Theo thống kê của Agribank chi nhánh tỉnh Kon Tum, đến cuối 2019 ngân hàng đã huy động vốn được hơn 5,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6 nghìn tỷ đồng so với năm 2015, tăng bình quân 10,6%/năm. Tổng dư nợ cho vay đạt hơn 13,2 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7 nghìn tỷ đồng so với năm 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm.
Trong đó, nguồn vốn tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân với 12 nghìn tỷ đồng, chiếm 90% tổng dư nợ.
Trong 5 năm (2015 - 2020), Agribank Kon Tum trở thành đơn vị có mức tăng trưởng bình quân cao nhất khu vực. Từ đó, hàng nghìn hộ dân được vay vốn phát triển kinh tế, thoát nghèo và làm giàu nhanh chóng.
Đặc biệt, thời gian vừa qua, ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi và Covid-19 khiến nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn lâm cảnh lao đao, khó mở rộng sản xuất. Thế nhưng, nhờ nguồn vốn kịp thời từ Agribank đã giúp nhiều người dân, doanh nghiệp thoát khó.
Chị Phạm Thị Tuyến (thôn 13, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy) chia sẻ: "Trước đây tôi nuôi lợn theo mô hình hữu cơ, mới đây tôi chuyển sang chăn nuôi công nghệ cao nhưng thiếu vốn, sau dịch giá lợn giống cũng cao hơn. Nhờ Agribank cho vay vốn kịp thời hơn 3 tỷ đồng nên tôi mạnh dạn đầu tư, xây dựng trang trại, áp dụng công nghệ cao. Mô hình hoàn thiện có mức đầu tư 10 tỷ đồng, xuất 3.600 con lợn/năm".
Từ những đóng góp lớn trong hoạt động an sinh xã hội, hàng năm Agribank Kon Tum đều được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. Liên tiếp trong các năm 2008-2011, Agribank Kon Tum vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích góp phần xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Tương tự, hộ bà Lưu Thị Hiền (thôn 2, xã Tân Lập) nhờ được vay vốn 200 triệu từ Agribank đã tái đàn lợn sớm, kịp xuất bán ở mức cao. "Sau dịch, nguồn giống và các chi phí khác tăng lên nên rất khó để tái đàn số lượng lớn. Nếu không nhờ ngân hàng tạo điều kiện cho vay vốn thì gia đình tôi sẽ rất khó khăn"- bà Hiền nói.
Bên cạnh "sứ mệnh" tam nông, Agribank Kon Tum còn triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi lãi suất như: Hỗ trợ các huyện nghèo, cho vay tái canh cà phê, tín dụng tiêu dùng 5.000 tỷ đồng… đã góp phần tích cực hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng "tín dụng đen" trên địa bàn.
Sẻ chia cùng người nghèo
Từ nhiều năm nay, cùng với nhiệm vụ chính là huy động và cho vay vốn, Agribank Kon Tum luôn đi đầu trong công tác an sinh xã hội, hướng tới cộng đồng, vì sự phát triển của cộng đồng. Đây là hoạt động thường niên, trở thành truyền thống, nét đẹp văn hóa doanh nghiệp của Agribank Kon Tum.
Bà Hà Thị Thanh Hòa – Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Kon Tum chia sẻ: "Thực hiện các chương trình an sinh xã hội cũng là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của đơn vị, do vậy chúng tôi luôn tăng cường giáo dục cho người lao động về ý thức đối với cộng đồng. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện tình cảm của người lao động đối với người nghèo, là hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn".
Với tinh thần đó, từ năm 2015-2019, Agribank Kon Tum đã dành trên 23 tỷ đồng từ nguồn tiết giảm chi phí tại đơn vị, sự đóng góp của người lao động, nguồn hỗ trợ từ hội sở chính cho hoạt động từ thiện, an sinh xã hội trên địa bàn. Trong đó tài trợ xây mới 1 trường học, 1 trạm y tế xã, 164 căn nhà tình nghĩa cho người nghèo, 14 căn nhà mái ấm công đoàn, tặng 100 chiếc xe đạp khuyến học, hàng nghìn suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó và các hoạt động an sinh xã hội khác.
Nói về hoạt động này, ông Lưu Duy Khanh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum nhìn nhận: "Hưởng ứng phong trào "thi đua cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bỏ bị lại phía sau" do Thủ tướng Chính phủ phát động, trong những năm qua Agribank đã tham gia rất tích cực và hiệu quả trong công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, Agribank cũng rất quan tâm các gia đình chính sách, người có công, tiếp nối truyền thống đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn".
Theo ông Khanh, Kon Tum vẫn là tỉnh nghèo, mong rằng thời gian tới Agribank Kon Tum tiếp tục hỗ trợ các công trình an sinh, giúp người nghèo, nhất là ở những khu vực vùng sâu, vùng xa vươn lên trong cuộc sống.
Chuyên mục có sự phối hợp của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo
Tin cùng chủ đề: Truyền thông về giảm nghèo năm 2020
Vui lòng nhập nội dung bình luận.