Chiến sự Nga-Ukraine ngày 27/2: Giao tranh dữ dội, Ukraine chiến đấu quyết liệt cầm chân quân Nga
Chiến sự Nga-Ukraine ngày 27/2: Giao tranh dữ dội, Ukraine chiến đấu quyết liệt cầm chân quân Nga
Phương Đăng (theo Reuters/19fortyfive)
Chủ nhật, ngày 27/02/2022 09:43 AM (GMT+7)
Chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine bước sang ngày thứ 4, giao tranh trên khắp đất nước vẫn diễn ra dữ dội. Tuy nhiên, các lực lượng Nga đang phải vật lộn để đạt được các mục tiêu của họ vì vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân đội Ukraine.
Các quan chức Mỹ, Anh đã tỏ ra bất ngờ khi quân đội Ukraine kháng cự mạnh mẽ, cầm chân quân Nga. Phần lớn lực lượng Nga đang tấn công từ phía bắc, cách trung tâm thủ đô Kiev chỉ khoảng 30 km. Nhưng bước tiến của họ đã bị chậm lại trước sự kháng cự quyết liệt của người Ukraine.
"Mũi tiến công về phía Kiev, chúng tôi đánh giá là diễn ra chậm hơn so với dự đoán của người Nga. Họ đang bị kháng cự nhiều hơn họ dự đoán nhưng tôi không thể cung cấp cho bạn vị trí địa lý chính xác về nơi quân Nga đang đóng, nhưng họ đã không thể tiến vào Kiev nhanh như những gì họ dự đoán rằng họ sẽ làm được. Điều đó nói lên rằng, họ vẫn đang phải vật lộn để tiến tới Kiev”, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết.
Moscow hôm 26/2 tuyên bố rằng các lực lượng Nga đã nối lại tiến công sau khi các nỗ lực đàm phán với chính phủ Ukraine thất bại. Nhưng theo Lầu Năm Góc, các lực lượng Nga dường như không dừng các cuộc tấn công của họ vào thứ Sáu 25/2, cho thấy rằng sự tiến bộ chậm chạp của quân Nga không phải là vì họ cố ý.
Điện Kremlin và giới lãnh đạo quân đội Nga rõ ràng đã mong đợi một chiến thắng nhanh chóng.
Các cuộc giao tranh tiếp tục ở phía Đông của Kharkiv, thành phố lớn thứ 2 ở Ukraine và phía Nam, nơi các lực lượng Nga từ Crimea tuyên bố đã giành được quyền kiểm soát một số thị trấn chiến lược và đang tiến về Kiev.
Mỹ đánh giá rằng phần lớn trong số 150.000 quân Nga tập trung ở biên giới với Ukraine đã tham gia chiến dịch quân sự. Trong hai ngày đầu tiên của cuộc tấn công, chỉ một phần ba lực lượng đó (khoảng 60 nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn) đã được triển khai bên trong Ukraine.
Vào thứ Bảy 26/2, Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố rằng các đội tác chiến của Nga đang bỏ qua các trung tâm dân cư lớn của Ukraine nhưng vẫn để lực lượng phía sau bao vây và cô lập chúng. Đó là một bước đi táo bạo nhưng có thể phản tác dụng nếu các đội tác chiến không đạt được mục tiêu của họ và phải lùi lại trong các khu vực tranh chấp.
Bộ Quốc phòng Ukraine cho rằng lực lượng phòng không Ukraine đã bắn rơi 2 máy bay vận tải Ilyushin IL-76 chở lính dù Nga. IL-76 tương đương với máy bay C-17 Globemaster của Mỹ.
Quân đội Nga được cho là đã không đạt được ưu thế quan trọng trên không so với Ukraine và đã bị một số máy bay chiến đấu và phòng không Ukraine bắn rơi.
Các báo cáo về các cuộc không kích của quân đội Nga nhắm vào các mục tiêu dân sự cũng đã xuất hiện. Một tòa nhà cao tầng ở Kiev đã bị trúng tên lửa. Bộ Ngoại giao Hy Lạp đã thông báo về cái chết của 2 công dân Hy Lạp và 6 người bị thương, trong đó có một trẻ em, gần làng Sartana ở miền nam Ukraine.
Tổng thống Ukraine Zelensky đã đứng lên kêu gọi người dân chống lại quân Nga và kêu gọi những người sống ở nước ngoài trở về, bảo vệ đất nước. Ông cũng hoan nghênh các tình nguyện viên từ nước ngoài đến Ukraine chiến đấu với quân Nga và nhấn mạnh "chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn vũ khí".
Tính đến nay, hơn 120.000 người Ukraine đã phải tháo chạy khỏi đất nước trong khi 850.000 người phải di tản trong nước, theo Phó Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn. Bà cho biết có tới 4 triệu người Ukraine có thể bỏ trốn nếu tình hình tiếp tục xấu đi.
Mỹ, EU và các đồng minh phương Tây đã tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, bao gồm loại Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT).
Quyết định loại một số ngân hàng Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) nằm trong số loạt biện pháp trừng phạt tài chính bổ sung được công bố trong tuyên bố chung giữa Mỹ, Ủy ban châu Âu, Pháp, Đức, Italy, Anh và Canada.
Trong tuyên bố chung, Nhà Trắng nói rằng nhóm các cường quốc thế giới "quyết tâm tiếp tục buộc Nga phải trả giá và bị cô lập hơn nữa với hệ thống tài chính toàn cầu cũng như các nền kinh tế của chúng tôi". Nga chưa bình luận về thông tin trên.
Trước đó, Mỹ và châu Âu từng bất đồng về phương án loại một quốc gia khỏi SWIFT, gần đây nhất là vào năm 2018, khi chính quyền tổng thống Donald Trump muốn cắt quyền tiếp cận hệ thống của Iran. Cuối cùng, SWIFT đã cắt quan hệ với các ngân hàng Iran vì lo ngại vi phạm các lệnh trừng phạt chống lại nước này.
Giới chuyên gia cho rằng SWIFT đang bị đánh giá quá cao, có nguy cơ phản tác dụng khi nó buộc Nga phải dồn lực tìm ra những cách thay thế để tham gia vào nền kinh tế toàn cầu, như củng cố hơn nữa mối quan hệ với Trung Quốc hay phát triển một loại tiền kỹ thuật số riêng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.