|
Ông Đặng Trung Nghĩa và chiếc chăn dù kỷ niệm. |
Dù có nhiều loại, dù pháo sáng, dù cứu hộ, dù của lính… Những năm 1960 - 1970, chiến trường Quảng Trị như một chiếc túi hứng chịu bom đạn của giặc Mỹ. Đêm đêm đèn dù, pháo sáng của địch soi rõ từng gốc cây ngọn cỏ để dẫn đường, chỉ điểm cho máy bay ném bom. Hàng vạn chiếc dù pháo sáng phơi trắng núi rừng.
Còn sân bay Tà Cơn ngoài dù pháo sáng còn vô vàn những chiếc dù hoa thả đồ tiếp viện của địch, cái nọ chồng lấp lên cái kia; có chỗ thành một lớp dày đi lên thấy bập bùng êm nhẹ dưới chân. "Tôi có một tấm chăn được làm từ vải dù hoa" - ông Nguyễn Trung Nghĩa - nguyên chiến sĩ liên lạc thuộc Tiểu đoàn 33 đặc công, từng tham gia chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị kể.
Chiếc chăn dù đó là quà tặng của các o du kích Cam Lộ may tặng đồng chí Phạm Hồng Chương - chính trị viên phó tiểu đoàn. Và ông được đồng chí Chương ưu ái nhường cho. Chiếc chăn nhỏ, nhẹ, bền và rất ấm. Nó giúp ông cùng đồng đội vượt qua những ngày giá rét và chứng kiến những trận đánh lớn của đơn vị: Làng Vây, Động Tiên, Ái Tử, Mai Lộc, Khe Đon… tiêu diệt hàng nghìn tên Mỹ - ngụy.
Ông Nghĩa chia sẻ: "Sau 43 năm, chiếc chăn dù tuy không còn dùng để đắp, song tôi vẫn nâng niu như một vật báu của đời người, nhắc tôi nhớ những kỷ niệm một thời máu lửa Quảng Trị".
Ngoài chiếc chăn dù, bản thân ông còn lưu giữ nhiều bài viết về một số trận đánh lớn của Tiểu đoàn 33 Đặc công được đăng trên báo Tiền Tuyến quân giải phóng bắc Quảng Trị trong những năm 1969- 1970; trong đó có bài viết về trận Khe Đon do đồng chí Phạm Hồng Thanh chỉ huy, đặc biệt là bài thơ "Đón Bác về trong hy vọng" được đăng trên báo Tiền Tuyến và in trong tập thơ bỏ túi "Theo chân Bác" của Mặt trận đường 9 phát cho từng chiến sĩ.
Hà Thu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.