"Chiếc áo tối màu" của doanh nghiệp dệt may những tháng cuối năm
"Chiếc áo tối màu" của doanh nghiệp dệt may những tháng cuối năm
Quốc Hải
Thứ năm, ngày 03/08/2023 15:21 PM (GMT+7)
Bên cạnh tình trạng đói đơn hàng, các doanh nghiệp dệt may đang bị thu hẹp lợi nhuận do đơn giá giảm sâu. Tuy nhiên, để duy trì sản xuất, giữ chân người lao động chờ phục hồi, các DN vẫn phải chấp nhận lợi nhuận giảm, thậm chí hòa vốn.
Các doanh nghiệp dệt may đang may "chiếc áo tối màu"
Kết thúc quý II/2023, nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may đang niêm yết trên sàn chứng khoán đều báo kết quả kinh doanh không mấy tích cực.
Tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex; UPCoM: VGT), trong quý II, đơn vị này ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 3.910 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán giảm 200 tỷ đồng, đạt 3.706 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp chỉ còn 203 tỷ đồng, giảm 72% so với cùng kỳ năm 2022.
Ở kỳ này, chi phí tài chính được cắt giảm 19%, về mức 116 tỷ đồng nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng lên 28%, lên tới 188 tỷ đồng, điều này khiến lợi nhuận sau thuế của VGT chỉ còn 22 tỷ đồng, giảm 96% so với cùng kỳ năm trước.
Giải trình về nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh giảm sút nghiêm trọng, VGT cho hay, các công ty con tiếp tục phải đối mặt với việc thiếu hụt đơn hàng cả về số lượng và đơn giá do nhu cầu thấp. Hơn nữa, DN vẫn cố gắng đảm bảo mức lương cho người lao động đã làm ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận hợp nhất của tập đoàn.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Vinatex quay về mức 8.119 tỷ đồng, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 115 tỷ đồng, chỉ bằng 13% so với cùng kỳ.
Về tài chính, Vinatex đang có tổng cộng tài sản là 19.125 tỷ đồng, giảm 5% so với số đầu năm. Nợ phải trả còn 9.979 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu quý I/2023.
Không khấm khá hơn so với Vinatex, tại Công ty CP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm.
Cụ thể, kết thúc quý II/2023, doanh thu thuần của TCM ghi nhận ở mức 714 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp giảm 45%, đạt 95 tỷ đồng. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế trong quý của TCM chỉ đạt hơn 2 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (hơn 55 tỷ đồng).
Lý giải về nguyên nhân kết quả kinh doanh ảm đạm, TCM cho biết do lạm phát cao tại Mỹ và EU khiến nhu cầu tiêu dùng may mặc sụt giảm, thiếu đơn hàng trầm trọng...
Lũy kế 6 tháng đầu năm, TCM ghi nhận doanh thu đạt 1.590 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế giảm 56%, chỉ còn hơn 56 tỷ đồng.
Về tình hình tài chính, tổng tài sản của TCM là 3.348 tỷ đồng, giảm 4% so với cuối năm 2022. Nợ ngắn hạn và dài hạn lần lượt ở mức 1.278 tỷ đồng và 136 tỷ đồng.
Các "ông lớn" ngành dệt may như Vinatex, Dệt may Thành Công… còn gặp khó khăn về đơn hàng, các DN nhỏ càng khó khăn hơn.
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) ước tính kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đến hết tháng 7/2023 sẽ đạt khoảng 22,7 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022.
Mặc dù kim ngạch giảm, nhưng từ tháng 7/2023, tình hình đang được cải thiện, đà giảm đang từ 17% trong 6 tháng đầu năm đã thu hẹp lại còn 14% trong 7 tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, VITAS cũng đánh giá tình hình sản xuất, xuất khẩu sẽ cải thiện dần nhưng khó khăn sẽ còn kéo dài đến hết năm 2023, thậm chí có thể kéo dài sang quý I/2024.
Thực tế là đến thời điểm hiện nay, một số DN vẫn chưa đủ đơn hàng cho hai quý còn lại của năm 2023.
Vẫn chưa thấy "gam màu sáng"
Theo dự báo của các chuyên gia, DN trong ngành, những tháng cuối năm 2023, bức tranh ngành dệt may vẫn chưa thể "có "gam màu sáng". Chưa kể, những đòi hỏi khắt khe đến từ các khách hàng như giảm giá, đơn hàng manh mún, thời gian giao hàng nhanh, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế… cũng khiến các DN dệt may phải nỗ lực tìm cách khắc phục.
Đặc biệt, dự phóng của một số công ty chứng khoán, trong các tháng còn lại của năm 2023, thị trường dệt may vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn với sự thiếu hụt mạnh về đơn hàng và chi phí đầu vào tăng vọt. Hơn thế nữa là các thị trường xuất khẩu chính vẫn chưa phục hồi khi tổng cầu dệt may thế giới được dự báo đạt khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022, thấp hơn cả năm 2020 khi xảy ra dịch Covid 19.
Ông Phạm Quang Anh, CEO Công ty CP Quốc tế Dony (Công ty may mặc Dony) cho hay, hiện tại đơn hàng của Dony cũng đang nhiều, nhưng không phải nhiều so với mọi năm mà chỉ nhiều hơn so với hồi đầu năm.
"Do giai đoạn từ cuối năm ngoái đơn hàng của Dony rất ít nên chúng tôi phải giảm một lượng nhân sự. Bây giờ đơn hàng nhiều hơn giai đoạn đó nhưng do DN cũng sợ tình trạng đơn hàng về lâu dài không bền vững nên chưa dám tuyển thêm nhân sự mà chỉ tạm thời tăng ca", ông Quang Anh, bộc bạch.
Cũng theo ông Quang Anh, nếu như đơn hàng tiếp tục ổn định trong một vài tháng tới, công việc cứ liên tục, liên tục thì chắc chắn Dony sẽ phải tuyển thêm nhân sự. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm nhiều năm trong ngành may mặc, CEO Dony đánh giá việc tăng ca chắc chỉ kéo dài một vài tháng, cộng thêm tình hình đơn hàng hiện nay không quá rõ ràng nên DN cũng chưa dám tuyển thêm lao động.
"Một vấn đề chúng tôi đánh giá rất quan trọng, là từ đầu năm đến nay có thể thấy rõ các đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ giảm sút rất nhiều. Phía đơn hàng xuất khẩu đi châu Âu, Trung Đông thì vẫn ổn, thậm chí còn tăng nhưng hàng đi Mỹ thì sụt giảm rất mạnh. Tôi có kế hoạch đi Mỹ để xúc tiến đơn hàng với nhóm khách hàng ở đây, đã xin visa từ nhiều tháng nay nhưng có lẽ sẽ phải hoãn kế hoạch khi thị trường Mỹ hiện có vẻ quá ảm đạm, khả năng thành công cũng không cao. Thay vào đó tôi sẽ chuyển sang khai thác thị trường khu vực Đông Nam Á", ông Quang Anh chia sẻ.
Ngoài ra, đánh giá thêm về thị trường nội địa, CEO Dony cho rằng, các ngành hiện hoạt động khá ổn, từ dịch vụ ăn uống, du lịch, giáo dục… các công ty hoạt động sản xuất cơ bản là không biến động quá nhiều.
"Ở các ngành sản xuất, khách hàng họ đặt lượng áo tuy có giảm so với trước đây vì có thể lượng nhân sự giảm. Tuy nhiên, ở phía các công ty xây dựng thì hầu như không còn đơn đặt hàng, hoặc có đặt hàng thì chây ì trả nợ. Thậm chí, có đơn hàng chúng tôi phải nhờ pháp lý can thiệp để thu hồi một số công nợ xấu", ông Quang Anh nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.