Nga đang di chuyển các lực lượng dự bị từ khắp đất nước và tập hợp đội quân này gần Ukraine cho các hoạt động tấn công trong tương lai, tình báo quân đội Anh cảnh báo hôm thứ Bảy 9/7.
Một tỷ lệ lớn các đơn vị bộ binh mới của Nga có thể đang được triển khai với các xe bọc thép MT-LB - phương tiện vận chuyển chính của họ, Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố.
Cảnh báo của Anh được đưa ra trong bối cảnh lo ngại Nga sẽ tấn công Ukraine trên diện rộng sau khi giành được chiến thắng ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine.
Thống đốc Lugansk Serhiy Gaidai cho biết, các lực lượng vũ trang Ukraine đang nỗ lực cầm chân các mũi tiến công của Nga dọc theo toàn bộ tiền tuyến vùng Donbass.
"Ở những khu vực khó tiến công, đối phương pháo kích ồ ạt", ông Gaidai tuyên bố.
Trong khi đó, Thống đốc Donetsk Pavlo Kyrylenko cảnh báo quân đội Nga đang trong quá trình tăng viện và tái tổ chức lực lượng, vũ khí cho những đợt tiến công tiếp theo.
Tổng thống Nga Putin cảnh báo về "thảm họa" năng lượng
Trong khi ra tín hiệu rằng Điện Kremlin sẽ không thỏa hiệp, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo, việc phương Tây tiếp tục sử dụng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga có nguy cơ gây ra đợt tăng giá năng lượng "thảm khốc".
Tổng thống Putin cho rằng việc châu Âu tìm cách không phụ thuộc vào năng lượng của Nga khiến giá khí đốt tăng ở châu Âu, Hãng Reuters cho biết.
"Đúng, chúng ta biết rằng châu Âu đang cố thay thế các nguồn năng lượng của Nga. Tuy nhiên, dự đoán kết quả của những hành động như vậy là giá khí đốt trên thị trường giao ngay sẽ tăng và chi phí sử dụng năng lượng cho người tiêu dùng tăng lên", ông Putin cho biết.
"Tất cả những điều này một lần nữa cho thấy các biện pháp trừng phạt nhằm hạn chế Nga gây ra nhiều thiệt hại hơn cho những quốc gia áp đặt chúng. Việc sử dụng thêm các biện pháp trừng phạt có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn, và nói không quá lời có thể thảm khốc trên thị trường năng lượng toàn cầu", ông Putin nói thêm.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga cũng xác nhận một số ảnh hưởng do các lệnh trừng phạt tới Nga. Ông Putin cho rằng việc phương Tây tấn công vào nền kinh tế Nga dù thất bại nhưng có gây tổn hại.
Trong khi đó, Đại sứ của Nga tại London đưa ra rất ít triển vọng về việc Nga sẽ rút lui khỏi các khu vực của Ukraine hiện dưới sự kiểm soát của Moscow.
Theo đó, Đại sứ Andrei Kelin cho biết quân đội Nga sẽ đánh bại các lực lượng Ukraine trên khắp khu vực phía đông Donbas và không có khả năng rút khỏi các vùng lãnh thổ trên khắp bờ biển phía nam Ukraine.
Các đồng minh phương Tây của Ukraine trước đó đã kêu gọi Nga cho phép Kiev vận chuyển ngũ cốc ra thế giới vì cuộc chiến kéo dài 4 tháng đe dọa gây ra nạn đói cho các quốc gia xa chiến trường.
Ukraine tố Nga dùng "rồng lửa" S-300 tấn công mặt đất
Thống đốc Mikolaiv ở miền Nam Ukraine, ông Vitaly Kim cáo buộc, rằng quân đội Nga phóng 12 tên lửa phòng không S-300 gắn định vị vệ tinh vào mục tiêu mặt đất ở tỉnh này.
"Quân đội Nga đang sử dụng tên lửa phòng không tầm xa S-300 để tập kích mục tiêu mặt đất. Họ đã phóng 12 quả đạn vào tỉnh Mikolaiv. Nhưng chúng có độ chính xác thấp dù được lắp thiết bị định vị vệ tinh", ông Vitaly Kim tuyên bố trên ứng dụng nhắn tin Telegram hôm 8/7.
Bộ Quốc phòng Nga và quân đội Ukraine chưa bình luận về thông tin này nhưng một số chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy, kho tên lửa dẫn đường chính xác của Nga đang cạn kiệt. Nga được cho là đã sử dụng hơn 1.500 quả đạn các loại sau 4 tháng phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine và đang bị cắt nguồn cung nhiều thiết bị bán dẫn quan trọng.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác cho rằng, việc sử dụng S-300 để tấn công mục tiêu ở Ukraine là điều hợp lý khi mục tiêu nằm ngoài tầm bắn của pháo binh nhưng lại trong tầm tập kích của khẩu đội phòng không.
Nga và Ukraine đang sử dụng nhiều phiên bản của hệ thống phòng không tầm xa S-300 trong chiến sự, bao gồm các biến thể thuộc dòng S-300P đặt trên khung gầm bánh lốp và lá chắn tên lửa đạn đạo S-300V trên khung gầm bánh xích.
Năng lực tấn công mục tiêu mặt đất của hệ thống phòng không S-300 ít được phương Tây đề cập, nhưng đã được truyền thông Belarus tiết lộ từ nhiều năm trước.
"Các nhà phát triển đã tích hợp khả năng tấn công mục tiêu cố định trên mặt đất vào thiết kế tên lửa S-300 được biên chế từ năm 1979, cũng như những biến thể sau này. Hệ thống S-300 Belarus lần đầu diệt mục tiêu mặt đất từ khoảng cách hàng chục km trong đợt diễn tập năm 2011", trang tin Naviny cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.