóng xử lý nhiều sự cố kỹ thuật cao su mà họ phải bỏ ra nửa đời người mới biết cách. Ngoài ra, tôi còn giải thích được tại sao phải xử lý như thế, trong khi họ thì không.
Sau 6 tháng, ngoài giờ làm việc Nhà nước, tôi xin vào đứng cán cao su cho một phân xưởng nhỏ sản xuất xăm lốp. Thỉnh thoảng phân xưởng thiếu một vài loại hóa chất thì phải ngưng sản xuất vì họ chỉ sử dụng một công thức pha chế cố định. Thấy vậy, tôi mạnh dạn đề xuất với ông chủ cho thay đổi công thức pha chế.
Ông Lê Tấn Lam Anh chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp.
Lúc đầu chưa tin, nhưng sau khi thử nghiệm vài lần, ông hoàn toàn tin tưởng và giao tôi ra đơn và pha chế hóa chất để cán luyện. Từ đó, xưởng của ông không bị sự cố và ra những sản phẩm tốt. Ông chủ giới thiệu tôi đi xử lý sự cố cho những xưởng cao su khác. Có những lúc gặp sự cố khó khăn, tôi phải thức gần như trắng đêm để tìm cách xử lý và chưa đầu hàng hay bỏ cuộc một vấn đề nào.
Và vận may cũng đã mỉm cười với người yêu nghề như tôi. Bởi thời điểm này đa phần lốp xe máy do nhiều cơ sở sản xuất bị chảy nhão khi đang lưu kho tại các công ty bách hóa cấp 1, cấp 2; nhiều chủ cơ sở vì những rắc rối này mà họ có ý định bỏ nghề. Thế là một số chủ cơ sở tìm đến tôi để nhờ chấn chỉnh lại đơn pha chế và quy trình sản xuất. Kết quả là sau khi được tôi khắc phục, họ đã phục hồi và ổn định sản xuất. Một số trong những ông chủ này còn đề nghị cho tôi góp vốn từ 1-3% vào công ty, cơ sở.
Thời bao cấp, nguyên liệu sản xuất thường xuyên thiếu rất nhiều món. Do đó, tôi tận dụng cơ hội và tìm cách sản xuất ra những hóa chất khan hiếm dùng cho sản xuất cao su. Vì hàm lượng oxit kẽm (ZnO) sử dụng trong cao su đến 5% nên ngành này luôn thiếu oxit kẽm trầm trọng.
Tôi bắt đầu nghiên cứu và dấn thân vào lĩnh vực này. Đầu tiên, tôi tiến hành sản xuất oxít kẽm bằng phương pháp gián tiếp. Bước đầu cũng khá khó khăn chật vật vì không đạt như mong muốn. Nhưng rồi, sau thời gian kiên trì và không mệt mỏi, tôi đã thành công trong công tác pha chế. Cơ sở oxit kẽm Đại Phát cũng ra đời từ đó (năm 1980), với vốn đầu tư ban đầu rất khiêm tốn, tầm 200 đồng (khoảng 2 chỉ vàng) cùng 2 công nhân sản xuất. Mặt bằng là bãi đất hoang do một chủ cơ sở cao su cho mượn. Mỗi ngày chúng tôi chỉ sản xuất được khoảng 50 Kg ZnO đủ dùng cho các cơ sở cao su mà tôi hợp tác.
Vì sử dụng phế liệu (kẽm máng xối cũ nhưng hàm lượng kẽm hơn 95%, mua của ve chai với giá là 3 đồng mỗi kg) để sản xuất nguyên liệu nên cơ sở được miễn thuế 100%. Oxit kẽm được các cơ sở mua với giá là 60 đồng mỗi kg mà phải ứng tiền 100% trước một tuần.
Lúc đó, tôi cũng tận dụng sulfat natri thu hồi (giảm thiểu ô nhiễm) bán lại cho các cơ sở sản xuất xà phòng nên gần đủ tiền mua soda ash và acid sulfuric. Nhờ đó, mỗi ngày sau khi trả lương 2 công nhân 60 đồng (lương gấp 15 lần lương của kỹ sư khởi điểm) và tiền điện (thắp sáng và bơm nước), tôi lãi được 2.800 đồng một ngày (tương đương 13 chỉ vàng, khoảng 42,9 triệu đồng). Giai đoạn này, tôi kiếm được khá nhiều tiền, nhưng vẫn luôn sống bình dị, tích lũy tiền để nuôi hy vọng “đóng thuyền to, chờ ngày ra biển lớn".
Nhớ lại những năm 1980 này, trên cương vị Bí thư Thành Ủy, ông Võ Văn Kiệt rất quan tâm "tháo gỡ khó khăn để phát triển sản xuất". Ông ủy nhiệm cho các Phó chủ tịch quận mỗi tháng phải họp các nhà doanh nghiệp một lần để nắm bắt khó khăn và tìm cách giải quyết. Ông còn chỉ đạo các quận đề bạt các doanh nhân thành đạt đến tiếp xúc để thành phố lắng nghe ý kiến trong các buổi họp, hội thảo.
Tôi là người khá may mắn khi được ba quận đề bạt nên tạo ra sự chú ý đặc biệt. Trong một buổi hội thảo do ông Kiệt chủ trì (năm 1981) về đề tài "Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất", đại biểu các quận đều kêu ca thiếu nguyên liệu cho sản xuất thì bất ngờ lãnh đạo thành phố nêu lên một gương tốt đó là ngành cao su trong quận 11 đã biết khắc phục tình trạng này và trong năm 1980 đã đạt trên 70% giá trị tổng sản lượng cuả ngành cao su toàn quốc.
Đồng thời, tôi cũng được mời phát biểu vì đã giúp cho nhiều cơ sở cao su trong quận 11 vượt khó. Tôi đề xuất Nhà nước cho gia công hoặc cho sản xuất nguyên liệu khan hiếm từ những hóa chất còn tồn kho nhiều. Đề xuất này được hưởng ứng mạnh và ông cũng chỉ đạo thành phố thưởng cho sáng kiến của tôi đồng thời miễn thuế cho các nguyên liệu sản xuất trong nước thay thế cho nguyên liệu ngoại nhập. Ra về, trong lòng tôi rất hân hoan vì thấy con đường khởi nghiệp từ đây rộng mở.
Tôi bắt đầu tìm nguồn cung kẽm phế liệu và kẽm thỏi, vì biết rằng ngành cao su Việt Nam đang thiếu trầm trọng oxit kẽm. Đồng thời, tôi cũng nghiên cứu sản xuất ZnO bằng phương pháp trực tiếp, có năng suất rất cao mới đáp ứng đủ nhu cầu.
Bài toán đơn giản được tôi áp dụng cho thấy 65g kẽm cho ra 81g ZnO. Ôxi thì tôi lấy từ khí trời (nên không tốn kém), chỉ tốn tiền cho than đá để đốt và điện. Thời đó, kẽm thỏi giá 18 đồng một kg. Ngoài ra, tôi còn phát hiện ra một nguồn cung kẽm máng xối cũ rất lớn do xà lan mang từ các tỉnh miền Tây lên. Mỗi ngày có thể có 50-70 tấn với giá 2-2,5 đồng một kg.
Kinh nghiệm khởi nghiệp không chỉ là kỹ thuật, công nghệ mà còn bao gồm: cách sử dụng vốn, lường trước sự biến động thị trường.
Lúc này, các xí nghiệp cao su quốc doanh cũng bắt đầu thiếu ZnO trầm trọng. Đầu ra thì bao la, nguồn nguyên liệu quá dồi dào nhưng sản xuất còn khá hạn hẹp. Vậy phải làm sao để giải quyết bài toán là câu chuyện khó với tôi lúc này.
Thời điểm đó (trước năm 1986), mỗi tư nhân chỉ được phép mở một cơ sở sản xuất hoặc đứng tên trong một tổ sản xuất hay một hợp tác xã sản xuất. Thủ tục xin giấy phép kinh doanh thì rất nhiêu khê và mất 3-6 tháng. Sau nhiều đêm trăn trở, tôi quyết định hiến kế cho thành phố là dựa vào chủ trương "3 lợi ích" của Nhà nước và xin thành lập cơ sở đời sống cho phường, quận.
Rất may mắn cho tôi, lãnh đạo thành phố đã thông qua. Thế là tổ sản xuất đời sống oxit kẽm của phường 7, quận 8 ra đời với công suất ban đầu 300 kg mỗi ngày. Trong đó, mặt bằng là do phường 7 cho mượn, còn tôi bỏ vốn ra sản xuất và tiêu thụ ZnO. Các khoản tiền lời được chia hằng tháng.
Mỗi ngày, tôi đi vận động các cơ sở sản xuất hóa chất chuyển qua sản xuất ZnO với lời hứa sẽ đầu tư thiết bị, công nghệ, bao tiêu sản phẩm và bảo đảm cho họ có lãi. Ngoài ra, tôi còn phải bỏ vốn vào các cơ sở sản xuất nhỏ có sẵn giấy phép hoặc các xí nghiệp Nhà nước chưa chạy hết công suất, công nghệ lạc hậu để cải tiến công nghệ, mở rộng sản xuất hoặc gia công.
Lúc đó, toàn hệ thống của tôi cung ứng cho các xí nghiệp sản xuất cao su mỗi năm 1.050 tấn ZnO. Hàm lượng ZnO sản xuất ra đạt 95% (loại này chiếm khoảng 10%) và trên 98% (chiếm 90%), trong khi tiêu chuẩn quốc tế là trên 97%. Vì đây là nguyên liệu khan hiếm, nên lúc này tôi không phải bỏ vốn ra nữa mà chỉ việc thu tiền bán oxít kẽm trước.
Với hiệu suất phản ứng bằng 95%, tôi cần 822 kg Zn (khoảng 8.220 đồng) để ra 1.000 kg ZnO bán được 50.000 đồng. Kể luôn tiền nhân công, điện nước thì giá thành chưa đến 10.000 đồng cho một tấn ZnO. Tôi có lợi nhuận 40.000 đồng mỗi tấn. Trong một năm, khoản lời của hệ thống là 42 triệu đồng.
Tuy nhiên, để việc cộng tác được lâu dài, chính sách phân chia lợi nhuận của tôi là 1/3 cho các cơ sở vệ tinh, 1/3 thưởng cho công nhân viên (ngoài lương) và tôi hưởng 1/3 tổng lợi nhuận.Vậy là tôi có khoản lời 14 triệu đồng mỗi năm (vào thời điểm này, một cây vàng có giá từ 120.000 đến 150.000 đồng, tức khoản lời này tương đương gần 100 cây vàng, tầm 3,4 tỷ đồng hiện nay). Nhờ chính sách phân chia lợi nhuận với tỷ lệ cao này mà các cơ sở vệ tinh rất gắn bó với tôi, không ai có tư tưởng tách ra làm ăn riêng. Còn tôi thì cũng kiếm được một khoản tiền lời khá lớn. Tôi cũng rất tâm đắc với chiến lược” hợp lực” này, vốn đi ngược lại chiến lược cạnh tranh trong kinh tế học.
Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi khá tự hào khi đã góp sức thành lập ra nhiều doanh nghiệp như cơ sở sản xuất ô-xít kẽm Đại Phát (1980), tổ sản xuất bột màu Trường Thịnh (1985), Xí nghiệp hợp doanh bột màu Bình Quới (hợp tác với Công ty công nghệ phẩm xuất khẩu TP - 1985). Nhưng tâm đắc nhất là công ty tư doanh hóa cao su Trường Thịnh, tiền thân của công ty TNHH Cao su Trường Thịnh, là công ty Công nghiệp tư nhân đầu tiên của cả nước được thành lập năm 1989 do sự vận động thành lập của 2 vị cố Lãnh đạo Nhà nước, làm hạt nhân cho phong trào Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa trong khu vực tư nhân.
Từ những kinh nghiệm của bản thân, tôi muốn chia sẻ vài quan điểm chủ quan của cá nhân đến những người đang muốn khởi nghiệp. Trước hết, tôi lấy lại câu nói của người xưa “Vạn sự khởi đầu nan”, tức là trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, những khó khăn xảy ra sẽ dồn dập từ công nghệ, đến vốn liếng, thị trường tiêu thụ, cạnh tranh… Nếu bạn không có kinh nghiệm và quyết tâm cao rất dễ nản lòng hoặc không lường trước được những hậu quả dẫn đến sự sụp đổ ý chí khởi nghiệp.
Nhưng để có những kinh nghiệm làm nền tảng cho khởi nghiệp, bạn cần phải làm những điều dưới đây: Thứ nhất là lăn lóc trong nghề để tìm hiểu và học hỏi. Nhiều đại gia, nhất là người Hoa thường gửi con đi làm lụng cực nhọc ở các doanh nghiệp khác, có khi không cần lương, để học hỏi kinh nghiệm.
Thứ hai là đóng học phí để được trang bị kiến thức. Theo đó, bạn hãy mạnh dạn tham dự buổi diễn thuyết (có thu phí) của một số diễn giả là doanh nhân thành đạt sẽ là cách hay. Tuy nhiên, nên lưu ý là đừng vì sính ngoại mà cố nghe những điều “sáo rỗng” của một số chuyên gia nước ngoài bởi môi trường kinh tế ở nước ta khác với các nước như Anh, Nhật, Mỹ…
Ngoài ra, bạn không nên lấy vốn ra làm tiêu chí duy nhất. Bởi nếu bạn tự tin rằng có vốn lớn thì sẽ dễ lâm vào cảnh “nửa đường gãy gánh” nếu không biết sử dụng những đồng vốn này hiệu quả và phòng ngừa rủi ro với những biến động nghề nghiệp.
Bạn cũng không nên quá tự tin rằng mình đã làm trong nghề nào đó quá lâu để rồi tự mãn mà quên đi các chiến lược phòng ngừa rủi ro bất ngờ và dễ dẫn đến thất bại. Thực tế đã cho thấy, vừa qua có nhiều đại gia ngành cao su với vốn hàng chục nghìn tỷ, với kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề đã phải lún nợ vì sự suy thoái toàn cầu của ngành.
Do đó, tôi muốn nói rằng, kinh nghiệm khởi nghiệp không chỉ là kỹ thuật, công nghệ mà còn bao gồm: cách sử dụng vốn, lường trước sự biến động thị trường, cạnh tranh, phòng ngừa rủi ro nghề nghiệp.
Bản thân tôi, mặc dù đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm nhưng vẫn nhiều lần vấp ngã (như hụt vốn, thị trường suy thoái, hụt hẫng nguyên liệu...) nhưng may mắn là sau đó vẫn gượng dậy được để tiếp tục con đường khởi nghiệp. Mấu chốt chính là nhờ tôi đã lường trước được những khó khăn và rủi ro qua việc hoạch định chương trình khởi nghiệp.
ThS. Lê Tấn Lam Anh (Vnexpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.