Được học nghề, nhà nông xứ Tuyên giảm nghèo

Nguyệt Tạ Thứ năm, ngày 19/11/2020 22:01 PM (GMT+7)
Năm 2020, Tuyên Quang sẽ tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập và góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế. Quan trọng hơn, dạy nghề, tạo việc làm được tỉnh xác định là kênh để giảm nghèo bền vững.
Bình luận 0

Dạy nghề để chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp

Tuyên Quang là tỉnh thuần nông, kinh tế sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Lao động nông thôn chiếm khoảng 80% lực lượng lao động. Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Tuyên Quang đã giúp thay đổi nhận thức về học nghề, việc làm, nâng cao tay nghề cho người lao động, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Được học nghề, nhà nông xứ Tuyên giảm nghèo - Ảnh 1.

Lớp học nghề chăn nuôi gia cầm ở huyện Yên Sơn (Tuyên Quang). Ảnh: T.N

Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho trên 30.000 lao động, bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho trên 6.000 lao động. 

Xã Phúc Ninh (Yên Sơn, Tuyên Quang) là một trong những xã đi đầu trong công tác vận động người dân tham gia học nghề. Nhờ học nghề, nhiều nông dân nơi đây đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành được những vùng chuyên canh cây ăn quả lớn, cho thu nhập cả trăm triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Tiến Thành (ở thôn Khuôn Thống) là một hộ dân làm giàu nhờ cây ăn quả. Năm 2018, ông Thành được tham gia một lớp dạy nghề trồng cây có múi do Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Tuyên Quang phối hợp Hội ND xã tổ chức. Chỉ sau 3 tháng học nghề, từ chỗ làm nghề theo kinh nghiệm, ông Thành trở thành nông dân sản xuất theo quy trình hiện đại.

"Không ngờ lớp học lại tác động mạnh tới kỹ thuật canh tác của tôi như vậy. Trước đây tôi chỉ canh tác theo kiểu truyền thống, giờ thì biết áp dụng lối canh tác hiện đại như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, xây dựng hệ thống tưới nước nhỏ giọt, cách bảo quản quả sau thu hoạch, marketing cho sản phẩm..."- ông Thành nói.

Sau học nghề ông còn được trung tâm giới thiệu, kết nối hỗ trợ vay vốn, chắp nối với đơn vị bao tiêu sản phẩm. Hiện ông ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với một doanh nghiệp cung cấp trái cây ở Hà Nội. Kết quả mỗi năm 6ha bưởi, cam của ông cho doanh thu hơn 700 triệu đồng, lãi từ 300-400 triệu đồng.

Là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác dạy nghề cho nông dân, thời gian qua Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh đã dạy nghề cho hàng nghìn lao động. 

Việc đào tạo nghề được các thầy cô thực hiện theo phương châm "cầm tay chỉ việc", giúp các học viên dễ hiểu, dễ áp dụng kiến thức vào thực tế, nhất là đối với lao động là người dân tộc thiểu số.

Theo báo cáo của Hội ND tỉnh, trong 6 năm (2013- 2019), các cấp Hội đã phối hợp mở 85 lớp tuyên truyền về Đề án 1956 cho 4.220 hội viên, nông dân với nhiều hình thức như: Tư vấn miệng tại chỗ; thông qua các buổi đào tạo nghề; tuyên truyền trên báo đài...

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid -19 nên hoạt động dạy nghề chịu nhiều tác động, việc khai giảng, cũng như triển khai dạy nghề thường xuyên bị trì hoãn. 

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức được 15 lớp đào tạo nghề cho hơn 500 học viên; từ giờ tới cuối năm sẽ bế giảng thêm 5 lớp. Các lớp đào tạo nghề chủ yếu dạy nghề nông nghiệp. 80-85% số người học nghề sau khi tốt nghiệp đã duy trì nghề cũ nhưng thu nhập cao hơn từ 1- 2 triệu đồng/tháng.

Tăng vốn vay, kết nối

Để hỗ trợ bà con nông dân có vốn vay làm nghề, Hội ND tỉnh nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH giải ngân 616,4 tỷ đồng cho 18.891 hộ hội viên, nông dân thông qua 617 tổ tiết kiệm vay vốn. Nhận ủy thác với Ngân hàng NNPTNT giải ngân 1.092 tỷ đồng cho 17.171 hội viên, nông dân thông qua 741 tổ vay vốn; giải ngân 18,16 tỷ đồng Quỹ Hỗ trợ nông dân cho 619 hộ hội viên, nông dân vay vốn.

Bà Nguyễn Thị Vĩnh An - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân cho biết, ngoài đào tạo, trung tâm còn phối hợp Hội ND các huyện, thành phố, cơ sở Hội và các đoàn thể mở các hội nghị lồng ghép tuyên truyền đào tạo nghề với lắp đặt hầm biogas, xây dựng công trình vệ sinh và hệ thống chuồng trại chăn nuôi...

"Hiện tại, một số nghề được bà con đăng ký học đông là nghề sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật làm chổi chít, chăn nuôi gia súc, gia cầm, chăn nuôi cá, trồng cây ăn quả, trồng nấm..." - bà An cho hay.

Với những nghề này, chỉ cần đào tạo từ 1-3 tháng là bà con sẽ nắm bắt được những kỹ thuật mới áp dụng vào thay đổi phương thức sản xuất.

Bà An cho biết, không chỉ hỗ trợ đào tạo nghề cho bà con nông dân, thời gian qua Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức trên 60.000 buổi tư vấn, hướng dẫn, cung cấp thông tin thị trường, giá cả, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; phối hợp xây dựng trên 1.000 mô hình kinh tế hợp tác về sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản thông qua việc tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia HTX nông, lâm nghiệp, dịch vụ, tổ hợp tác, hoạt động liên kết..

Hội ND tỉnh đã hỗ trợ hội viên nông dân vay 1,9 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để giải quyết việc làm sau đào tạo.

Chuyên mục có sự phối hợp của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem