Chiến sự Nga - Ukraine: Đà tăng của giá vàng có thể sớm kết thúc?
Chiến sự Nga - Ukraine: Đà tăng của giá vàng có thể sớm kết thúc?
Quang Dân
Thứ hai, ngày 28/02/2022 16:56 PM (GMT+7)
CTCP Chứng khoán VNDirect (HOSE: VND) vừa công bố báo cáo chuyên đề "Xung đột Nga - Ukraine", trong đó đánh giá đà tăng của giá vàng thường không kéo dài và sẽ quay đầu giảm trở lại khi tình hình căng thẳng hạ nhiệt.
Theo VNDirect, vàng vốn được coi là “tài sản trú ẩn an toàn” và dữ liệu lịch sử cho thấy mỗi khi các cuộc xung đột và căng thẳng địa chính trị diễn ra thì giá vàng có xu hướng tăng trong ngắn hạn.
Tuy vậy, đà tăng của giá vàng thường không kéo dài và sẽ quay đầu giảm trở lại khi tình hình căng thẳng hạ nhiệt. Thống kê lịch sử cho thấy, mỗi khi sự kiện xung đột và căng thẳng địa chính trị diễn ra thì giá vàng thường lập đỉnh trong vòng 2-3 tuần sau đó, với mức tăng bình quân khoảng 4,3%.
Sau đó, giá vàng có xu hướng quay đầu giảm khi tình hình căng thẳng hạ nhiệt. Trong khoảng thời gian 3-12 tháng, tác động của sự kiện đến giá vàng sẽ phai nhạt. Động lực khi đó của giá vàng sẽ phụ thuộc vào các số liệu kinh tế và chính sách tiền tệ nhiều hơn.
Trong bối cảnh cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể bắt đầu tăng lãi suất điều hành trong cuộc họp giữa tháng 3 tới đây thì áp lực đè lên giá vàng sẽ lớn dần. VNDirect cho rằng đà tăng ngắn hạn của giá vàng có thể sớm kết thúc và bước vào một giai đoạn điều chỉnh khi FED đẩy nhanh quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ và tăng lãi suất điều hành trong năm 2022.
Bên cạnh đó, VNDirect cho biết, thống kê lịch sử cho thấy, chứng khoán (đại diện bởi chỉ số S&P 500) có xác suất và mức độ tăng giá cao nhất trong giai đoạn 3 tháng tới 1 năm sau các cuộc xung đột và căng thẳng địa chính trị.
VNDirect cho rằng tình hình căng thẳng Nga - Ukraine có thể sớm đạt đỉnh và hạ nhiệt. Do đó, thị trường chứng khoán điều chỉnh có thể là cơ hội tốt để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu cho mục tiêu nắm giữ trung hạn trong vòng 3-12 tháng tới.
Ngoài ra, tác động trực tiếp của xung đột Nga - Ukraine đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ không lớn. Hiện giao thương giữa Việt Nam với Nga và Ukraine chỉ chiếm khoảng 0,9% tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam (chiếm 1,1% giá trị xuất khẩu và 0,8% giá trị nhập khẩu trong năm 2021, theo Tổng cục Hải quan) và hai nước trên cũng không phải là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn tại Việt Nam.
Xung đột giữa Nga - Ukraine có thể khiến áp lực lạm phát tại Việt Nam tăng lên khi “giá dầu và khí đốt” có thể neo ở mức cao. Tuy vậy, VNDirect vẫn duy trì dự báo lạm phát tại Việt Nam năm 2022 sẽ được kiểm soát ở mức 3,4% (đạt mục tiêu kiểmsoát lạm phát dưới 4% như Quốc hội đã đề ra).
Theo VNDirect, Việt Nam sẽ vẫn duy trì các chính sách hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, bao gồm gói kích thích kinh tế được thông qua hồi đầu năm và duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp. Đây sẽ là cơ sở để kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn trong thời gian tới, từ đó tạo xung lực tăng trưởng cho thị trường chứng khoán trong năm 2022.
Vào lúc 16 giờ, giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 64,70 triệu đồng/lượng (tăng 600.000 đồng/lượng so với cuối tuần qua) - bán ra 65,70 triệu đồng/lượng (tăng 100.000 đồng/lượng).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 64,85 triệu đồng/lượng (tăng 550.000 đồng/lượng) - bán ra 65,65 triệu đồng/lượng tăng 200.000 đồng/lượng)
Giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 64,95 triệu đồng/lượng (tăng 400.000 đồng/lượng) - bán ra 65,82 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đồng/lượng).
Trong khi đó, Giá vàng thế giới ngày 28/2 giao dịch quanh ngưỡng 1.897 - 1.927 USD/ounce, giá tăng rất mạnh lúc 7 giờ sáng lên 1.927 USD/ounce sau đó giảm dần, đến 16h00 xuống mức 1.897 USD/ounce.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.