Chiến sự Ukraine: Giai đoạn mở màn chiến dịch Ukraine của Nga đổ bể hoàn toàn vì cuộc tấn công này.
Phân tích chiến sự Ukraine: Cuộc tấn công vội vàng làm đổ bể toàn bộ giai đoạn mở màn chiến dịch Ukraine của Nga
Phương Dung (theo Bellingham Herald)
Thứ ba, ngày 12/04/2022 10:50 AM (GMT+7)
Nga thất bại trong việc giành được quyền kiểm soát Kiev, dẫn đến thất bại trong giai đoạn mở màn chiến dịch Ukraine và phải thay đổi chiến lược, là do cuộc tấn công vội vàng vào sân bay Antonov, theo các chuyên gia và các nhà phân tích.
Theo Bellingham Herald, vài ngày sau khi các lực lượng Nga rút khỏi Kiev, vùng ngoại ô phía bắc thủ đô Ukraine ngổn ngang xác của những chiếc xe tăng, xe bọc thép chở quân và các thiết bị khác quân sự bị nổ tung và bị bỏ rơi.
Những mảnh vỡ này được cho là một minh chứng rõ ràng cho sự thất bại của Moscow trong giai đoạn mở màn chiến dịch Ukraine, khi các lực lượng Nga không thể giành được chiến thắng chớp nhoáng ở Kiev để giành quyền kiểm soát thủ đô Ukraine.
Các nhà phân tích và các chuyên gia cho rằng, Nga không giành được quyền kiểm soát thủ đô Kiev xuất phát từ một loạt các đánh giá sai lầm và sai sót chiến lược, bao gồm, quá dựa vào các đoàn thiết giáp khổng lồ dễ bị tổn thương; khai thác không đầy đủ sức mạnh không quân; một kế hoạch tấn công kéo dài quá mức; các tuyến tiếp tế yếu kém và - đáng kể nhất - một tính toán sai lầm rõ rằng khả năng và quyết tâm phản kháng của quân đội Ukraine.
Nhưng các chuyên gia cho rằng có một điểm, hơn bất cứ điểm nào khác, đã trở thành "gót chân Asin" khiến Nga thất bại cả giai đoạn mở màn chiến dịch Ukraine: Đó là sân bay Antonov.
Sân bay chở hàng và căn cứ quân sự rộng lớn cách trung tâm thành phố Kiev khoảng 25km về phía tây bắc đã được Nga nhắm làm bãi tập kết chính và trung tâm hậu cần cho một cuộc tấn công quyết định của Nga vào trung tâm thủ đô Kiev.
Theo các nhà phân tích, Nga dường như đã nghĩ rằng, họ sẽ chiếm được sân bay Antonov dễ dàng, rồi tiến thẳng vào trung tâm Kiev, lật đổ chính quyền Ukraine đương nhiệm và thay thế Tổng thống Volodymyr Zelensky bằng một nhà lãnh đạo khác thân Nga. Giới lãnh đạo quân sự Nga được cho là đã nghĩ rằng, sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Kiev sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn sâu sắc trong các đơn vị Ukraine chiến đấu ở miền đông và miền nam, dẫn đến một sự đầu hàng rộng rãi.
John Spencer, một thiếu tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu, hiện đang chủ trì các nghiên cứu về chiến tranh đô thị tại Diễn đàn Chính sách Madison ở New York bình luận: "Họ (Nga) cần tiến vào trung tâm Kiev càng nhanh càng tốt và giương cao lá cờ Nga trên tòa nhà chính phủ. Tại thời điểm đó, bạn sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến".
Ông Spencer nói việc chiếm được sân bay là "tối quan trọng" đối với một chiến lược như vậy của Nga. Antonov có đường băng dài, lý tưởng để bay tiếp liệu và chở quân trên các máy bay vận tải hạng nặng. "Bạn cần các sân bay để chuyển lực lượng, đưa xe tăng, kỹ sư, áo giáp cần thiết vào", ông Spencer nói.
Không giống như Mỹ trong cuộc tấn công vào Baghdad năm 2003, Nga đã tiến hành cuộc tấn công mặt đất ngay lập tức mà không cần đợi vô hiệu hóa các căn cứ quân sự, cấu trúc chỉ huy và kiểm soát cũng như các địa điểm chiến lược khác từ trên không.
Cuộc tấn công đã "không gây ra sốc và sợ hãi". Quyết định đó đã khiến nhiều chuyên gia bối rối. Dmitry Gorenburg, nhà phân tích của CNA, một tổ chức tư vấn ở Arlington, Virginia, bình luận: "Tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng Nga sẽ thực hiện các cuộc không kích, tấn công tên lửa chính xác trong vài ngày kiểu như vậy - Nhưng mọi thứ lại nhẹ nhàng hơn. Sau đó họ đã tiến hành một chiến dịch trên mặt đất chứ không phải đợi vài ngày. Tôi không rõ tại sao họ lại vội vàng như vậy", ông Gorenburg nói.
Nga đã tiêu tốn tương đối nhiều sức mạnh không quân trong cuộc tấn công vào sân bay Antonov. Vào sáng ngày 24/2 - ngày đầu tiên trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine của Nga - máy bay trực thăng tấn công Mi-8 bay thấp của Nga đã xuất hiện trên sân bay và bắt đầu bắn rocket.
Những làn khói bốc lên từ sân bay. Những người lính dù Nga đáp xuống bằng trực thăng đã sớm chuyển hướng giao thông dân sự bên ngoài cổng sân bay. Nhìn chung, nỗ lực giành lấy căn cứ không quân Antonov ngay từ đầu cuộc chiến mang ất nhiều ý nghĩa, giúp củng cố thế gọng kìm tiềm năng ở thủ đô Ukraine với các đoàn xe cơ giới của Nga ở gần đó.
Jonathan Eyal, Phó Giám đốc của Royal United Services Institute, một tổ chức tư vấn ở London, cho biết một khi sân bay Antonov được kiểm soát, Nga "có thể bắt đầu đổ thêm nhiều binh sĩ khác và bắt đầu bố trí các trạm kiểm soát ở giữa Kiev".
Một ngày sau cuộc tấn công ban đầu vào sân bay Antonov, Thiếu tướng Igor Konashenkov, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga thông báo rằng Moscow đã triển khai 200 máy bay trực thăng đến kiểm soát sân bay.
Trên thực tế, các nhà chức trách ở đây cho biết, giao tranh tại sân bay này vẫn tiếp diễn trong nhiều ngày, và các lực lượng Ukraine đã bắn hạ một số máy bay trực thăng Nga, ngay cả khi Moscow điều chuyển hết đợt này đến đợt khác lính dù đến đây. Theo các quan chức Ukraine, Nga ban đầu giành được sân bay, nhưng vẫn vấp phải sự kháng cự, tranh chấp liên tục từ các lực lượng Ukraine.
Nga vì thế đã không bao giờ có thể hạ cánh các máy bay vận tải lớn để tiếp viện cho các lực lượng bị bao vây ở đây và các nơi khác trong khu vực KIev. Thay vì tiến về trung tâm thủ đô, lực lượng Nga tại căn cứ không quân đã phải chiến đấu vì sự sống còn của chính họ. Nhiều tuần chiến đấu ác liệt đã biến sân bay thành một bãi đá vụn, ngổn ngang đạn dược, tên lửa, hộp khẩu phần ăn của quân đội Nga, mặt nạ phòng độc, những bộ quân phục bị cháy và rách nát...
"Nếu họ thành công ở sân bay Antonov, tôi nghĩ rằng cuộc chiến có thể đã diễn ra rất khác", ông Eyal tuyên bố.
Cũng theo ông Eyal, việc ông Zelensky và chính phủ Ukraine vẫn nắm quyền cùng với các đoàn xe quân sự Nga - do thiếu nguồn tiếp tế và sự hỗ trợ đã được lên kế hoạch từ sân bay Antonov - bị sa lầy ở các vùng ngoại ô phía Bắc của Ukraine đã đẩy các lực lượng Nga vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan", vô cùng khó khăn, thậm chí bế tắc.
"Đó là một bước ngoặt", ông Eyal nói về việc chính quyền Zelensky không sụp đổ như người Nga kỳ vọng.
Sau đó, quân đội Ukraine được cho là đã sử dụng hệ thống chống tăng di động Javelin do phương Tây cung cấp và máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất để tấn công làm tiêu hao lực lượng cơ giới và đoàn xe quân sự của Nga đang sa lầy ở ngoại ô Kiev. Trong khi đó, Moscow được cho là không rõ tại sao không lường trước được năng lực của các lực lượng Ukraine vốn đã được phương Tây đào tạo và trang bị vũ khí trong những năm gần đây. Tất cả những tính toán sai lầm này cuối cùng khiến cuộc tấn công đa hướng của Nga trong giai đoạn mở màn chiến dịch Ukraine thất bại.
"Họ (các lực lượng Nga) đã cố gắng làm quá nhiều. Nếu họ tập trung vào một mục tiêu, như giành lấy Kiev, họ có thể đã làm tốt hơn", ông Dmitry Gorenburg, nhà phân tích của CNA nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.