Chiến lược mới cho thời kỳ mới

Thứ hai, ngày 22/11/2010 06:41 AM (GMT+7)
(Dân Việt) – Hội nghị cấp cao mới rồi ở Lisbon (Bồ Đào Nha) được NATO coi là dấu mốc lịch sử. Sau hai ngày hội nghị, các vị đứng đầu nhà nước và chính phủ 28 nước thành viên đã thông qua chiến lược mới cho NATO, đã thống nhất quan điểm về kế hoạch rút hết quân đội Mỹ và chấm dứt hoạt động quân sự của NATO ở Afghanistan vào năm 2014 và đã trao đổi về quan hệ hợp tác giữa NATO và Nga.
Bình luận 0

Hội nghị này có ý nghĩa lịch sử đối với NATO vì chiến lược mới của NATO bao hàm cả lý do tồn tại lẫn tôn chỉ mục đích, cả định hướng chiến lược trước mắt lẫn lâu dài cho NATO trong thế kỷ 21, hay ít nhất thì cũng trong một vài thập kỷ tới.

Việc mời chào Nga tham gia vào kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa mới của NATO và được Nga nhận lời trên nguyên tắc cũng được coi là sự kiện lịch sử vì nếu được như vậy thì đó sẽ là lần đầu tiên Nga và NATO cùng hội cùng thuyền với một kế hoạch phòng thủ chung.

Những nội dung khác trong chiến lược xem ra không có gì mới mẻ cho lắm. Vẫn duy trì vũ khí hạt nhân làm công cụ răn đe và trụ cột chính của chiến lược phòng thủ; Vẫn chủ trương mở rộng liên minh để thu nạp thành viên mới và duy trì quan hệ với các đối tác khác; Vẫn tham vọng gây dựng cho mình vai trò và ảnh hưởng chính trị an ninh thế giới ở bên ngoài phạm vi lãnh thổ các nước thành viên NATO.

Điều gần như bị cố tình làm cho lu mờ ở hội nghị cấp cao này là những khó khăn về tài chính của các thành viên NATO và việc nội bộ NATO khi đi vào triển khai thực hiện cụ thể đâu có được đồng thuận và hài hòa như biểu lộ ở các hội nghị cấp cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem