Ông Lê Vĩnh Quán, cán bộ ngoại vụ, được cử phụ trách công tác tiếp đón, phục vụ Chủ tịch Fidel Castro cùng đoàn đến Quảng Bình năm 1973. Ảnh: Văn Được
Trong trí nhớ của ông Lê Vĩnh Quán (76 tuổi, ở thôn Giao Tế, xã Đức Ninh, TP.Đồng Hới, Quảng Bình), những ấn tượng sâu đậm về Chủ tịch Fidel Castro trong chuyến thăm Quảng Bình vẫn còn như mới.
Chuyến thăm chiến trường Bình Trị Thiên vào tháng 9.1973, ông Quán là cán bộ ngoại vụ được tỉnh ủy tuyển chọn phụ trách công tác đón tiếp, phục vụ Chủ tịch Fidel Castro cùng đoàn đến thăm.
Chiếc giường ngoại cỡ
"Tôi được theo chân Phó chủ tỉnh Quảng Bình Lại Văn Ly ra sân bay Đồng Hới đón đoàn. Chủ tịch Fidel Castro cùng đoàn được bố trí, đưa đến An toàn khu Giao Tế để nghỉ lại qua đêm trước khi vào thăm Quảng Trị. Công tác chuẩn bị đón tiếp, phục vụ được tổ chức rất cẩn thận", ông Quán kể.
Theo ông Quán, công tác phục vụ Chủ tịch Fidel và đoàn được bố trí trong 2 ngày đêm để đề phòng thời gian chuyến thăm kéo dài. Có khoảng 20 người ở Quảng Bình cùng với trang phục đồng nhất một màu được cử đến phục vụ Chủ tịch Fidel và thành viên đoàn ngoại giao phía Cuba.
Trong thời gian Chủ tịch Fidel nghỉ lại ở Giao Tế, ngoài những cảnh vệ thân tín, đoàn còn được bảo vệ cẩn mật bởi lực lượng cảnh vệ của Nhà nước Việt Nam. Đội ngũ nhân viên phục vụ phải mang đồng phục kèm thẻ ra vào. Nhân viên phục vụ không được tiếp cận lãnh đạo Nhà nước Cuba.
Theo ông Quán, những nhà báo, phóng viên muốn chụp hình cũng được kiểm tra chặt chẽ và chỉ được phép đến gần trong một khoảng cách nhất định
Chủ tịch Fidel Castro được bố trí ở một căn phòng hiện vẫn còn được bảo tồn, lưu giữ ở Khu di tích Giao Tế thuộc xã Đức Ninh, TP.Đồng Hới. Trong căn phòng này, một chiếc giường gỗ gõ được đóng cấp tốc cùng chăn, nệm và gối để lãnh tụ cách mạng Cuba nghỉ lại. Căn phòng cũng được chuẩn bị tủ để áo quần, đồ dùng cần thiết và một bộ ghế salon, một bàn làm việc riêng.
"Ban đầu, chiếc giường gỗ được đóng dài đến khoảng 1,8m, rộng 1,6m nhưng Chủ tịch Fidel Castro quá cao lớn, nằm lên giường thừa chân nên chúng tôi phải gọi thợ mộc đến thay 2 thanh giường 2 bên, kéo dài chiếc giường ra hơn 2m. Thời đó, chiếc giường để Chủ tịch Fidel nằm là ngoại cỡ", ông Quán kể.
Chiếc giường được xem là ngoại cỡ để Chủ tịch Phidel Castro nằm nghỉ lại một đêm ở An toàn khu Giao Tế. Ảnh: Văn Được
Cùng với căn phòng riêng, một căn hầm tránh bom cũng được đào sẵn để phục vụ lãnh tụ cách mạng Cuba.
Thích ăn hơi ngọt
Việc ăn uống của Chủ tịch Fidel Castro được đầu bếp là ông Trần Bạo, một đầu bếp giỏi thuộc Ban Đối ngoại Bình Trị Thiên đứng ra phục vụ. Những món ăn được lên theo thực đơn của bác sĩ riêng người Cuba. Đầu bếp Trần Bạo nấu các món hơi ngọt theo khẩu vị của Chủ tịch Fidel.
Sau khi nghỉ lại một đêm ở An toàn khu Giao Tế, sáng 16.9.1973, Chủ tịch Fidel Castro cùng đoàn rời Đồng Hới vào thăm chiến trường Quảng Trị.
"Khoảng 6h30 sáng hôm sau, lực lượng bảo vệ tháp tùng Chủ tịch Fidel cùng đoàn rời Đồng Hới theo đường 15 để vào Quảng Trị", ông Quán kể.
Cựu cán bộ ngoại giao Quảng Bình kể hiện những người trong đội phục vụ Chủ tịch Fidel Castro phần lớn đều đã qua đời. Ngay cả những người đến gần Chủ tịch Fidel nhất như ông Lại Văn Ly, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Bình giai đoạn 1973-1976; ông Nguyễn Tư Thoan, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, cũng đã qua đời.
Căn phòng nơi Chủ tịch Fidel Castro nghỉ lại hiện vẫn được bảo tồn lưu giữ ở Khu di tích Giao Tế, TP.Đồng Hới. Ảnh: Văn Được
"Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh Chủ tịch Fidel Castro với vóc người cao lớn cùng bộ râu dài kín cằm. Sau này trực tiếp trông coi Khu di tích Giao Tế đến khi về hưu, tôi rất vinh dự vì đã từng trực tiếp tham gia phục vụ đoàn và không thể nào quên chuyến thăm đó của Chủ tịch nước Cuba", ông Quán chia sẻ với Zing.vn.
'Hãy mang lá cờ bách chiến bách thắng này cắm tại Sài Gòn'
9h40 ngày 15.9.1973, chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Fidel Castro cất cánh từ sân bay Gia Lâm bay vào Đồng Hới.
Ông Nguyễn Quang Chiêm, Phó Cục trưởng Cục Cảnh vệ, được giao nhiệm vụ bảo vệ tiếp cận Chủ tịch Fidel Castro. Buổi tối 15.9.1973, đoàn đến và ngủ tại An toàn khu Giao Tế ở TP.Đồng Hới. Sáng 16.9.1973, Chủ tịch Fidel Castro thăm thị xã Đông Hà, sau đó dự buổi gặp mặt với đại diện Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại huyện Cam Lộ.
Buổi chiều, Chủ tịch Fidel Castro thăm và dự mít tinh tại cao điểm 241 Tân Lâm. Đây là căn cứ lớn của Mỹ, đã được giải phóng từ năm 1972. Sau buổi nói chuyện, ông Trần Ngọc Vân, Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn Vinh Quang, thay mặt cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị đã tặng Chủ tịch lá cờ truyền thống của sư đoàn.
Chủ tịch đã phất cao lá cờ và nói: “Các đồng chí hãy mang lá cờ bách chiến bách thắng này cắm tại Sài Gòn”. Kết thúc chuyến thăm, Chủ tịch Fidel Castro và đoàn trở lại Đồng Hới, sau đó trở về Hà Nội an toàn.
|
Văn Được (Zing)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.