Chiếc cổng nhà 90 năm tuổi "gồng mình" tồn tại giữa trung tâm Hà Nội

Quang Sáng Thứ bảy, ngày 19/08/2023 13:31 PM (GMT+7)
Cổng nhà cụ Lý Khoai (phường Mai Động, quận Hoàng Mai) được xây dựng từ năm 1933. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử dân tộc, đến nay, chiếc cổng gần như còn nguyên vẹn.
Bình luận 0

Ngôi nhà của cụ Lý Khoai nằm yên bình bên trong con ngách nhỏ thuộc phố Minh Khai, phường Mai Động (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Điểm nổi bật của căn nhà chính là chiếc cổng được xây dựng từ năm 1933, đến nay đã 90 trôi qua, nhưng chiếc cổng này vẫn được con cháu gìn giữ gần như nguyên bản.

Căn nhà rộng với diện tích lên đến 500m2, xưa kia ngôi nhà có 15 gian được chia thành 5 phần riêng biệt; gian nhà thờ, gian phòng khách, gian bếp và công trình phụ.

Cụ Nguyễn Văn Vạn, tên thường gọi là cụ Lý Khoai. Sinh năm 1903, xưa kia cụ Lý Khoai là một người đầy tâm huyết với làng Mai Động. Cụ là người hiền lành, thẳng thắn và luôn được người dân trong làng Mai Động kính trọng.

Chiếc cổng nhà 90 năm tuổi "gồng mình" tồn tại giữa trung tâm Hà Nội - Ảnh 1.

Cổng nhà cụ Lý Khoai nằm sâu trong ngách nhỏ của phố Minh Khai (Hoàng Mai, Hà Nội).

Chiếc cổng nhà 90 năm tuổi "gồng mình" tồn tại giữa trung tâm Hà Nội - Ảnh 2.

Chiếc cổng được xây dựng từ năm 1933, đến nay đã tồn tại được 90 năm.

Về hình dáng và kiến trúc, ngôi nhà của cụ Lý Khoai đã có những thay đổi đáng kể. Sự thay đổi của ngôi nhà không chỉ xuất phát từ cá nhân những người thân trong gia đình còn từ hiện thực cuộc sống và xu hướng của thời đại mới.

Chiếc cổng cổ đã tạo nên một dấu ấn và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong kiến trúc của nhà xưa. Chiếc cổng này vẫn mang trong mình vẻ đẹp hoài cổ và sự ấn tượng sâu nặng với những người qua đường.

Theo gia chủ tiết lộ, chiếc cổng được xây dựng vào năm 1933, có chiều cao khoảng 2 mét và rộng hơn 1 mét. Cánh cổng xưa kia được làm bằng gỗ thông sau này phải tu sửa và thay thế bằng cổng sắt.

Chiếc cổng nhà 90 năm tuổi "gồng mình" tồn tại giữa trung tâm Hà Nội - Ảnh 4.

Bức hoành phi, một trong những hiện vật còn sót lại bên trong căn nhà của cụ Lý Khoai.

Chiếc cổng nhà 90 năm tuổi "gồng mình" tồn tại giữa trung tâm Hà Nội - Ảnh 5.

Bức ảnh chân dung của cụ Lý Khoai mà con cháu còn gìn giữ được cho đến nay.

Khoang cổng cũng được nâng cao hơn 15 cm so với trước kia để phù hợp và thuận tiện hơn  cho mọi người di chuyển. Phía trên mái cổng được trang trí bằng ba chữ hán đồng nhất tuy đã phai mờ dần theo thời gian nhưng vẫn thể hiện nét đẹp tinh tế và tỉ mỉ.

Ông Nguyễn Quốc Thiều là cháu nội của cụ Lý Khoai, hiện là người thừa kế, sinh sống trong ngôi nhà. Ông Thiều đã dành nhiều tâm huyết để bảo tồn và tu sửa các chi tiết trên cổng.

Ông Thiều chia sẻ: "Những kiến trúc, hiện vật từ xưa luôn được tôi gìn giữ và bảo tồn, tôi luôn dặn dò con cháu trong gia đình gìn giữ những gì mà các cụ còn để lại, cái cổng là bất di bất dịch không ai được chạm đến cũng như bức phù điêu được khắc trên tường, gian thờ đồ thờ của các cụ".

Những dấu tích của thời xa xưa vẫn còn đọng lại trên tường, trong từng góc nhỏ của ngôi nhà. Bức phù điêu được khắc trên tường còn là một bảo vật quý giá. Được tạo ra bằng sứ, bức phù điêu đối diện với gian thờ ở giữa căn nhà tạo nên trục đối xứng phong thủy.

Chiếc cổng nhà 90 năm tuổi "gồng mình" tồn tại giữa trung tâm Hà Nội - Ảnh 6.

Những dấu tích xa xưa vẫn còn xót lại bên trong căn nhà của cụ Lý Khoai.

Căn nhà của cụ Lý Khoai xưa kia giờ đã có nhiều thay đổi, hiện chỉ còn lại một gian nhà giữa là còn nguyên bản vì đây là gian nhà nơi đặt bàn thờ gia tiên. Bên cạnh đó, một vài hiện vật như đồ thờ, bức hoành phi và 4 câu đối là vẫn còn nguyên bản.

"Sự tồn tại và giữ gìn này không chỉ là việc riêng của gia đình mà còn là một phần của lịch sử người dân làng Mai Động xưa. Những nỗ lực này đã giữ cho ngôi nhà cổ trở thành một biểu tượng văn hóa, một phần ký ức và tinh thần của người dân làng Mai Động", ông Thiều bày tỏ.

Do còn giữ nguyên được kiến trúc cũ và không thay đổi, rất nhiều người dân trong làng kể cả khách vãng lai đi qua đều dừng lại quan sát và chụp hình làm lưu niệm. Nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ vì rất ít nơi có và còn giữ lại được những kiến trúc cổ kính giữa lòng đô thị.

"Hiện nay ở trung tâm Hà Nội những chiếc cổng cổ như thế này còn rất ít, ngay cả những vùng nông thôn ngoại thành thuộc địa bàn Hà Tây cũ cũng không còn nhiều. Cũng bởi vậy mà gia đình nhà nào còn lưu giữ lại được những chiếc cổng cổ là vô cùng quý hiếm, nó không chỉ nét đẹp mà còn là giá trị của lịch sử, văn hóa nông thôn xưa", ông Thiều chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem